Qua đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện nhiều cơ sở bất chấp quy định và cả những tác hại của bóng cười, vì lợi nhuận “khủng” vẫn lén lút kinh doanh. Nhiều người đặt câu hỏi, vì lý do gì mà việc sử dụng, kinh doanh bóng cười vẫn chưa được xử lý nghiêm?
Trong đợt cao điểm này, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện 60 tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh bóng cười trái phép, xử phạt hành chính 4 vụ, phạt tiền trên 150 triệu đồng và đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ 56 vụ để xử lý. Công an quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất tước giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở tái phạm nhiều lần. Nhưng trên thực tế, khi cơ quan quản lý tước giấy phép hoạt động thì ngay lập tức các cơ sở kinh doanh lại làm giấy phép cho người khác đứng tên.
Theo Đại úy Nguyễn Khắc Huy, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm, cần đưa bóng cười vào danh mục chất cấm, phải có điều kiện cụ thể trong kinh doanh mặt hàng này: “Quá trình kiểm tra, các cơ sở gây khó khăn, sử dụng nhiều hình thức để qua mắt lực lượng chức năng như dòng ống đặt bình khí ở nhà dân, hay xây hố ga tự chế... Quá trình kiểm tra, ghi hình xử lý, khi thấy đoàn kiểm tra, khách xì bóng ngay chỉ 1 - 2 giây nên cũng khó khăn”.
Hiện nay, việc sử dụng bóng cười không chỉ xuất hiện tại các quán bar, karaoke, vũ trường… Chỉ cần đánh chữ “bóng cười” trên Google sẽ xuất hiện vô số trang quảng cáo, mới chào, như: The Funky Ball, bongcuoi.com… người mua có thể đặt hàng một cách dễ dàng. Bất chấp quy định và cả tác hại của bóng cười, vì lợi nhuận không ít cơ sở vẫn lén lút kinh doanh. Em Nguyễn Thanh T ở Hà Nội, từng chứng kiến việc bạn bè mình sử dụng bóng cười, chia sẻ: “Em thấy các bạn vẫn thỉnh thoảng mua bóng cười để sử dụng. Cũng không thấy bị xử phạt gì cả…”.
Ông Đặng Mạnh Cường, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, sinh sống tại nơi có tình trạng sử dụng bóng cười khá phức tạp ở Hà Nội, cho hay: “Tôi thấy thanh niên và khách du lịch nước ngoài đến có xu hướng sử dụng bóng cười. Nó chưa phải là chất ma túy nhưng cũng gây hại cho sức khỏe. Những người đang kinh doanh bán các loại này nên dừng lại theo quy định của Nhà nước”.
Theo quy định hiện nay, bóng cười hiện chưa được xếp vào danh mục chất cấm, vì vậy, nếu vi phạm kinh doanh khí không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt từ 23 - 25 triệu đồng đối với hộ kinh doanh và từ 53 - 55 triệu đồng đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, lợi nhuận thu từ bóng cười có thể tới cả trăm triệu đồng mỗi tối, nên các cơ sở này dù liên tiếp bị xử phạt vẫn ngang nhiên tái phạm. Đối với người sử dụng bóng cười cũng chưa thể xử lý như dùng chất ma túy khác. Thiếu tá Nguyễn Minh Thanh, Phó trưởng Công an phường Hàng Buồm, cho biết: “Quá trình kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Có giấy phép thì được phép bán. Người ta lợi dụng giấy phép bán không vì mục đích sản xuất thực phẩm.. mà bán phục vụ cho giải trí. Chế tài xử phạt cũng cao nhưng vì lợi nhuận các chủ cơ sở vẫn kinh doanh”.
Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh. Nghị định 73/2018/NĐ-CP khí N2O không nằm trong mục các chất ma túy. Do đó, chất này chưa được xếp vào dạng ma túy và tiền chất để có căn cứ xử lý hình sự các hành vi liên quan. Chính vì vậy, bằng nhiều cách khác nhau, bóng cười vẫn được tuồn ra thị trường để phục vụ người chơi. Đây chính là khó khăn về pháp lý cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý việc buôn bán, sử dụng bóng cười tràn lan như hiện nay. Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, nêu ý kiến: “Các chất chế biến theo kiểu trá hình bằng nhiều cách khác nhau, nếu pháp luật chưa theo kịp cuộc sống, có diễn biến phức tạp, quy định chưa theo kịp thì chúng ta cần phải điều chỉnh hoặc bằng các văn bản dưới luật. Từ trước đến nay cũng có luật trễ hơn với thực tế cuộc sống”.
Để xử lý nghiêm tình trạng sử dụng, kinh doanh bóng cười, cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý chặt đối với việc nhập khẩu, kinh doanh khí N2O. Đồng thời, cần điều chỉnh, bổ sung chế tài xử phạt thật nặng đối với hành vi kinh doanh, sử dụng bóng cười./.