Nhiều lần trực tiếp thực hiện tuần tra, kiểm soát đảm bảo TTATGT dịp nghỉ lễ, thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Đội CSGT số 6 đã xử lý 38 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Đội CSGT số 6 đã xử lý 742 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Từ kinh nghiệm xử lý vi phạm nồng độ cồn đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, đợt nghỉ lễ 2/9 năm nay, Đội CSGT số 6 đã huy động 100% quân số, kết hợp giữa việc chốt chặn tại các điểm có nhiều nhà hàng, quán bia và việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
"Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm trong thời điểm gần đây. Đội CSGT số 6 ngoài việc xử lý thường xuyên, xuyên suốt thì cũng thành lập thêm 2 tổ, ngoài việc cắm chốt tại những tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn để tiến hành kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn", Thiếu tá Trần Quang Chinh cho biết.
Từ tình hình TNGT 4 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5 trên toàn quốc cho thấy, dù lực lượng CSGT trên toàn quốc đã ra quân thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, song tình trạng TNGT trong đợt nghỉ lễ vẫn diễn biến phức tạp 104 vụ TNGT, làm chết 55 người, bị thương 84 người.
So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021, giảm 7 vụ, giảm 3 người chết nhưng tăng 20 người bị thương. Trong số 104 vụ TNGT này, có không ít vụ có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng vi phạm nồng độ cồn.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, để khắc phục tình trạng này, Cục CSGT cho biết, việc xử lý nồng độ cồn không chỉ được thực hiện trong các kế hoạch chuyên đề, mà được lồng ghép trong các kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.
Theo thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đợt nghỉ lễ 2/9 năm nay, việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn cũng được đặc biệt chú trọng, không chỉ tại các tuyến cao tốc, Quốc lộ, mà tập trung cả vào các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng:
"Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng CSGT các địa phương huy động lực lượng, thiết bị để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT và ùn tắc giao thông như: chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt, dừng đỗ…", thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nói.
Ngoài lực lượng CSGT, lực lượng Thanh tra giao thông cũng phối hợp với các bến xe kiểm tra các tài xế ngay tại bến để đảm bảo không có tài xế nào sử dụng rượu bia trước khi vận chuyển hành khách.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: "Bến cũng thường xuyên phối hợp với Thanh tra giao thông kiểm tra đột xuất đối với những người lái đang hoạt động trên bến xe. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm, chúng tôi cũng đã ký cam kết với từng nhà xe trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định, đặc biệt nghiêm cấm sử dụng chất kích thích, bia rượu khi tham gia giao thông".
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng, trong những dịp nghỉ lễ, thói quen của người dân chưa thay đổi, nhiều người vẫn chưa sợ bị phạt.
TS Phạm Việt Cường cho rằng, xử phạt chỉ là một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm nồng độ cồn, nhưng cần đặc biệt tăng cường các biện pháp giảm sự tiếp cận của người dân với bia rượu, qua đó giảm dần tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông:
"Việc xử phạt tới thời điểm này không phải quá nhẹ, mức xử phạt rất cao, tăng cường lực lượng cưỡng chế cũng không ít, nhưng thói quen sử dụng rượu bia và việc sử dụng rượu bia giống như việc rất bình thường - cái đấy cần phải thay đổi. Trong đó việc kiểm soát uống, hạn chế quảng cáo, tăng thuế, thậm chí tăng giá các sản phẩm rượu bia. Đó là những biện pháp giúp cho việc giảm uống xuống", TS Phạm Việt Cường cho biết./.
Theo VOV.VN