'Bản hạnh phúc' ở vùng cao Yên Bái

Yên Bái đang từng bước nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân thông qua nhiều cách làm hay, hiệu quả.

 

Mô hình “Bản hạnh phúc” bước đầu được triển khai ở các địa phương vùng cao 

Xác định muốn nhân dân trong thôn hạnh phúc thì trước hết cần thay đổi nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế, ông Phàng A Phà, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Xùa, xã bản Công, huyện Trạm Tấu đã chủ động tìm hiểu và đầu tư xây dựng một mô hình chăn nuôi ngan, vịt, lợn đen với quy mô hàng trăm con mỗi lứa. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nên đàn vật nuôi của gia đình ông Phà sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, được bà con tin tưởng học hỏi, làm theo.

Ông Phàng A Phà tâm sự: "Trong thôn sẽ có hướng chăn nuôi ngan với lợn, sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích, quy mô".

Đến nay, toàn thôn Tà Xùa đã có hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi với quy mô 20 con lợn thịt và 3 con lợn nái của gia đình anh Phàng A Xềnh: "Tôi mong muốn xây dựng mô hình kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình, cố gắng phấn đấu sau này phát triển nhiều hơn".

Ông Mùa A Già, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết, năm 2022, huyện Trạm Tấu đề ra mục tiêu nâng chỉ số hạnh phúc của người dân lên 52%, tăng 2,18% so với năm 2021. Việc xây dựng thành công các mô hình thôn, bản hạnh phúc như ở Tà Xùa sẽ góp phần quan trọng để huyện vùng cao này hoàn thành mục tiêu đề ra: "Về xây dựng bản hạnh phúc, trong số 10 tiêu chí thì huyện chúng tôi tập trung vào các tiêu chí cụ thể là phát triển kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế; về phát triển giao thông; về tuổi thọ và chăm sóc sức khỏe...".

Được Huyện ủy Mù Cang Chải lựa chọn xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải phấn đấu sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí như: 100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; bản có bãi đổ rác, khu vực trung tâm có thùng rác; chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi trong bản được tiêm chủng các loại vaccine; người già từ 60 tuổi trở lên đều tham gia Hội Người cao tuổi và được theo dõi sức khỏe định kỳ. Trong bản có từ 5-10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững, tạo thu nhập ổn định; 40-50% số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%...

Cuộc sống ấm no là một trong những tiêu chí xây dựng bản hạnh phúc ở vùng cao Yên Bái.Ông Lìm Văn Hòa, Trưởng Ban Công tác mặt trận bản Trống Là cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” bản Trống Là thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã quan tâm giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người dân: "Chúng tôi cũng vận động các hộ gia đình thường xuyên học tập và nghiên cứu các bản, các xã đã làm rồi để bà con triển khai. Qua sơ, tổng kết, đánh giá chấm điểm nếu mà đạt thì từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ cho ra mắt bản hạnh phúc".

Mô hình "Bản hạnh phúc" đang được triển khai bước đầu ở một số thôn bản ở các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Để xây dựng thành công mô hình này, ngoài nỗ lực của bà con vùng cao, sự cố gắng của cán bộ thôn, bản, các huyện cũng thường xuyên cử cán bộ xuống với dân vào mỗi cuối tuần.

"Cán bộ, đảng viên xuống với dân, cùng nhân dân giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong lao động sản xuất, trong xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần", bà Đào Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải.

Ngoài mô hình "Bản hạnh phúc", tỉnh Yên Bái còn đang thực hiện và nhân rộng các mô hình: khu dân cư hạnh phúc, trường học hạnh phúc, cơ quan, đơn vị hạnh phúc… Từ đây, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận