Năm 2023, các trường ĐH cần tránh quá nhiều phương thức tuyển sinh phức tạp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị, năm 2023, các trường tránh để quá nhiều phương thức phức tạp, nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh.

 

Theo báo cáo tổng kết của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), tại hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 vừa diễn ra, khối giáo dục đại học trong năm học 2021-2022 đã triển khai tự chủ đại học mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.

Công tác tuyển sinh đạt kết quả nổi bật, đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế, với sự thành công lớn của các cơ sở giáo dục đại học cả nước. Đặc biệt, đại học chính quy đạt tỷ lệ cao nhất trong 3 năm qua với 94,16%. Tăng cường ứng dụng CNTT trong nhiều khâu của quá trình tuyển sinh, trong đó, tất cả các khâu trong tuyển sinh tiến hành trực tuyến.

Tuy nhiên, Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng, phương thức xét tuyển ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo. Một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Một số trường chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định.

Về đào tạo, một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho thí sinh là chủ trương xuyên suốt đúng đắn của công tác tuyển sinh. Việc thực hiện các quy định mới giúp nhà trường triển khai công tác đào tạo thuận lợi hơn. Kết quả lọc ảo của nhóm trường miền Bắc đến thời điểm này vận hành tốt, quá trình xét tuyển ổn định, số thí sinh trúng tuyển khá tương đồng với chỉ tiêu. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất trong tuyển sinh 2023, cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra.

Bên cạnh đó, một số trường đại học cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem xét giải pháp hỗ trợ những thí sinh gặp một số lỗi trực tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi của các em, khắc phục, điều chỉnh phù hợp hơn về điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT rất nỗ lực triển khai các giải pháp, giành phần khó khăn về phía mình, chỉ thực sự cần thiết thì mới đưa ra những điều chỉnh, thay đổi nhằm đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi chính đáng, công bằng cho thí sinh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, năm 2023, các trường cần suy nghĩ nhiều hơn cho thí sinh, đánh giá các phương thức tuyển sinh của trường, tránh quá nhiều phương thức phức tạp, nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh. Do năm 2022 là năm đầu triển khai tất cả các khâu đăng ký và thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến nên Bộ sẽ tạo điều kiện tối đa, giải quyết xử lý các trường hợp thí sinh sai sót thông qua hướng dẫn xử lý từng tình huống.

Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, với nhóm công việc tuyển sinh, ngoài lưu ý các trường cần làm tốt công tác tuyển sinh của năm 2022, Bộ trưởng cũng giao cho các trường đại học sớm xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025.

“Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường đại học trong thời gian vài tháng nữa công bố phương án tuyển sinh, chuẩn đầu ra vào năm 2025. Hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025. Việc công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ chưa đáp ứng được hoàn toàn mong đợi của dư luận, mà còn phải căn cứ vào định hướng về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học”./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận