Đây là dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Đề cập vấn đề xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; quy định nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư tư nhân và quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội (phương án 1).
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như trên vẫn còn chưa hợp lý, cần quy định theo hướng: Phân loại các hoạt động, điều kiện để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Cụ thể hơn phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội cũng như các hình thức đặt hoặc mượn thiết bị y tế, về tỷ lệ lợi nhuận giữa nhà đầu tư với bệnh viện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như Phương án 2 Điều 105.
Nhấn mạnh việc sớm ban hành luật này là yêu cầu cấp bách, là sự mong đợi từng ngày từng giờ của ngành y tế cũng như người dân, tạo khuông khổ pháp lý mới để tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng, cũng như ngành y tế hoạt động thuận lợi hơn, thể hiện được vai trò và được xã hội công nhận, bảo vệ, tạo điều kiện, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, còn những nội dung lớn trong dự thảo chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan, có đề xuất mới chưa được đánh giá tác động và một số vấn đề chưa đảm bảo thống nhất, liên thông trong hệ thống luật.
“Luật hiện hành là cơ bản tốt, ngành y tế đóng góp rất lớn, rất nhiều hy sinh, thiệt thòi, nhất là qua đợt dịch vừa rồi thì không thể đong đếm được. Do đó, luật ban hành sớm được thì tốt, song không vì vậy mà khắc phục được một số bất cập hiện nay lại “đẻ” ra cái mới có khi khó khăn hơn” – ông Nguyễn Khắc Định lưu ý và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra huy động các chuyên gia rà soát, làm việc khẩn trương để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội xem xét
Ông Nguyễn Khắc Định cũng đánh việc chuẩn bị sửa luật dù có thời gian dài chuyển bị nhưng cách nhìn vẫn cũ. Vấn đề tài chính y tế, đổi mới đơn vị sự nghiệp công, xã hội hoá... chưa thể hiện hết được tinh thần Nghị quyết của Trung ương.
Cũng đề cập nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng bệnh viện công được thực hiện các dịch vụ có thu phí cũng là xã hội hoá. Ở địa phương thấy tự chủ bước đầu thành công cả cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh, song, gần đây xuất hiện nhiều yếu tố nên có xu hướng trả lại việc tự chủ.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết nội dung xã hội hóa, tài chính y tế nếu được đưa vào luật thì kỳ vọng sẽ giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn mà ngành y tế đang gặp phải.
Ví dụ về tự chủ bệnh viện, bà Đào Hồng Lan khẳng định đây là chủ trương đúng và đã được triển khai thời gian qua, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.
“Tại sao thời gian qua có ý kiến của các đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ? Vì Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi các pháp luật về tự chủ được quy định. Thời điểm này chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về vấn đề tự chủ cho nên vấn đề xin dừng để chuyển sang thực hiện theo pháp luật và đã được Chính phủ cho phép là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật” – bà Lan nhấn mạnh.
Cũng theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, xã hội hóa trong y tế cũng rất cần thiết vì nguồn lực Nhà nước dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Và dù tự chủ, xã hội hóa, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm./.
Ngọc Thành/VOV.VN