Bệnh viện Đa khoa Chân Mây chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013, là bệnh viện hạng III tuyến tỉnh, kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, công tác khám chữa bệnh không đạt như mong đợi ban đầu.
Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập tháng 4/2011 dưới sự quản lý của Sở Y tế Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, đến ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê chuẩn sáp nhập Bệnh viện Đa khoa Chân Mây vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, trực thuộc Sở Y tế. Mặc dù sáp nhập nhưng cơ sở và nhiều trang thiết bị y tế không sử dụng, gây lãng phí, xuống cấp từng ngày.
Bệnh viện Đa khoa Chân Mây chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3/2013, là bệnh viện hạng III tuyến tỉnh, kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, công tác khám chữa bệnh không đạt như mong đợi ban đầu. Dù được đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị tối ưu nhưng không đưa vào sử dụng nên ngày càng xuống cấp, gây lãng phí.
Ông Nguyễn Kế, người dân trong vùng cho biết, trước đây người dân dã giao đất đang sản xuất để giải phóng mặt bằng xây dựng bệnh viện này. Thế nhưng, hy vọng có được bệnh viện tốt để được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đã không như mong muốn.
“Tôi đau ốm thường ra Cầu Hai với lên Huế khám. Ra ngoài nớ kể ra họ cũng khác hơn đây. Bệnh viện ở đây thì nhân lực có hơi yếu hơn. Nó yếu nên họ ít quan tâm”, ông Kế nói.
Cách đây gần 15 năm, thông qua kết nối tài trợ trang thiết bị y tế hiện đại từ nước ngoài, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dự án bệnh viện tuyến tỉnh tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Đến năm 2011, tại đây mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đội ngũ chuyên môn, hình thành Bệnh viện Đa khoa Chân Mây.
Năm 2013 khi đưa vào hoạt động, hiệu quả lại không như mong muốn. Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thưa thớt. Thực hiện chủ trương, chính sách về tinh giản đội ngũ, tháng 4/2021, Bệnh viện Đa khoa Chân Mây “hạ cấp” trở thành cơ sở 2 trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.
Sau khi sáp nhập, tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, nhiều trang thiết bị hiện đại từng được Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư gần 10 năm trước tại bệnh viện này được phát hiện chưa từng được vận hành phục vụ người dân. Trong đó, đáng chú ý có 2 máy chạy thận nhân tạo, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc cho biết: Hiện Bệnh viện Chân Mây chỉ có 9 bác sĩ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh. Trung tâm Y tế huyện đang điều động thêm 2 bác sĩ về đây. Về nguyên nhân 2 máy chạy thận tiền tỷ nằm suốt nhiều năm qua là do Bệnh viện đa khoa Chân Mây trước đây, cũng như cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện sau này không đủ năng lực, điều kiện để vận hành, sử dụng thiết bị y tế hiện đại. Ông Lê Viết Cường cho biết, đối với cơ sở vật chất xuống cấp, trước mắt sẽ sơn sửa lại để sử dụng.
“Giải pháp một mặt chúng tôi đang cử cán bộ đi đào tạo ở tuyến trên, đang cử một bác sĩ đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế. Một số trang thiết bị chưa sử dụng, chúng tôi sẽ bảo dưỡng, bảo trì một phòng có nhiệt độ đảm bảo, có điều hòa, rồi cất tại các kho, phòng đảm bảo, không được để hỏng hóc, xuống cấp. Cái này thì đoàn của Sở về trang thiết bị y tế có về giám sát, đánh giá vấn đề này. Tất cả trang thiết bị chúng tôi đều tận dụng hết sức để làm sao phục vụ tối đa công tác khám chữa bệnh cho người dân”, ông Cường cho biết.
Về vấn đề lãng phí trang thiết bị y tế hàng tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách tại Bệnh viện đa khoa Chân Mây, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra hiện trạng, khả năng vận hành sử dụng, máy móc thiết bị y tế tại cơ sở Chân Mây để đưa vào sử dụng. Ngân sách tỉnh dự chi hơn 8 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động sửa chữa, chỉnh trang tại đây.
Sở Y tế tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc chuyển dần các hoạt động chuyên môn của cơ sở 1 về cơ sở Chân Mây trong thời gian tới.
“Bệnh viện Chân Mây thực tế vẫn hoạt động liên tục. Cụ thể, từ tháng 4/2021, chúng tôi chuyển lại trạng thái là nơi thu dung và điều trị bệnh nhân F0. Đến tháng 4/2022, chúng tôi chuyển trạng thái của Bệnh viện Chân Mây hoạt động theo đa khoa, trong trạng thái bình thường mới. Hiện tại, chúng tôi đã đưa vào sử dụng và tiếp nhận bệnh nhân, khoảng 50 bệnh nhân một ngày", ông Hào nói.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ cơ cấu lại đội ngũ chuyên môn, định hướng triển khai nâng tầm một số lĩnh vực, chuyển giao kỹ thuật mới, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân./.
Theo VOV.VN