Từ việc bốc thăm vào mầm non nghĩ về cơ chế chính sách và quy hoạch đô thị

Phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường mầm non công lập với tỷ lệ 'chọi' khá cao tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

 

Theo đó, hơn 700 hồ sơ đăng ký tuyển sinh ở độ tuổi 3 - 4 thì chỉ có hơn 300 trẻ “trúng tuyển”, còn lại gần 400 trẻ “trượt” mầm non công lập.

Đây không phải lần đầu Trường Mầm non Hoàng Liệt tổ chức bốc thăm để giành suất vào công lập. Việc này đã diễn ra cách đây 3 - 4 năm. Nguyên nhân cơ bản do phường Hoàng Liệt có dân số lớn nhất Hà Nội - hơn 80.000 dân; là nơi có nhiều chung cư dành cho người có mức sống trung bình khá nên dân cư ở đây khá đông, trong đó nhiều gia đình có con trong độ tuổi đến trường.

Phụ huynh bế cả con nhỏ căng thẳng ngồi chờ may mắn đến với con em mình (ảnh: Nguyễn Trang)Phụ huynh bế cả con nhỏ căng thẳng ngồi chờ may mắn đến với con em mình (ảnh: Nguyễn Trang)

Trên báo Pháp luật TP.HCM, bà Trương Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho biết, mỗi năm số lượng trẻ mầm non tăng khoảng 2.000. Tuy nhiên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% trẻ, còn lại 82% trong phường phải theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Như vậy, cứ 5 cháu thì chỉ 1 cháu có cơ hội được học công lập, 4 cháu còn lại ở nhà hoặc học trường tư. Điều này cho thấy việc lo cho con “có suất” vào học công lập căng thẳng như thế nào.

Nếu học trường tư mỗi tháng phụ huynh phải lo thêm tối thiểu 2 - 3 triệu tiền học, trong khi đa số dân cư ở phường Hoàng Liệt là viên chức và người lao động có mức thu nhập trên trung bình.

Cô hiệu trưởng cho biết giải pháp là xây thêm trường. Điều đó rõ như ban ngày, ai cũng biết, nhưng mọi người không hiểu nổi là sao không xây trường trước mà để đến cơ sự như thế này? Vẫn biết không đơn giản trong bối cảnh lực lượng lao động ngoại tỉnh di biến động phức tạp, kèm xu hướng dồn về Thủ đô sinh sống, nhưng không phải không dự tính được.

Giáo dục công lập và tư thục quốc gia nào cũng có. Và ở từng cấp học, trong mỗi giai đoạn và bối cảnh nhất định nào đó, người ta khuyến khích học trường tư. Tuy nhiên, phải có chính sách để các trường tư có chất lượng và giá cả phù hợp với thu nhập của khu vực dân cư. Điều 27 Khoản 2 Luật GD đã ghi rõ: "Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội". Nếu "chính sách khuyến khích" đó vẫn làm cho các trường tư thục ngoài tầm tay với của số đông phụ huynh thì cần xem lại.

Ở những khu vực mức sống người dân còn thấp thì môi trường giáo dục công lập với chi phí không cao vẫn là lý tưởng cho nên cần có giải pháp đồng bộ trong quy hoạch đô thị.

Việc học là của con trẻ, nhưng tương lai là của đất nước. Còn ở hiện tại, không ông bố, bà mẹ nào yên tâm sáng tạo, cống hiến cho xã hội khi mà con mình còn chưa tìm được chỗ học, hoặc phải học ở một nơi không phù hợp. Mất mát vô hình ấy không ai tính toán được./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận