Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04, trong đó yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức giao thông và quản lý, bảo trì đường cao tốc do địa phương đầu tư.
Sau 8 năm thực hiện, Nghị định 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc cũng bộc lộ nhiều bất cập. Do vậy việc Bộ GTVT sửa đổi Nghị định số 32 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc là rất cần thiết để khắc phục những bất cập này.
Dự thảo nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc có những chính sách nào để phân quyền, phân cấp cho địa phương trong việc đầu tư, quản lý và tổ chức giao thông trên cao tốc?
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc) do Bộ GTVT soạn thảo có 3 Điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014; Bãi bỏ một số điều của Nghị định số 32/2014 và Điều khoản thi hành.
Cụ thể, dự thảo nghị định quy định, cơ quan quản lý đường cao tốc không chỉ là các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, mà còn cả cơ quan chuyên môn về GTVT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, dự thảo nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc đã phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý; Đồng thời thỏa thuận phương án tổ chức giao thông trong trường hợp đường cao tốc của Bộ GTVT hoặc của địa phương khác đầu tư xây dựng kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình.
Để phù với tình hình thực tế phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc phê duyệt đầu tư, tổ chức giao thông trên cao tốc, Dự thảo nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc cũng quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm quy định nội dung phương án tổ chức giao thông, việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc trong trường hợp đặc biệt, các trường hợp tạm dừng khai thác sử dụng đường cao tốc, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc; Phê duyệt phương án, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý;
Bộ GTVT cũng cũng chịu trách nhiệm thỏa thuận phương án tổ chức giao thông với UBND cấp tỉnh trong trường hợp đường cao tốc do địa phương đầu tư xây dựng, kết nối với đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.
Dự thảo nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc cũng quy định, thu phí trên đường cao tốc áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) theo chủ trương hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc đang được Bộ GTVT gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương. Dự thảo nghị định sẽ được gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Giao cho địa phương để chủ động
Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc có những chính sách cụ thể như thế nào để phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư và tổ chức giao thông trên cao tốc?
PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ quản lý, bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định:
PV: Thưa ông, vì sao dự thảo nghị định lại đề xuất quy định việc phê duyệt tổ chức giao thông trên cao tốc thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương?
Ông Lê Hồng Điệp: Chính quyền địa phương khi đầu tư, xây dựng đường cao tốc thuộc địa phương mình thì sẽ căn cứ vào quy hoạch giao thông và quy hoạch tỉnh. Việc tổ chức giao thông là một nội dung, một nhu cầu xác định trước khi đầu tư xây dựng đường cao tốc.
Vì vậy phải giao cho địa phương để địa phương chủ động. Chỉ có điều khác với trước, khi tổ chức giao thông trong trường hợp đặc biệt thì Bộ GTVT phê duyệt theo đề nghị của địa phương đối với đường cao tốc của địa phương, lần này thì phân cấp cho địa phương chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Khi giao cho địa phương chịu trách nhiệm thực hiện việc tổ chức giao thông trên địa bàn thì liệu nó có gây ra những sự khác nhau so với các tuyến khác trên địa phương khác nhưng cùng một trục tuyến cao tốc hay không?
Dự thảo nghị định cũng có quy định trường hợp đường cao tốc do Bộ Giao thông đã đầu tư, nếu như UBND tỉnh khác có đầu tư đường nối vào đường cao tốc này thì sẽ có sự thỏa thuận với Bộ GTVT về việc tổ chức giao thông liên thông giữa 2 tuyến đó.
PV: Ông có lo ngại việc giao cho địa phương đầu tư và tổ chức giao thông trên cao tốc sẽ gây ra sự khác biệt giữa các tuyến và giữa các địa phương hay không?
Ông Phạm Văn Hòa: Nếu mà giao cho địa phương đầu tư, quản lý như vậy thì mỗi địa phương có một cái đầu tư theo khả năng, theo nguồn lực của mình, địa phương nào giàu tiền thì họ lại đầu tư khác, như vậy sẽ không hợp lý.
Cho nên muốn cho Trung ương quản lý đó là để có sự thống nhất chung trong cả nước, đầu tư như nhau, tuyến như nhau thì nó sẽ thuận lợi và hợp lý hơn. Địa phương nào muốn và địa phương nào có khả năng đầu tư thì để cho địa phương đầu tư chứ không thể Bộ GTVT buông hoàn toàn 100% cho địa phương.
PV: Theo ông, cần có quy định như thế nào để tạo ra sự thống nhất giữa các địa phương không có cùng tiềm lực kinh tế hoặc không có khả năng đầu tư cao tốc?
Ông Phạm Văn Hòa: Nếu địa phương nào có điều kiện, có tiền và kêu gọi đầu tư được thì cũng nên để cho địa phương đó đầu tư và kêu gọi đầu tư theo quy định chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, thì nó sẽ dễ dàng hơn và không tạo ra cơ chế xin - cho. Chứ nếu hoàn toàn giao cho địa phương quản lý hết, địa phương đầu tư hết thì sẽ tạo một cơ chế xin- cho và đường bộ thì cũng giao cho địa phương và cao tốc cũng giao cho địa phương như vậy đẻ ra Cục Đường bộ để làm gì, đẻ ra Cục Đường cao tốc để làm cái gì?
PV: Xin cảm ơn ông!
Quách Đồng thực hiện/VOVgiaothong.vn