Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế vướng gì mà khó khăn đến thế!

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ rõ những vướng mắc trong đấu thầu, lỗ hổng trong luật để có cách xử lý.

 

Đơn đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế rất cần nhưng đang rất khó khăn.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 20/9 đặt mục tiêu quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn để đảm bảo công khai, minh bạch và khắc phục những bất cập, hạn chế lâu nay.

Có tâm lý e dè

Trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan, khách quan.

Sau dịch nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt so với cùng kì tăng (40 – 60%) nhưng chúng ta dự tính, dự trù không sát thực tế. Do dịch nên vừa qua có tình trạng trên thế giới dứt gãy chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu.

Khách quan là do một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào phòng chống dịch, ít người việc nhiều. Bên cạnh đó cũng còn những điểm vướng trong quy định.

Về giải pháp, ông Trần Văn Thuấn cho biết, vừa rồi Bộ Y tế đã đấu thầu mua sắm tập trung, giải quyết 86/106 loại thuốc và dự kiến trong tháng này và tháng sau hoàn thiện số còn lại.

Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa Thông tư 15 phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho bên dưới và danh mục thu gọn lại (thay vì 106 thuốc thì tới đây khoảng chục loại).

“Chủ tịch Quốc hội có nêu ý kiến rất hay là nên chăng để BHXH Việt Nam tham gia thầu tập trung thuốc. Nếu làm thế thì quá tốt, giảm gánh nặng cho Bộ Y tế và Bộ rất vui mừng và sẵn sàng chuyển giao” – Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Liên quan vướng mắc trong đấu thầu của y tế, ở góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng chủ yếu vướng do Nghị định 98 của Chính phủ; Thông tư 14 về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và Thông tư 15 mua sắm thuốc. Còn tất cả Luật Đấu thầu hiện nay không vướng gì.

Tuy vậy, Bộ KH-ĐT phải thẩm định từng gói thầu thì ngành y tế mới thực hiện được việc mua sắm.

“Chúng tôi rất vất vả và gặp khó vì không thực hiện thì không làm được, mà làm thì lại vướng” – ông Nguyễn Chí Dũng bày tỏ và cho rằng những gì cụ thể hoá được trong luật thì cụ thể hoá, qua đó giảm công việc của các bộ, ngành mà vẫn thực hiện thông suốt.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ rõ những vướng mắc trong đấu thầu, lỗ hổng trong luật để có cách xử lý. Chống “cài cắm” khi đấu thầu

Có ý kiến nhấn mạnh tránh vấn đề vừa qua thiên về chọn giá rẻ nhưng không chọn được nhà đầu tư tốt và đặt vấn đề liệu Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã xử lý được vấn đề này hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Luật Giáo dục Đại học cho phép cơ sở giáo dục chọn tổ chức kiểm định chất lượng. Do kinh phí lớn nên tổ chức đấu thầu nhưng có khi không chọn được tổ chức năng lực tốt vì ai bỏ thầu thấp là trúng.

Hay giao giao nhiệm vụ điện ảnh, với phim sử dụng ngân sách thì đấu thầu rất khó khăn. Rồi nhà xuất bản chủ động biên soạn sách giáo khoa, nhưng giả sử thấy cần thiết Bộ GD-ĐT biên soạn 1 bộ SGK thì việc đấu thầu cũng là yếu tố phức tạp.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến, rà soát theo hướng sửa đổi thủ tục để đơn giản hoá, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết, tăng đấu thầu qua mạng… Việc quản lý vẫn chặt chẽ nhưng rút ngắn thời gian, dễ dàng hơn trong thực hiện.

Dự thảo cũng sửa một số quy định, tiêu chí để đảm bảo cạnh tranh trong hồ sơ mời thầu. Điều này nhằm hạn chế đấu thầu hình thức, tức “quân xanh, quân đỏ”, gian lận trong đấu thầu.

“Chẳng hạn, các gói thầu yêu cầu đấu thầu rộng rãi nhưng bên mời thầu đưa ra điều kiện, tiêu chí mà qua đây đã nhìn thấy rõ ngay ông nhà thầu nào sẽ trúng thầu, tức là cài cắm điều kiện khi mời thầu. Lần này sửa phải đảm bảo công khai, minh bạch, từ thông tin đấu thầu, hoàn thiện quy định về hành vi cấm trong đấu thầu, quy định trách nhiệm tổ chức cá nhân tham gia…” - – ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về yêu cầu khắc phục tình trạng trúng thầu giá rẻ nhưng thực tế phải trả giá đắt do điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, hiện nay tập trung vào giá thầu thấp hơn là năng lực, chất lượng nhà thầu.

Gói thầu mua sắm rẻ, còn gói thầu duy tu, bảo dưỡng lại đắt, nên tính tổng chung lại là đắt hơn nếu mua sản phẩm tốt, nhà thầu tốt. Chính vì vậy, sửa luật cũng phải có quy định bổ sung để khắc phục thực tế này./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận