Điều này cho thấy động thái quyết liệt của lực lượng CSGT. Tuy nhiên đây có phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả? PV VOV Giao thông đối thoại với Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn – Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) về nội dung này.
PV: Thưa ông, từ ngày 20/9, lực lượng CSGT sẽ sử dụng xe môtô đặc chủng, di chuyển trên đường cao tốc để giải quyết ùn tắc và xử lý xe đi vào làn đường khẩn cấp. Tuy nhiên, hiện tình trạng vi phạm rất nhiều, theo ông đây có phải là giải pháp lâu dài?
Ông Vũ Anh Tuấn: Theo tôi đây có thể coi là một trong những giải pháp mang tính răn đe tạm thời trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến cao tốc của Việt Nam.
Sự xuất hiện của CSGT tác động đến tâm lý và hành vi của lái xe rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, giải pháp này không nên và khó duy trì được lâu dài, vì lực lượng nhân sự, phương tiện và sự huy động sẽ không duy trì được liên tục và lâu dài.
Biện pháp này chúng ta chỉ nên xử lý trong ngắn hạn, khi chưa trang bị được các công nghệ thông minh để giám sát và xử lý phạt nguội phương tiện.
Hơn nữa, nếu việc xử lý hoàn toàn bằng con người có thể gây ra các vấn đề tiêu cực.
PV: Để xử lý xe đi vào làn đường khẩn cấp hiệu quả có rất nhiều cách, trong đó dữ liệu từ người dân cung cấp là một nguồn khá lớn. Vậy lực lượng chức năng cần hướng dẫn thế nào cho người dân để dữ liệu hình ảnh gửi đến đảm bảo chất lượng, phục vụ công tác xác minh xử lý vi phạm?
Ông Vũ Anh Tuấn: Dữ liệu này chỉ mang tính chất bổ sung thêm thôi, trong công tác quản lý chúng ta không thể nào dựa vào những dữ liệu mang tính chất bị động như vậy được. Bởi vì không biết lúc nào nó đến và cần giám sát ở đâu, nó chỉ xảy ra trong những tình huống cụ thể.
Để giải quyết vấn đề này, trong hệ thống quản lý thông tin, chúng ta phải có các kênh thông tin tích hợp cho người sử dụng, họ có thể phản ánh, đăng tải các video vi phạm đó lên thông qua các cổng thông tin.
Song song đó, hệ thống giám sát, quản lý bằng công nghệ phải là chủ đạo, các hệ thống kia là những modun có thể tích hợp thêm để tăng cường giám sát và xử lý những vị trí mà hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin chưa bao phủ được.
PV: Theo ông, cần những giải pháp đồng bộ thế nào để giải quyết tình trạng xe đi vào làn đường khẩn cấp?
Ông Vũ Anh Tuấn: Tình trạng vi phạm này hiện đang trở nên bức bối, đặc biệt trên các tuyến cao tốc kết nối với nội đô. Ngoài xử lý vi phạm chúng ta phải đặt ra một vấn đề ngược lại, công tác quản lý hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho phương tiện trên đường cao tốc phải đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Về lâu dài, cần phải xem xét đến các giải pháp kỹ thuật, kết hợp với các giải pháp giám sát, xử lý phạt nguội. Cụ thể, về mặt kĩ thuật chúng ta phải điều tiết được lưu lượng ra vào trên các đoạn tuyến, các nhánh cao tốc một cách hợp lý để tránh ùn tắc xảy ra. Khi ùn tắc xảy ra, việc xâm phạm vào làn dừng đỗ khẩn cấp nó sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Nếu chúng ta giám sát và xử lý vi phạm luật tốt thì những vi phạm này cũng sẽ được hạn chế.
Thế nhưng, xét về góc độ ngược lại, người trả tiền để đi cao tốc họ sẽ phải được cung cấp một dịch vụ xứng đáng với chi phí họ bỏ ra, rút ngắn thời gian đi lại.
Đồng thời phải tăng cường về mặt công nghệ, ở đây là công nghệ giám sát bằng camera và việc triển khai hệ thống này trên đường cao tốc nên được đặt ra từ chiến lược ban đầu, khi thiết kế đường cao tốc, chứ không chỉ khi đưa vào khai thác vận hành phát sinh vấn đề chúng ta mới tính đến .
PV: Xin cảm ơn ông./.
Hoàng Hà/VOVGT