Từ ngày 25/8, theo Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau ngày 25/8 vẫn chưa tiến hành xử phạt bởi Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân theo lộ trình chậm nhất vào cuối năm 2024 mới áp dụng hình thức xả phạt này.
Phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường về nội dung này.
Thưa ông, thời gian gần đây thì dư luận rất băn khoăn về việc từ ngày 25 tháng 8 tới, nếu người dân không phân loại rác thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định mới này. Cụ thể thì vấn đề này như nào?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Như chúng ta đã biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ các hộ gia đình và cá nhân theo nguyên tắc quy định tại khoản 1, Điều 75, của luật. Tuy nhiên, theo quy định, Luật có giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương sẽ ban hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện và cơ chế này sẽ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2024.
Điều đó có nghĩa, quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho phép các địa phương lộ trình 3 năm kể từ thời điểm luật có hiệu lực để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cũng như ban hành các quy định cần thiết cho việc tổ chức việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ các hộ gia đình và cá nhân. Có rất nhiều việc cần phải làm từ việc tạo ra sự đồng bộ về hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải.
Như chúng ta đã biết, rác được phân loại, thu gom nhưng không chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng thì việc phân loại sẽ không còn có ích nữa. Ngoài ra, còn cần chuẩn bị cho các hoạt động về đào tạo, tập huấn, phổ biến, thậm chí là còn phải đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật rất chi tiết để hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân có thể tổ chức triển khai thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn này.
Như vậy, các địa phương sẽ phải làm gì để thực hiện theo đúng lộ trình, thưa ông?
Điều quan trọng nhất là sau khi đã xác định được những điều kiện cần thiết có thể đáp ứng được thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ban hành quy định cụ thể để triển khai tại địa phương mình, đối với từng địa bàn cụ thể. Tôi cho rằng, đối với từng địa bàn cụ thể thì ngay cả một địa phương các quy định về thực hiện cơ chế phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cũng sẽ có những điểm khác biệt. Việc này hoàn toàn là do UBND cấp tỉnh quy định.
Như vậy, khi chúng ta ban hành được những quy định này, nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không triển khai thực hiện theo đúng quy định đó thì mới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 45 của Chính phủ mới ban hành. Do đó, chúng ta phải hiểu rằng, không phải là Nghị định 45 có hiệu lực kể từ tháng 8 tới đây thì các hộ gia đình, cá nhân khi không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo quy định thì bị xử phạt. Đây là cách hiểu không đúng.
Như vậy, từ ngày 25/8 tới, người dân không phân loại rác thải tại nguồn cũng sẽ không bị áp dụng hình phạt này mà phải theo lộ trình đúng không thưa ông?
Ở đây là theo quy định của địa phương. Tôi nhấn mạnh đây là việc mà người dân sẽ thực hiện theo quy định của địa phương. Quy định này địa phương thì sẽ ban hành trong thời gian tới. Theo lộ trình 3 năm.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOV.VN