Hiến, ghép mô tạng: Những bất cập cần điều chỉnh

Nếu có được sự ủng hộ của toàn xã hội, mỗi năm ít nhất 1.500 bệnh nhân có cơ hội được bắt đầu cuộc đời thứ hai nhờ ghép mô tạng.

 

95% nguồn hiến tạng hiện nay từ người cho sống

Thống kê đến ngày 31/5/2022, Việt Nam thực hiện tổng cộng 6.592 ca ghép mô/tạng, trong đó có đến 6.127 ca ghép thận, ghép gan 391 ca, số còn lại là ghép tim, ghép phổi. Có một số kỹ thuật chúng ta chưa làm được, ví dụ như ghép mật, tử cung, nhưng ghép tim, phổi, chúng ta làm rất tốt - ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Năm 2010 được coi là năm bước ngoặt phát triển của ghép tạng Việt Nam nhờ thực hiện thành công nhiều công trình nghiên cứu về ghép tạng từ người cho chết não. Đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà, đồng thời mở ra cơ hội sống cho người bệnh.

Tại Việt Nam, ca ghép tim từ người cho đa tạng thực hiện lần đầu tiên tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2011, đã mở ra một hướng mới điều trị người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối ở Việt Nam; có thể lấy đa tạng để ghép cho nhiều người bệnh và ghép đa tạng (cùng một lúc ghép 2 tạng trên 1 người bệnh).

Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên ở Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Lần đầu tiên ở Việt Nam đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh.

30 năm qua, ghép tạng ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và những người không may bị suy tạng cần điều trị thay thế, thì nay ngành ghép tạng của chúng ta đã có thể bắt kịp với thế giới. Thậm chí đã có nhiều thành tựu khiến thế giới ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, một thực tế là nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến còn khan hiếm, đặc biệt là tạng hiến từ người chết não. Nếu như trên thế giới trung bình khoảng 80% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não thì ngược lại, Việt Nam chúng ta hiện nay đến khoảng 95% tạng hiến lại từ người cho sống.

Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não, giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới.

Làm thế nào để vận động, kêu gọi được nguồn tạng hiến từ người chết não, giúp hàng ngàn người bệnh có thêm cơ hội sống là điều mà các nhà hoạch định chính sách phải tính tới.

“Nguồn tạng cho chết não đến từ 2 nguồn: từ tai nạn giao thông và bệnh lý. Chúng ta tất nhiên không vui mừng với điều đó, chúng ta cần hạn chế tai nạn, hạn chế những bệnh lý liên quan đến não, nhưng đó là thực tế và chúng ta cần tận dụng được nguồn tạng này để cứu sống người khác”- ông Nguyễn Hoàng Phúc bày tỏ.

Có một thực tế là phần lớn mô tạng được hiến tại Việt Nam không tới từ người đăng kÝ hiến tạng mà do người thân những người không may chết não đồng ý hiến. Còn một bất cập là việc chẩn đoán chết não cần làm tới 3 lần, cách nhau 6 tiếng và cần hồi sức liên tục. Như vậy tốn kém và có thể khiến tạng cho bị suy, ảnh hưởng chất lượng nguồn tạng.

Để tăng cường nguồn tạng hiến có rất nhiều giải pháp

Thứ nhất, về độ tuổi đăng ký hiến tạng.Theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

Tuy nhiên ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, nếu một người trước 18 tuổi không may bị chết não mà họ đã có nguyện vọng được hiến tạng và được gia đình xác nhận đồng ý cho hiến tạng thì luật pháp nên cho phép tiếp nhận tạng hiến. Dẫn chứng về trường hợp bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông Phúc cho biết: trước khi bé Hải An qua đời, mẹ của bé đã liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia bày tỏ ý nguyện của bé là được hiến tặng tạng cho những bạn nhỏ khác đang chờ được ghép tạng. Tuy nhiên vì chưa đủ 18 tuổi, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia không thể tiếp nhận tạng hiến tặng từ bé Hải An, mà chỉ có thể tiếp nhận giác mạc sau khi bé qua đời.

Ca ghép tim cho người bệnh Huỳnh Công Minh (phường Thuận Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) từ một người hiến đã chết não.

Thứ hai là liên quan đến chẩn đoán chết não, mọi cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trước khi cho bệnh nhân xuất viện cần chẩn đoán chết não. Trường hợp chưa chết não sẽ tận tình cứu chữa đến cùng. Trường hợp chết não không thể cứu chữa được nữa sẽ tiến hành thuyết phục hiến tạng, tăng nguồn tạng được hiến ghép. Đồng thời tổ chức đội lấy tạng di động, với sự góp sức của nhiều chuyên gia. Ê-kíp sẽ đến tận nơi để thực hiện lấy tạng hiến ghép.

Được biết, mặc dù Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu bệnh viện trực thuộc và bệnh viện đa khoa các tỉnh thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não và đưa vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả trường hợp nặng xin về và xuất viện. Tuy nhiên hiện chỉ có hơn 20 đơn vị đang tiến hành thành lập bộ phận này. Đây là một con số quá ít ỏi bởi các bệnh viện tuyến cơ sở có vai trò rất quan trọng trong công tác chẩn đoán chết não, cũng như quá trình điều phối ghép tạng tại Việt Nam hiện nay.

Thứ ba về hình thức đăng ký hiến tạng cũng cần điều chỉnh. Hiện nay, hầu hết công dân 18 tuổi đều được thi bằng lái xe máy. Vậy tại sao chúng ta không tích hợp biểu tượng đồng ý hiến tạng trong bằng lái xe máy. Bởi nếu chẳng may có tai nạn xảy đến, chúng ta không chỉ nhanh chóng cứu sống bệnh nhân hoặc trường hợp xấu, có thể lấy tạng hiến ghép theo tâm nguyện - ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đề xuất./.

Theo VOV.VN     

 

Bình luận

    Chưa có bình luận