Lối đi nào cho các bệnh viện tự chủ?

Để tìm được hướng đi mới, cho phù hợp với cơ chế tự chủ cho các bệnh viện, cần đúc kết, đánh giá lại việc thực hiện tự chủ trong chục năm vừa qua.

 

Mới đây bệnh viện Bạch Mai xin thôi tự chủ toàn diện theo Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ của 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, về mặt lý thuyết, cơ chế tự chủ được xem là chính sách "cởi trói" cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, qua thực tế 2 bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K đang xin chuyển sang thực hiện tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) theo Nghị định 60 đã cho thấy, không thể áp dụng mô hình tự chủ bệnh viện một cách cứng nhắc, máy móc.

Tại cuộc họp giữa Chính phủ với Bộ Y tế diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đề nghị ngành y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/6/2021. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ. Nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60. Nếu không tự chủ được thì dừng lại. Ngay cả việc tự chủ một phần cũng phải xét tùy điều kiện một số bệnh viện, tự chủ có mức độ chứ không thể ép tất cả bệnh viện tự chủ.

Bệnh viện Bạch Mai mới đây xin bỏ tự chủ toàn diện.

Trong hoàn cảnh hiện nay, y tế Việt Nam phải thực hiện tự chủ được thì mới có nguồn kinh phí phát triển y học trong nước. Tuy nhiên, để các bệnh viện có thể tự chủ theo từng mức độ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô hoạt động của bệnh viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, cần phải sửa đổi một loạt vấn đề để đảm bảo có hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho các BV.

"Vấn đề thứ nhất là được sử dụng những gì để làm tự chủ gồm có cơ sở vật chất, nhà xưởng, cơ sở vật chất, nguồn lực con người. Được sử dụng như thế nào, điều đó có phải tuân theo các luật khác hiện hành không, ví dụ Luật đầu tư công, rồi một mảng quan trọng nữa là cần sửa đổi để đảm bảo giá tính đúng tính đủ phù hợp với từng mức độ tự chủ", GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Thực tế sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện lớn phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Đây cũng là câu chuyện mà bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K đang gặp phải sau 2 năm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Với bệnh viện tuyến cuối thường xuyên thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kỹ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự tìm nguồn thu trả lương cho nhân viên, tự tìm nguồn vốn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị... song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lý giá.

Trước thực trạng khó khăn đủ bề khi tự chủ toàn diện, bệnh viện Bạch Mai đã xin trở lại tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện phân tích, với chức năng thực hiện công tác khám chữa bệnh, an sinh xã hội, việc trở lại cơ chế tự chủ chi thường xuyên sẽ giúp bệnh viện có điều kiện chăm lo cho người bệnh tốt hơn:

"Nếu được thực hiện như thế này thì chúng tôi vẫn có cơ hội mà vẫn tự chủ nhưng có nguồn lực của xã hội, nguồn lực của Chính phủ của Bộ Y tế để đầu tư xây dựng nhà cửa, làm mới xây dựng nhà cửa, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để giúp cho bệnh viện có thể vận hành và thực hiện công tác an sinh xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng và nhân dân và Bộ Y tế giao phó", PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay.

Cùng chung quan điểm xin trở lại tự chủ chi thường xuyên theo Nghị định 60, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K cho biết, thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch, do đó nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ. Do không có nguồn thu nên bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong mua sắm trang thiết bị phục vụ người bệnh ung thư trong khi không thể tìm kiếm nguồn thu từ tiền túi người bệnh. Việc xin trở lại tự chủ chi thường xuyên sẽ giúp bệnh viện có nguồn hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển.

"Nghị định 60 có 4 mức tự chủ, tự chủ mức 1 là cả chi thường xuyên và đầu tư, mức 2 là chỉ chi thường xuyên, mức 3 chi thường xuyên 1 phần, mức 4 nhà nước bao cấp. Mình nói chất lượng khám chữa bệnh tự chủ hay không tự chủ thì chưa chính xác, lý do dù tự chủ hay không bác sỹ vẫn phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, chỉ có tự chủ là mình có thể tự quyết một số mà không phải xin ý kiến. Như 1 kỹ thuật mới Hội đồng bệnh viện họp có thể đưa ra luôn, hai nữa là Nghị định 60 đã áp dụng cho rất nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có hành lang pháp lý tốt hơn, còn nếu cái gì chưa có mà làm thực sự sẽ gặp khó khăn", GS.TS Lê Văn Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để tìm được hướng đi mới, phù hợp cho cơ chế tự chủ, đã đến lúc cần đúc kết, đánh giá lại việc thực hiện tự chủ trong chục năm vừa qua. Nếu tự chủ mà các cơ sở y tế phải tìm mọi cách có nguồn thu từ người bệnh thì không phù hợp với chủ trương phát triển nền y tế phục vụ nhân dân.

"Dịch vụ y tế là dịch vụ gì? Nhà nước đảm bảo những gì trong đó, ngoài đảm bảo bảo hiểm? Nhà nước cần đảm bảo chế độ chính sách như thế nào đó, không nên khoán tất cả cho cơ sở y tế. Tôi nghĩ kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy Nhà nước chỉ giao cơ sở y tế tự chủ một mức nhất định, nếu thiếu Nhà nước sẽ bù, nếu vượt cái đó phải nộp lại cho Nhà nước, tức là nó không tạo ra 1 áp lực rất lớn cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó cũng cần đặt ra một mức lương cho cán bộ y tế, đó là mức ít nhất phải gấp 2 lần so với lương trung bình của xã hội. Có như vậy cơ sở y tế công lập mới mang đúng nghĩa của nó", ông Nguyễn Văn Tiên chia sẻ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận