Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phố “cà phê đường tàu” trên khu vực Phùng Hưng, Cửa Nam (Hà Nội) hoạt động mạnh trở lại, thu hút cả du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan chụp ảnh trải nghiệm. Nhiều người đến thưởng thức cà phê và chụp ảnh trên đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Để đảm bảo an toàn cho hộ kinh doanh và du khách, đêm 14/9, các lực lượng của UBND phường Hàng Bông phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quân rào chắn và lập chốt ở phía đầu vào khu vực cà phê đường tàu, nhằm ngăn chặn du khách, người dân không vào chụp ảnh.
Việc đóng cửa phố “cà phê đường tàu” khiến nhiều người hụt hẫng và tiếc nuối. Nhiều ý kiến cho rằng, làm du lịch luôn phải tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Cà phê đường tàu có thể được xem là một sản phẩm lạ với du khách đặc biệt là khách nước ngoài, thay vì cấm, dẹp bỏ, các cơ quan chức năng vẫn có thể có các giải pháp để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và người dân.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, phố “cà phê đường tàu” là một trong những địa điểm có tên tuổi, có nét độc đáo riêng, do đó, có sức hút nhất định đối với khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Vì thế, cần có quy hoạch, cần sự phối kết hợp giữa các hộ kinh doanh với chính quyền sở tại để vừa đảm bảo cho việc kinh doanh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhưng vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động đường tàu cũng như an toàn về tính mạng cho khách check in ở đó. Bởi ở một khoảng cách rất gần nếu không cẩn trọng thì rất dễ xảy ra tai nạn.
“Nếu không đảm bảo an toàn cho hộ kinh doanh, khách tham quan thì phải đóng cửa, còn nếu có cách thức để đảm bảo được sự an toàn cho người dân cũng như hoạt động thông suốt của tàu hỏa thì hoàn toàn có thể kinh doanh được”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, cà phê đường tàu là “đặc sản” đặc biệt đối với khách du lịch ở Việt Nam và khách du lịch nước ngoài. Hiếm có nơi nào có hàng cà phê ngay sát đường tàu như vậy, đây là vấn đề lịch sử để lại, các hộ dân đã kinh doanh cà phê tại đây từ nhiều năm, thậm chí nhiều đời để lại. Đó là hiện tượng du lịch mạo hiểm, rất nhiều khách du lịch thích cảm giác mạnh, thích uống cà phê, ngắm nhìn chuyến tàu chạy ngay sát người.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý và quy định an toàn đường sắt thì những công trình đó chưa đảm bảo điều kiện về an toàn đường sắt và tai nạn đường sắt có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Theo quy định tại Khoản 2, điều 3 của Nghị định 56/2018, quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, đối với hành lang đường sắt, quy định chiều rộng hành lang, an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài bảo vệ đường sắt trở ra sang mỗi bên được xác định: Với đường sắt tốc độ cao trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m, đối với đường sắt tốc độ cao thì phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm phạm trái phép.
Theo quy định thì hành lang đảm bảo an toàn đường sắt trong đô thị tối thiểu phải là 3m. Những công trình xây dựng cũng như kinh doanh không được xâm phạm vào phạm vi 3m.
