'Hà Nội khó đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trong 10 năm tới'

Giải quyết bài toán ùn tắc giao thông thủ đô, Hà Nội chỉ mới mở rộng một số tuyến đường, triển khai một số cầu vượt, đường xe buýt BRT… nhưng như thế chưa đủ.

 

“Phần gốc là phát triển giao thông đô thị, đường bộ, phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện thì Hà Nội vẫn chưa thực hiện đầy đủ, đúng mức. Để đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội rất khó thực hiện trong 10 năm tới” - TS Phan Lê Bình cho biết.

Tắc đường nghiêm trọng ở đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội).

Tắc đường do cung không đủ cầu

Người dân Hà Nội gọi các điểm tắc đường là “điểm đen”. Có những cung đường chưa đến mức tắc nhưng sau khi phân luồng lại biến thành cung đường đau khổ, lộn xộn vì tắc.

“Đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân trước đây không đến mức tắc như vậy. Sau khi phân luồng, đường lại tắc hơn, nhất là giờ cao điểm” - Anh Nguyễn Văn Nam nói với phóng viên VOV2.

Đường tắc khiến xe cộ tràn lên vỉa hè, người đi bộ cũng không còn chỗ mà đi. Em Nguyễn Thùy Linh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội kể nỗi khổ mỗi ngày đến trường. Nhà Linh chỉ cách trường hơn 1 cây số nhưng ngày nào cũng mất 15 phút mới đến được trường.

“Đường sắt trên cao Xuân Thủy - Cầu Giấy mãi chưa xong nên đường đã bé lại bị chiếm diện tích, người tham gia giao thông như điền vào chỗ trống” - Linh chia sẻ.

Chuyên giao giao thông Phan Lê Bình.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội -TPHCM khá nghiêm trọng và càng nghiêm trọng hơn. “Tuy nhiên chưa đến mức mãn tính” - chuyên gia này nhận xét - “TP Hồ Chí Minh đang tiến gần đến tình trạng tắc đường mãn tính hơn. Hà Nội thường ùn tắc khoảng 1 - 1,5 tiếng vào khung giờ sáng và tan tầm”.

Chỉ tính trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng giao thông, thậm chí treo giải cả trăm nghìn USD để tổ chức các cuộc thi, với mong muốn tìm ra các giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc, đưa giao thông Hà Nội trở nên thông thoáng hơn.

“Vấn đề ùn tắc của Hà Nội đến từ mất cân bằng lớn giữa “cung” (là mạng lưới giao thông gồm cả đường bộ, phương tiện giao thông công cộng), và cầu. Cung hạn chế nhưng “cầu” là do gia tăng dân số nhanh chóng cả sinh học và cơ học (khi người dân tỉnh khác lập nghiệp ở Hà Nội ngày càng tăng). Song song với đó là sự chuyển đổi từ xe máy sang ô tô diễn ra mạnh mẽ nhưng nguồn cung thì không đáp ứng nổi” - TS Phan Lê Bình phân tích.

Ông Bình cũng cung cấp thêm thông tin: Theo nghiên cứu bài bản của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ cho Hà Nội năm 2008: Trung bình mỗi năm Hà Nội cần bỏ ra 1 tỷ USD (khoảng 23 nghìn tỉ đồng) trong suốt 10 năm để xây nhiều đường bộ, phát triển xe buýt, đường sắt đô thị thì mới đảm bảo mức độ giao thông thông thoáng.

Cần một giải pháp tổng thể để chống ùn tắc.

“Hà Nội đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ mới đang đầu tư mở rộng một số tuyến đường, triển khai một số cầu vượt nhẹ bằng thép, đường xe buýt PRT… nhưng như thế là chưa đủ!” - chuyên gia giao thông này chỉ ra việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị khá chậm chạp hoặc một số tuyến dừng do không thể triển khai được đã gây ra hậu quả trực tiếp là ùn tắc khó có thể cải thiện.

Giải pháp tổng thể: cần giải quyết từ phần gốc

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 235 thực hiện Nghị quyết số 48/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, không để xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020;

Hằng năm, xử lý từ 7 - 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng phần gốc là phát triển giao thông đô thị, đường bộ, phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện thì Hà Nội vẫn chưa thực hiện đầy đủ và đúng mức. Để đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội, rất khó thực hiện trong 10 năm tới./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận