Những năm gần đây, thông qua việc ký kết thỏa thuận giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, các Tổ vay vốn được thành lập, góp phần quan trọng đưa vốn tín dụng về nông thôn; đồng thời, đồng hành cùng nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất… giúp người dân ngày càng tin tưởng, tạo sự gắn kết trong Hội.
Cách đây 4 năm, ông Cao Ngọc Thành ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, mạnh dạn đầu tư mở xưởng may gia công tại địa phương. Thiếu vốn, ông Thành vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Agribank Phong Điền 400 triệu đồng. Sau 4 năm, xưởng may gia công của ông Cao Ngọc Thành làm ăn có lãi, trả hết nợ vay ngân hàng.
“Tôi vay Agribank 400 triệu đồng, ngân hàng cũng giải quyết rất nhanh chóng, thuận lợi. Làm ăn có lãi, trong 1 đến 3 năm, tôi đã trả được gốc. Thời gian gần đây, nhiều người dân vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Đa số bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu bò, trang trại. Ngân hàng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn kinh doanh với phương thức cho vay đơn giản và nhân viên ngân hàng rất nhiệt tình”, ông Cao Ngọc Thành cho hay.
Là người có thâm niên gắn bó với hoạt động Hội Nông dân cũng như tín dụng, ông Lê Văn Tiêm ở thôn Lại Phú, xã Phong Chương, huyện Phong Điền cho biết, thời gian gần đây, Agribank phối hợp với các Tổ vay vốn tại địa phương đẩy mạnh đưa hoạt động tín dụng về nông thôn bằng xe lưu động. Việc làm này giúp người dân nông thôn không vướng vào tín dụng đen do hạn chế trong khả năng tiếp cận với các loại hình tài chính ngân hàng. Khi cần vốn cho công việc thì nguồn vốn từ Agribank là kênh vay vốn an toàn, giúp người dân tiếp cận nhanh với vốn tín dụng. Các hộ vay vốn tại địa bàn quản lý đa phần buôn bán hoặc phát triển các mô hình chăn nuôi… Nhu cầu vốn trung bình từ 50 đến 100 triệu đồng để xoay vòng rất lớn. Ông Lê Văn Tiêm cho biết, trước đây, mọi người còn e ngại khi tiếp cận vốn vay thì nay đã thay đổi cách nhìn, coi đây là nguồn vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất: “Bà con vừa rồi vay cũng nhiều, nhìn chung là vay kinh doanh, chăn nuôi... làm ăn có hiệu quả, trong đó có cả công tác xây dựng gia đình nữa. Ví dụ như nguồn vốn gia đình có 100 - 200 triệu đồng rồi, muốn vay thêm 100 triệu đồng để làm nhà cửa cho khang trang, nơi ăn chốn ở được ổn định, kể cả phương tiện đi lại đều nhờ vào ngân hàng”.
Ở đâu có nông dân là ở đó có dấu chân của cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngân hàng luôn chia sẻ lợi ích, hỗ trợ nguồn lực tối đa giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Agribank Thừa Thiên Huế tiếp tục với vai trò “đỡ đầu cho các ý tưởng khả thi”, đầu tư vốn cho hàng nghìn hộ dân làm trang trại trên cát, chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá... Ông Nguyễn Hải Quân, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết: Một trong những giải pháp được ngân hàng triển khai là thành lập Tổ vay vốn. Ưu thế của cách làm này là phát huy được vai trò của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… trong việc hỗ trợ bà con nông, ngư dân vay vốn một cách thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thực tế, phát triển theo hướng mới, vừa nâng cao thu nhập cho bà con.
“Hiện nay, phối hợp với Hội Nông dân, tập trung qua hai hướng là tập trung cho vay qua Tổ vay vốn để phối hợp giữa ngân hàng và hộ nông dân, đưa vốn đến sát người dân địa phương, giảm bớt các chi phí đi lại cho người dân ở địa bàn nông thôn, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa. Thứ hai, ngân hàng cũng triển khai đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của xe lưu động của ngân hàng để đưa vốn của các Tổ ngân hàng đến địa bàn nông thôn. Phối hợp với Hội Nông dân để triển khai chương trình cho vay xuất khẩu lao động. Đây là một hướng đầu tư của tỉnh trong những năm qua bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh”, ông Nguyễn Hải Quân cho biết./.