Tăng giá đất thuê thầu mô hình trang trại 500%: Chính quyền nói gì?

Lãnh đạo UBND xã Xuân Quan khẳng định, việc xã Xuân Quan tăng giá trị hợp đồng thuê đất thầu đang thực hiện là đúng theo Luật Đất đai năm 2013.

 

Phản ánh đến Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Toàn và một số hộ dân xã Xuân Quan phản ánh về việc ông Lê Quý Đôn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan tự ý tăng sản lượng thuê thầu đất công ích cao gấp nhiều lần giá thuê thầu cũ, chậm ký kết lại hợp đồng thuê thầu đất công điền làm kinh tế trang trại và ban hành văn bản không đúng quy của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành luật này.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn xã Xuân Quan có 8 chủ hợp đồng thuê đất công điền của xã để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, được UBND huyện Văn Giang phê duyệt chuyển đổi mô hình sang kinh tế trang trại. Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Văn Toàn (thôn 10, xã Xuân Quan) có hợp đồng thuê thầu đất công điền của UBND xã Xuân Quan, hợp đồng thuê đất từ năm 2004, các hợp đồng tiếp theo được ký 5 năm một lần (không tổ chức đấu thầu mà thoả thuận giá hợp đồng theo Quyết định 46/2005 của UBND tỉnh Hưng Yên; Quyết định chuyển đổi sang mô hình kinh tế trang trại của UBND huyện Văn Giang.

Mô hình trồng hoa cây cảnh trên đất công điền tại xã Xuân Quan.

Ông Nguyễn Văn Toàn chủ trang trại cho biết, nguồn gốc đất thuê thầu ký hợp đồng với UBND xã Xuân Quan là đất dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng ngô chuyển sang mô hình trang trại chăn nuôi- trồng cây ăn quả (mô hình kinh tế VAC). Từ năm 2004 đến nay, cứ 5 năm một lần chúng tôi ký lại hợp đồng với UBND xã nhưng đến đến tháng 8/2020 khi hợp đồng thuê đất công ích ký từ ngày 1/8/2015 đến 1/8/2020 mức giá thu sản lượng là 151,1kg thóc/sào/năm hết hạn UBND xã Xuân Quan nâng mức thu sản lượng lên từ 5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các hộ dân chúng tôi không đồng tình với mức thu này. Việc nâng giá trị các hợp đồng thuê thầu của UBND xã Xuân Quan lên hơn 500% cao hơn với mức giá cũ là trái quy đinh pháp luật, trái với Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 “Đối với trường hợp thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá, mức điều chỉnh không vượt quá 30% đơn giá thuê đất của kỳ ổn định liền kề trước đó”.

Theo ông Toàn, tất cả các kỳ hợp đồng trước thực hiện tăng giảm không quá 30% theo Nghị định 46 của Chính phủ giờ vẫn còn hiệu lực thế nhưng UBND xã Xuân Quan đột ngột thay đổi. “Những dự án này đấu thầu từ đất công điền của xã Xuân Quan là đất trước đây bỏ trắng không canh tác. Là những người tiên phong thực hiện những dự án này khi ấy chúng tôi phải thế chấp nhà vay vốn ngân hàng để đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) được huyện phê duyệt. Các dự án đã trải qua 3 đời chủ tịch xã, cứ hết hạn 5 năm xã thanh lý hợp đồng, sau đó 2 bên thoả thuận tăng giảm giá trị hợp đồng thường không quá 15% và ký tiếp hợp đồng, kể cả chủ tịch xã hiện giờ cũng ký hợp đồng ở mức tăng giá này” - ông Toàn cho hay.

“Qua các buổi làm việc, chúng tôi thấy UBND xã dựa vào Thông tư 02 của UBND tỉnh Hưng Yên về tiêu chí trang trại đã hết hiệu lực từ cuối năm 2021 để phá hợp đồng là không đúng. Tuy nhiên, sau đó chủ tịch xã nhận sai, xác nhận do tham mưu hiểu nhầm văn bản đề nghị tiếp tục làm theo Nghị định 46 của Chính phủ tăng giảm giá trị không quá 30% nhưng yêu cầu trước khi làm hợp đồng có phụ lục đi kèm, khi nào có ý kiến của UBND tỉnh thay đổi giá này thì làm lại hợp đồng. Vì thế chúng tôi không chấp nhận mà rất mong muốn các cấp có thẩm quyền ra kết luận”, ông Toàn nói.

“Chúng tôi có đơn đề nghị UBND xã Xuân Quan tiếp tục áp mức giá dưới 30% đối với hợp đồng thuê đất hết thời hạn nhưng xã không tiếp nhận. Với lý do, trước đó lãnh đạo UBND xã Xuân Quan đã làm việc và có kết luận về việc giải quyết thuê thầu đối với các hợp đồng kinh tế trang trại hết thời hạn. Bên cạnh đó, UBND xã Xuân Quan còn gây áp lực cho các hộ thuê đất khi ban hành Thông báo hết thời hạn gia hạn hợp đồng, đề nghị trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra thông báo, di chuyển toàn bộ tài sản trên diện tích của hợp đồng trả lại mặt bằng cho UBND xã để đấu thầu theo quy định. Người dân chúng tôi bị dồn ép không còn biết trông vào đâu buộc phải làm đơn lên UBND huyện Văn Giang và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa có trả lời văn bản nào” - ông Toàn nói.

Chủ tịch xã Xuân Quan có làm trái quy định?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quý Đôn - Chủ tịch UBND xã Xuân Quan xác nhận trên địa bàn có đơn thư công dân kiện về việc tăng giá đất cho thuê đấu thầu trái quy định.

Ông Đôn cho biết các hộ dân này thuê đất xã Xuân Quan từ năm 2004. Các hộ lập hồ sơ chuyển sang mô hình trang trại và được UBND huyện Văn Giang phê duyệt mô hình trang trại, trong quyết định mô hình trang trại và hồ sơ lập phương án đó đảm bảo trong 5 năm đầu tư và thu hồi vốn.

Các chủ trang trại mong muốn chính quyền sớm có kết luận về giá thuê đất.

Thẩm quyền của UBND xã Xuân Quan chỉ được phép cho thuê đất công điền, đất công ích để sản xuất nông nghiệp thời hạn không quá 5 năm, sau đó thỏa thuận giá ký hợp đồng tiếp. Đối với những trường hợp này, người dân căn cứ theo Quyết định 46 của UBND tỉnh Hưng Yên ban hành năm 2005 và căn cứ Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 2003 (say này là Luật Đất đai năm 2013). Trong Luật Đất đai, điều khoản về mô hình trang trại không có điều kiện chuyển tiếp thực hiện mô hình trang trại.

Vậy Quyết định 46 của tỉnh Hưng Yên đến thời điểm Luật Đất đai năm 1993 không còn hiệu lực nữa thì Quyết định 46 còn hiệu lực không, ông Đôn đặt câu hỏi.

“Điều 132 Luật Đất đai 2013 quy định rõ đất công ích, đất công điền UBND xã cho thuê đối với hộ gia đình để sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây và thời hạn cho thuê 5 năm hết 5 năm tổ chức đấu thầu công khai để cho thuê lại. UBND xã Xuân Quan đang thực hiện đúng theo Luật Đất đai năm 2013”, ông Đôn khẳng định.

Cũng theo ông Đôn, tại Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 ghi rõ, đối với đất chưa sử dụng vào mục đích quy định tại khoản 2 (xây dựng các công trình phúc lợi của xã) UBND cấp xã cho hộ gia đình cá nhân tại địa phương để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức đấu giá để cho thuê, thời hạn sử dụng đối với mỗi hộ thuê không quá 5 năm. Vì thế căn cứ theo Luật Đất đai 2013 hết thời hạn hợp đồng sẽ tổ chức đấu giá cho thuê.

Đối với hợp đồng của các hộ dân đấu thầu thuê đất như trong hợp đồng thuê đất của hộ ông Toàn, trong Điều 4 nêu rõ trách nhiệm của chủ hợp đồng chịu sự điều hành quản lý của UBND xã phát triển kinh tế trang trại không được ảnh hưởng đến sản xuất các hộ xung quanh, khi đầu tư cải tạo phải được UBND xã phê duyệt (có nghĩa là cải tạo mới, chuyển đổi mục đích phải được phê duyệt). “Nhưng bây giờ ông Toàn không nuôi lợn, thả cá mà toàn bộ diện tích đất trồng cây có báo cáo UBND xã và được phê duyệt không? Đó là cái sai của ông Toàn” - ông Đôn nói.

Theo ông Đôn, hợp đồng cũng quy định sau khi hết hạn hợp đồng, UBND xã mời chủ hợp đồng thanh lý hợp đồng, nếu chủ hợp đồng không lên UBND thanh lý , xã thông báo hợp đồng hết hiệu lực.

Trong phương án do chính người dân xây dựng được phê duyệt năm 2005 không có chuyện đền bù.

“Ở vị trí phía sau chạy qua nhà ông Toàn, xã đang cho thuê đất công điền 5 triệu đồng/sào. Còn hiện tại vị trí mặt đường nhà ông Toàn nếu người dân cho thuê với nhau lên đến 15 - 20 triệu đồng. Còn nếu mang ra đấu thầu vị trí mặt đường của ông Toàn giá không dưới 10 triệu đồng. Đối với vị trí của ông Toàn, chúng tôi chỉ áp giá thoả thuận lấy theo mức giá sàn”, ông Đôn khẳng định.

Ông Đôn cho biết thêm: “Vị trí đất của ông Toàn giá thuê đất chỉ ở mức 151,1 kg thóc/sào, nhân với giá thuế hàng năm là 6.000 đồng thì giá thuê đất của ông Toàn vào khoảng 900.000 đồng/sào/năm. Mức đất công điền xã cho thuê ở bất cứ nơi nào của xã Xuân Quan cũng là 5 triệu đồng/sào mà vị trí của ông Toàn thuê 900.000 đồng các chủ hợp đồng khác nghĩ sao. Tôi chỉ cần ký một hợp đồng như vậy, ngay ngày mai đồng chí Đôn nhận một đơn tố cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn làm thất thoát tài sản của Nhà nước theo giá sàn của khu vực này. Theo đề xuất của ông Toàn và các hộ dân thuê đất xã chỉ nâng mức giá không quá 30% thì thêm khoảng 300.000 đồng nữa tổng cộng là gần 1,2 triệu đồng, nhưng tại Quyết định 46 của tỉnh Hưng Yên hay Nghị định 46 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định sẽ cho chủ trang trại hoặc thuê đất các dự án lớn đối với mức giá của huyện, tỉnh cho thuê ổn định trong kỳ 10 năm nhưng ở Xuân Quan chỉ có thẩm quyền cho thuê 5 năm” - ông Đôn nói./.

Liên quan đến các hợp đồng đất công điền tại xã Xuân Quan ngày 30/8/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chỉ đạo số 371-KT2 yêu cầu UBND huyện Văn Giang khẩn trương chỉ đạo giải quyết dứt điểm, trả lời công dân báo cáo kết quả giải quyết trước ngày 15/9/2022.

Ngày 14/9/2022, UBND huyện Văn Giang có văn bản số 325/BC-UBND báo cáo kết quả giải quyết đơn của ông Nguyễn Văn Toàn. Theo đó, ngày 9/6/2022, UBND xã Xuân Quan đã có văn bản số 35/CV-UBND gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đề nghị hướng dẫn xử lý những khó khăn vướng mắc đối với các hợp đồng cho thuê thầu. UBND huyện Văn Giang đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện phối hợp, hướng dẫn xã Xuân Quan giải quyết dứt điểm vụ việc./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận