Nếu được xây dựng được các cộng đồng an toàn mà trong cộng đồng an toàn đó, mỗi người dân ý thức được thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại.
Tính đến trưa 28/9, bão số 4 đã vượt qua biên giới Việt - Lào. Hoàn lưu của bão số 4 có thể gây mưa to. Hiện đã ghi nhận những thiệt hại do bão số 4 gây ra. Nhờ làm tốt công tác ứng phó nên đã hạn chế tối đa công tác ứng phó với bão.
Phóng viên Thanh Hà vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai về công tác dự báo cũng như kinh nghiệm ứng phó với bão số 4.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Bão số 4 là cơn bão rất mạnh trên biển, rất may mắn là khi vào gần bờ thì giảm cấp khá nhanh, chính vì vậy giảm thiểu tối đa thiệt hại. Đến thời điểm hiện nay, thiệt hại nhiều nhất là về điện, có gần 9.500 trạm biến áp bị hư hỏng phải sửa chữa, hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái, 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Một trụ ăng ten tại thành phố Hội An bị đổ gãy. Còn những thiệt hại khác không đáng kể, chỉ một số cây xanh bị bật gốc hoặc gãy cành.
PV: Hiện các địa phương tập trung công tác khắc phục hậu quả bão số 4 ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trước hết, các địa phương phải bắt tay ngay vào việc dọn dẹp sau bão để đảm bảo một số hạ tầng thiết yếu. Một là hạ tầng về điện, hai là về nước, 3 là về giao thông, cuối cùng là về thông tin liên lạc để đảm bảo cho bà con. Và ngay sau bão còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của hoàn lưu bão, có thể gây ngập lụt một số nơi, phải khắc phục tình trạng ngập lụt.
PV: Ông đánh giá như thế nào công tác ứng phó của các địa phương?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Có thể nói lần này, với cấp độ cảnh báo rất cao, khi bão ở Philippines chuẩn bị vào Biển Đông, chúng ta đã chỉ đạo rất quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ra 3 Công điện và trực tiếp 2 lần họp với các địa phương và thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời các địa phương vào cuộc rất sát. Chúng tôi đi kiểm tra thấy từng người dân một đều biết nguy cơ của cơn bão này. Sự chỉ đạo của các địa phương đến được từng người dân. Chính sự chủ động của người dân là nguyên nhân rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.
PV: Theo ông bài học kinh nghiệm lớn nhất khi đối phó với bão số 4 là gì?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Bài học quan trọng nhất là sự chủ động của người dân. Nếu được xây dựng được các cộng đồng an toàn mà trong cộng đồng an toàn đó, mỗi người dân ý thức được thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại, đồng thời sau bão chúng ta cũng khắc phục rất nhanh nếu có thiệt hại. Vấn đề thứ hai là công tác dự báo sớm. Nếu dự báo sớm nhanh, chính xác, càng dự báo sớm thì sự chuẩn bị càng chủ động. Cùng với dự báo đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Bài học sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là bài học cơ bản khi đối phó với bão Noru lần này.
PV: Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào công tác dự báo bão số 4.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng tôi cho rằng công tác dự báo lần này khi dự báo trên biển rất nhanh, rất sớm, dự báo từ sớm từ xa. Dự báo trên biển rất chính xác. Ngay khi bão chưa đổ bộ vào Philippines thì cơ quan khí tượng thủy văn đã có những cảnh báo. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã đưa ra những cảnh báo cho các địa phương để thông báo cho tàu thuyền. Bởi đây là cơn bão đi rất nhanh với tốc độ trên biển là 20-25km/h. Ngay sau đó khi bão qua Philippines vào đến Biển Đông thì cơ quan khí tượng thủy văn đưa ra những dự báo. Các dự báo này về đường đi, về cường độ đều rất sát so với thực tế. Đặc biệt, các đài quốc tế lần này đều có dự báo giống nhau.
Chính về thế, tôi cho rằng, công tác dự báo trên biển rất chính xác. Khi bão vào gần bờ thì bão giảm cấp rất là nhanh. Cái này cũng đã lường trước là bão giảm cấp. Thế nhưng, đúng là công tác dự báo hiện nay và đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành ứng phó cũng không thể biết được bão giảm cấp đến cấp nào. Chính vì thế vẫn phải lấy cấp cao khi bão trên biển để mà chỉ đạo. Chứ nếu chúng ta dự báo giảm cấp mà bão không giảm nhanh như thế hoặc là bão không giảm mà lại tăng thì thiệt hại là vô cùng lớn.
PV: Việc ứng dụng công nghệ số vào công tác dự báo lần này ông đánh giá như thế nào đối với công tác phòng chống bão?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Hiện nay Tổng cục Khí tượng thủy văn được đầu tư từ Chính phủ. Đặc biệt sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác khí tượng thủy văn, tôi thấy công tác khí tượng thủy văn hiện nay đã được đầu tư khá tốt. Đương nhiên là so với một số nước tiên tiến và các nước xung quanh chúng ta còn thiếu rất nhiều nhưng đã tốt hơn trước. Chúng tôi không trực tiếp mảng này nhưng chúng tôi thường xuyên theo dõi thì thấy đội ngũ khí tượng thủy văn hiện nay ứng dụng công nghệ và tham khảo quốc tế và đồng thời các phần mềm tính toán hiện nay, có rất nhiều phương án. Tuy nhiên, ứng dụng gì, chuyển đổi gì thì cuối cùng cũng là con người. Phải đưa ra quyết định các mô hình tính toán đó, cuối cùng đưa ra quyết định ở Việt Nam như thế nào./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.
Thanh Hà/VOV-Miền Trung