“Về chế tài xử phạt hành chính, với hành vi lấn chiếm đường sắt và gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới góc độ pháp lý thì hoạt động kinh doanh này không được phép tồn tại. Tuy nhiên, khi xử lý các công trình này thì cơ quan chức năng cũng cần lưu ý đến yếu tố lịch sử, yếu tố văn hóa và thực trạng tồn tại của công trình này. Về hoạt động kinh doanh, nếu kinh doanh trong phạm vi hành lang đường sắt thì chắc chắn không được cơ quan thẩm quyền Nhà nước cấp phép kinh doanh. Ngoài ra, hành vi lấn chiếm hành lang bằng cách kê bàn, kê ghế, căng bạt… thì đó là những công trình vi phạm hành lang đường sắt, hành vi này phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Có ý kiến đề xuất, thay vì xóa sổ một địa điểm du lịch đã và đang nổi tiếng, tại sao chính quyền địa phương không quy hoạch và quản lý một cách bài bản? Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, cà phê đường sắt là “cà phê mạo hiểm” và thu hút sự tò mò của rất nhiều người. Vì vậy, khi xử lý các công trình này thì các cơ quan chức năng cần nhìn nhận đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ, trên cơ sở xác định về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, xác định về đặc điểm xây dựng công trình, xác định về vấn đề an sinh xã hội để có một bài toán tổng thể, làm sao xử lý được các công trình vi phạm trật tự đường sắt mà vẫn đảm bảo được kế sinh nhai của người dân cũng như vận động để người dân chấp hành đảm bảo an toàn đường sắt. Cùng với đó, tránh trường hợp áp dụng các văn bản pháp luật một cách máy móc và không tính đến nguồn gốc, quá trình sử dụng, không tính đến sinh kế của người dân.
“Việc dẹp bỏ các hoạt động kinh doanh trong phạm vi hành lang đường sắt, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều người đồng tình ủng hộ để đảm bảo an toàn đường sắt, an toàn cho tính mạng của người kinh doanh, của khách hàng. Tuy nhiên, khi tính tới vấn đề đảm bảo an toàn đường sắt rồi thì câu chuyện thực thi, thu hồi đất hoặc khi tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, khi yêu cầu dân kinh doanh thì phải tính đến nguồn gốc, quá trình sử dụng để đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật liên quan đến nguồn gốc đất cũng như quá trình kinh doanh sinh nhai của người dân trong khu vực đó. Cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với lợi ích của các hộ dân cũng như đảm bảo an toàn đường sắt cho mọi người”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Cũng theo vị luật sư này, khi “xóa sổ” cà phê đường tàu phải đánh giá hậu quả, hiệu quả trong việc thực hiện. Khi thực hiện điều này sẽ mang lại những giá trị gì và gây ra những tổn thương, tổn hại gì tới người kinh doanh, đảm bảo việc áp dụng mang tính nhân văn. Có 2 vấn đề để thực hiện điều này, một là di chuyển đường tàu đi chỗ khác, quy hoạch lại đường tàu, đường sắt để giữ lại phố đó làm phố du lịch. Hai là duy trì phố đường sắt, đường tàu ấy và di chuyển những quán kinh doanh đó hoặc bỏ đi mô hình kinh doanh đó. Chỉ có 2 lựa chọn như vậy, chứ không thể để tồn tại mãi câu chuyện, đường tàu thì vẫn chạy, hộ kinh doanh thì cứ lấn chiếm hành lang đường sắt để kinh doanh.
Nếu phương án quy hoạch lại đường sắt đô thị là phương án tổng thể và mất nhiều kinh phí thực hiện thì phải có đề án, phương án, kế hoạch lộ trình. Trong trường hợp không có quy hoạch về giao thông, không có lộ trình thay đổi hoặc vẫn giữ nguyên hoạt động đường sắt như vậy thì rõ ràng, việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh đó là cần thiết để đảm bảo an toàn cho chính hộ kinh doanh, cho khách hàng, người dân.
Luật sư Cường cũng cho rằng, nếu quyết tâm thay đổi việc đó bằng cách di chuyển đường sắt hay di chuyển các quán cà phê thì cũng là một việc làm cần có sự xem xét, suy nghĩ thấu đáo, vừa bảo đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa bảo đảm an toàn đường sắt; Phải chú ý đến nguồn gốc và đặc điểm sinh kế của những người đang mưu sinh bằng hoạt động kinh doanh đó, đảm bảo làm sao khi áp dụng pháp luật triệt để thì các hộ dân sẽ phải chấp hành, phải tâm phục khẩu phục./.
Chung Thủy/VOV.VN