Giải căn cơ vấn nạn 'ma men' sau tay lái

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia và Cục CSGT, 20-30% số hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ trong những ngày nghỉ lễ vừa qua là vi phạm nồng độ cồn.

 

Khoảng hơn 11% số vụ TNGT liên quan tới hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Dù đã tuyên truyền, xử lý cao điểm nhiều năm, song vấn đề cốt lõi là biện pháp phòng ngừa từ rào cản tiếp cận rượu bia vẫn còn rất sơ sài.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia về quảng cáo đồ uống có cồn, giảm thiểu khả năng tiếp cận với người trẻ thông qua thuế, phí bị xem là chưa đủ mạnh.

Những vụ TNGT kinh hoàng liên quan tới rượu bia, những sinh mạng ra đường nhưng vĩnh viễn không trở về nhà, những thủ phạm gây nên thảm cảnh không đủ tỉnh táo để nhận biết tình huống. Nếu truy xuất ngược lại căn nguyên của mọi vấn đề vừa nêu, rất dễ tìm đáp án tại các quán nhậu.

Hình ảnh hàng quán tấp nập, những thực khách mặt đỏ au, liêu xiêu tự lái xe rời quán đã trở nên quá quen thuộc tại Hà Nội, bất chấp những khuyến cáo, tuyên truyền ra rả của lực lượng chức năng về tác hại của đồ uống có cồn.

Trách nhiệm của người uống, đặc biệt của người bán, các chủ quán nhậu đã được đề cập, nhưng một số thính giả vẫn không chắc chắn về ý thức tuân thủ một cách tự nguyện của họ:

“Thực ra người nhậu cứ nhậu chứ chủ quán cũng chẳng quan tâm. Nhậu xong nếu say quá thì tự gọi xe về, quán nhậu người ta cũng không có trách nhiệm đưa mình về hoặc ngăn mình về”.

“Mình nghĩ đây là vấn đề quan ngại vì mua rượu bia rất dễ dàng, đặc biệt ở Việt Nam có nhiều cửa hàng tạp hóa nhỏ bán rượu bia. Đặc biệt là không quan tâm đến đối tượng mua hàng đã đủ tuổi hay chưa mà chỉ quan tâm đến mục đích bán được hàng”.

“Để cấm rượu bia thì không thể cấm được, thế nên mình cần dùng rượu bia trong hoàn cảnh nào, dùng ra làm sao”.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia về quảng cáo đồ uống có cồn, giảm thiểu khả năng tiếp cận với người trẻ thông qua thuế, phí bị xem là chưa đủ mạnh.

Ghi nhận thực tế của phóng viên VOV Giao thông tại nút giao Thi Sách – Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tổ công tác Đội CSGT Số 4, Phòng CSGT TP. Hà Nội đã xử lý được 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Có trường hợp CSGT phát hiện tài xế vi phạm ở mức 1,196 mg/l khí thở, gấp gần 3 lần mức vi phạm cao nhất được quy định trong Nghị định 100.

Nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn, bị dừng xe kiểm tra xử lý nhưng bất hợp tác, kéo dài thời gian để gọi điện thoại nhờ cứu viện, có trường hợp bỏ xe để lẩn trốn vào trụ sở cơ quan nhà nước hay sẵn sàng đâm thẳng xe vào CSGT để tránh né sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Tôi biết uống rượu bia là gây nguy hiểm cho xã hội nhưng thấy uống cốc bia rồi về ngủ thì chẳng vấn đề gì”

“Mình uống rượu bia từ đêm hôm qua chứ không phải giờ chắc là nồng độ vẫn còn. Mình sẽ hạn chế uống rượu bia khi tham gia giao thông”.

Đại úy Nguyễn Thế Quang, tổ trưởng tổ công tác, Đội CSGT số 4, Phòng CSGT, CA TP. Hà Nội cho biết: “Trong thời gian gần đây, vi phạm nồng độ cồn có gia tăng. Nhiều lái xe mất bình tĩnh, không hợp tác có hành vi thái độ khiêu khích lực lượng chức năng.

Trong buổi làm việc ngày hôm nay đặc biệt có trường hợp vi phạm gấp 3 lần mức cao nhất với khung hình phạt. Nồng độ cồn như thế sẽ không đảm bảo lưu thông an toàn. Khi sử dụng rượu bia người dân nên để xe ở nhà và đi các phương tiện công cộng, dịch vụ để đi như thế sẽ đảm bảo an toàn cho gia đình và mọi người khi tham gia giao thông”.

Theo Đại úy Trần Đoàn, cán bộ Đội CSGT số 6, lực lượng CSGT hiện tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn những tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán bar, karaoke. Nhưng thực tế, không ít quán ăn, nhà hàng, quán bia cho bảo vệ, quản lý đi theo dõi lại tổ công tác để kịp thời báo cho khách hàng nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Nhà hàng, quán bia nếu thấy lực lượng dừng xe xử lý nồng độ cồn, người ta sẽ báo cho người vừa xử dụng rượu bia biết để đi đường khác. Với các trường hợp đó lực lượng chức năng kiên quyết lập biên bản và truyên truyền cho họ hiểu lỗi như vậy là sai và họ cũng chấp nhận xử phạt theo quy định của pháp luật”, Đại úy Trần Đoàn nói.

Phòng CSGT TP. Hà Nội cho biết, qua thực tế xử lý nổi cộm nhất là các trường hợp người tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia. Vì vậy, Phòng CSGT sẽ tăng cường thêm thời gian và mật độ xử lý trên đường, tập trung vào công tác trinh sát nắm rõ quy luật hoạt động để xử lý trúng và đúng. Trong quá trình xử lý, các tổ công tác đều có ghi hình để bảo đảm tính khách quan.

TS. Khương Kim Tạo, Nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích, sở dĩ chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay đã khá nặng, các cao điểm tuần tra kiểm soát cũng được thực hiện khá nhiều, song hiệu quả răn đe chưa đạt như mong muốn, đó là do số liệu xử phạt chiếm phần rất nhỏ so với lượng người vi phạm thực tế, chưa kể một số trường hợp vi phạm cậy địa vị, quyền lực và sự quen biết dẫn đến nhờn luật.

“Nếu chúng ta không có giải pháp bền vững mà thiên về vấn đề nâng cao chế tài xử phạt, nhưng 100 người uống rượu bia rồi lái xe, chúng ta chỉ phạt được 1 người, 99 người thoát thì không ý nghĩa gì. Làm thế nào để 100 người vi phạm thì 90 người bị xử phạt, khi đó, chúng ta không cần phạt nặng nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục cao”, TS. Khương Kim Tạo cho biết.

Bên cạnh sự nghiêm minh của những người thực thi công vụ trong quá trình tuần tra, phát hiện và xử phạt “ma men” sau tay lái, TS. Khương Kim Tạo cũng đề cập một số giải pháp các nước tiên tiến đang thực hiện. Đó là giới hạn độ tuổi, số lượng rượu bia bán cho khách, trang bị các thiết bị ngăn tài xế có hơi thở cồn được khởi động xe…

Mặc dù vậy, các biện pháp này còn chưa khả thi tại Việt Nam. TS.Khương Kim Tạo kiến nghị giải pháp phạt nguội.

“Quán rượu bia có thể lắp camera để giám sát tất cả người vào quán uống rượu bia, từ quán ra mà lái xe đi chỉ 1-2m là chúng ta phạt nguội luôn. Cần xử lý tận gốc như thế, còn chỉ trông mong vào lực lượng chức năng dừng xe trên đường, thổi nồng độ cồn thì không xuể. Chúng ta còn có quy định cho phép người dân cung cấp thông tin vi phạm giao thông để phạt nguội”

Cách đây không lâu, đề xuất của một đơn vị CSGT tại TP.HCM đã gây “bão” tranh luận, khi yêu cầu chủ quán nhậu báo tin cho công an nếu thấy khách uống rượu bia vẫn cố tình lái xe.

Đa số ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ mang tính nhắc nhở các hàng quán về trách nhiệm và bổn phận của họ. Còn hiệu lực thực tế chỉ bằng… không. Bởi lẽ, họ không thể nào “bán đứng” khách hàng của mình, nếu không muốn bị tẩy chay và rơi vào cảnh ế ẩm.

Thay vì phụ thuộc vào tính tuân thủ phi logic ấy, lực lượng chức năng cần các giải pháp, chế tài đủ mạnh để uốn nắn, răn đe, hướng trực tiếp tới người bán rượu bia, xa hơn là ngành công nghiệp rượu bia.

Thực tế, ngay sau khi được Quốc hội thông qua năm 2019, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được chính tổ soạn thảo đánh giá là “còn yếu” so với quy định của các nước trong khu vực.

Các nội dung về hạn chế quảng cáo rượu bia, hạn chế nơi bán, chỉ được bán theo giờ, buộc khách hàng xuất trình chứng minh thư/căn cước công dân, cấm bán rượu bia trên mạng, hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống, không ép buộc, khích bác nhau uống rượu... cho đến nay đều dừng ở mức khuyến nghị, hoặc chưa có hiệu quả trên thực tế.

Ngoài ra, một công cụ rất hữu hiệu được các quốc gia sử dụng là tăng thuế, lập rào cản bằng giá bán lại không được đưa vào Luật Phòng chống tác hại rượu bia, mà phải chờ các quy định và Luật khác sửa đổi sau.

Trong bối cảnh đó, những điểm sáng hiếm hoi như quy định “Lái xe sau khi uống rượu bia, dù ít dù nhiều, đều bị xử phạt”, hay tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100… mới giải quyết phần nào phần ngọn của vấn đề.

Việc tuần tra, mật phục, hóa trang, đón lõng tại các nhà hàng, quán bia, vũ trường trong cao điểm sẽ không thể duy trì mãi, và nhân lực cũng làm không xuể.

Người trẻ vẫn bị bủa vây bởi quảng cáo rượu bia, đồ uống có cồn trên ti vi, mạng xã hội, thông qua người nổi tiếng; họ dễ dàng tiếp cận, mua sắm và sử dụng được các sản phẩm này tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, quán nước, nhà hàng mọc lên nhan nhản khắp nơi với giá rẻ; Không ai hoặc ít người dám can ngăn họ tự lái xe sau những chầu nhậu tới bến.

Tất cả những sự thật hiển nhiên này vẫn đang tồn tại, nó giải thích tại sao trải qua rất nhiều đợt cao điểm xử lý nhưng vi phạm về nồng độ cồn vẫn rất cao. Theo như lời của các CSGT là, không kiểm tra thì thôi, chứ đã kiểm tra thì sẽ có, càng kiểm tra nhiều, càng phát hiện vi phạm nhiều!

Có thể nói, cuộc chiến chống tác hại của rượu bia vẫn còn trường kỳ. Bên cạnh việc tăng cường sức mạnh cho phòng tuyến này bằng kiện toàn, bổ sung quy định, các điều Luật, bên cạnh việc thực thi công vụ nghiêm minh, kiên quyết xử lý sai phạm, không cả nể bỏ qua, rất cần thêm những sáng kiến, công cụ kỹ thuật để lập nên hàng rào tiếp cận với rượu bia, đặc biệt với người trẻ.

Đó có thể là việc giám sát bằng camera các tài xế tự lái xe ra về sau khi uống rượu bia từ quán nhậu, là xử phạt nguội thông qua hình ảnh, clip người dân gửi về chứng minh người vi phạm, là các chế tài mạnh với các quán nhậu tái phạm nhiều lần về việc để khách say xỉn tự lái xe về, khuyến khích những tổ chức, cá nhân có sáng kiến, cách làm hay bảo đảm sự an toàn cho người uống rượu bia.

Muốn hạn chế tận gốc vấn đề, cần phòng ngừa tận nơi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ đồ uống có cồn, cần một lời tuyến chiến mạnh mẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng với ngành công nghiệp rượu bia./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận