Lo ngại biến chứng nặng khi bị sốt xuất huyết

Thách thức trong điều trị sốt xuất huyết là biến chứng nặng, như xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, viêm gan tối cấp, bệnh lý não…

 

Bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, số ca mắc trên cả nước tiếp tục gia tăng, công tác phòng chống dịch vẫn còn nhiều thách thức… Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue vì sức khỏe cộng đồng” do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức sáng nay (23/9).

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, thời gian qua, bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tốc độ lây lan nhanh của bệnh và tỷ lệ tái nhiễm lớn tạo nên gánh nặng không hề nhỏ cho ngành y tế, đặc biệt là lĩnh vực y tế dự phòng. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 87 trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết ở trẻ em đang có dấu hiệu bùng phát, tăng nhanh, diễn biến phức tạp.

Các đại biểu và chuyên gia nước ngoài chia sẻ thảo luận về kinh nghiệm điều trị bệnh sốt xuất huyết.PGS.TS.Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, năm 2022, bệnh viện ghi nhận số ca sốt xuất huyết nhập viện và số ca nặng tăng cao so với 2 năm trước. Trong hơn 5.000 trẻ đến khám tại bệnh viện, có 1.000 trẻ sốt xuất huyết.

Thách thức trong điều trị sốt xuất huyết là biến chứng nặng, như xuất huyết ồ ạt, suy hô hấp, viêm gan tối cấp, bệnh lý não…. Các yếu tố liên quan tử vong do sốt xuất huyết bao gồm sốc nặng, sốc kéo dài; phát hiện trễ, điều trị không đúng phác đồ; chuyển viện không an toàn; nhiễm trùng bệnh viện…

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.Để giảm tỉ lệ tử vong, ông Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, cần phải chẩn đoán sớm, tăng cường hội chẩn giữa các tuyến, chuyển viện an toàn, điều trị đúng phác đồ. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều thách thức trong việc diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh. Mặc dù có vẻ rất đơn giản nhưng việc thực hiện không triệt để.

“Có từ 10 - 30% ca là có thể nặng, số này có thể gây tử vong nếu ta không phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Thành ra điều trị là bù dịch, chống sốc rồi truyền máu, huyết tương trong những ca xuất huyết nặng với những tổn thương đa cơ quan thì các bệnh viện tỉnh và các bệnh viện tuyến trên của TP.HCM đã chuẩn bị đầy đủ nhân sự và những trang thiết bị. Tuy nhiên, việc phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất” - PGS.TS.Nguyễn Thanh Hùng nói.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số chuyên gia nước ngoài tại hội thảo cho rằng, một số quốc gia trên thế giới đã cho phép lưu hành vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính bền vững và lâu dài cho phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và những ảnh hưởng không mong muốn gây ra cho người bệnh./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận