Theo Bộ Y tế các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại một số địa phương.
Thực tế cho thấy trong vài ngày trở lại đây số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày đều gia tăng; trung bình từ 100 - 300 ca/ ngày; Trong tháng 7/2022 cũng ghi nhận nhiều ngày liên tục số ca mới trên 1000 ca/ ngày.
Thời điểm này, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho khoảng 70 F0. Bệnh viện cũng đã thiết lập đơn nguyên điều trị Covid-19 tách biệt với khu điều trị bệnh nhân thông thường. Trong đó, các bệnh nhân nặng được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Những bệnh nhân ở mức độ trung bình sẽ được điều trị tại khoa Virus - Ký sinh trùng.
BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện Khoa có 25 bệnh nhân, gần như kín giường. Các bệnh nhân đều phải can thiệp thở máy, HFNC, thở oxy mask với liều lượng oxy cao. Hầu hết bệnh nhân là người lớn tuổi hoặc có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim mạch, HIV.
Theo BS Phúc, đối với các F0 có bệnh nền hoặc cao tuổi, khi mắc Covid-19, bệnh nhân thường sẽ diễn biến rất nhanh. Vì vậy việc can thiệp điều trị gặp nhiều khó khăn.
“Đối với bệnh nhân có bệnh nền hoặc bị suy giảm miễn dịch, HIV, thời gian sạch virus sẽ lâu hơn những người thể trạng bình thường mắc Covid-19. Sau khi bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện, hết virus hoặc tải lượng virus thấp, không còn nguy cơ lây nhiễm, bệnh nhân sẽ được chuyển về các bệnh viện tuyến dưới hoặc các bệnh viện tuyến chuyên khoa hoặc đơn nguyên điều trị bệnh nhân thường”, BS Phúc cho biết.
Tại Bệnh viện Người bệnh Covid (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) hiện đang điều trị 21 bệnh nhân mức độ từ trung bình đến nặng, trong đó có 2 ca thở máy, 3 ca thở oxy gọng (trước đó chỉ 3 - 4 ca). Số bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 5 ca một ngày. Bác sĩ dự báo trong tuần tới số nhập viện có thể tiếp tục tăng, song không quá tải như giai đoạn tháng 3.
Theo BS Phúc, nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng trong thời gian gần đây có thể do các đơn nguyên điều trị Covid-19 ở bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng đóng cửa. Do đó, các bệnh nhân được chuyển trực tiếp lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch. Hơn nữa, các hoạt động giao lưu, đi lại của người dân cũng có tần suất nhiều hơn.
Thêm một lý do là hiện nay thời gian tiêm mũi 3 của người dân đã qua khoảng 6 tháng , kháng thể của vaccine đã giảm hiệu lực. Do đó, người dân có nguy cơ tái nhiễm và nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh cao.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, có tình trạng một số bệnh nhân từng né tiêm vaccine nên khi mắc Covid-19 diễn biến nặng hơn người bình thường. Vì vậy, bác sĩ Cấp nhấn mạnh biện pháp tiêm chủng, khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine khi đến hạn, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.
BS Phúc cũng khuyến cáo việc tiêm mũi 4 có vai trò rất quan trọng đối với những người có yếu tố nguy cơ cao, những người cao tuổi, có bệnh nền và những đối tượng nên được tiêm nhắc lại vaccine mũi 4.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, số báo cáo ca mắc hiện nay hoàn toàn chưa thực tế, vì hiện nay không còn triển khai xét nghiệm, người nhiễm bệnh không triệu chứng cũng là nguồn lây bệnh, những người triệu chứng cũng không phát hiện ra. Người có triệu chứng, xét nghiệm nhưng không khai báo.
Vị chuyên gia này cho rằng, điều quan trọng là phải lưu ý bảo vệ những người trong nhóm nguy cơ như người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vaccine, người suy giảm miễn dịch, tránh tình trạng những đối tượng này mắc Covid-19 sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, ca bệnh chuyển nặng dẫn đến tử vong.
Biện pháp bảo vệ hiện nay vẫn là dự phòng cá nhân như khử khuẩn, đeo khẩu trang trong môi trường kín, trong vùng nguy cơ cao như bệnh viện, nơi đông người, tiếp xúc gần với người bị nhiễm. Bên cạnh đó cần phải tiêm vaccine mũi nhắc lại, nhằm hạn chế số ca mắc không tăng lên, không được để dịch bùng phát hay “vỡ trận”, gây quá tải hệ thống y tế.
PGS Phu cũng cho rằng, ngành y tế cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta không đáp ứng tới thì dịch bùng lên không kiểm soát được nhưng nếu đáp ứng đánh giá thái quá thì dẫn đến cấm đoán gây thắt chặt, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế. Ngành y tế phải đánh giá đúng nguy cơ, không phải căn cứ vào số báo cáo ca bệnh hiện nay để xác định nguy cơ mà phải căn cứ vào số nhiễm trong dân, theo dõi đánh giá cụ thể, đánh giá trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh nhân vào viện để thực hiện các biện pháp thắt chặt.
“Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng, nới lỏng đồng bộ nhưng vẫn phải dự phòng đồng bộ, vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, kiểm soát khác nhau giữa những địa bàn khác nhau, không nên cào bằng” - PGS Trần Đắc Phu cho biết.
PGS Phu cũng một lần nữa khẳng định việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) là rất cần thiết để phòng bệnh, nếu không may nhiễm thì bệnh sẽ nhẹ, hệ thống y tế không bị quá tải, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong.
“Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu, những ai chưa tiêm đủ thì nên đi tiêm đủ, những ai đã trì hoãn việc tiêm thì cũng nên đi tiêm lại khi bảo đảm điều kiện sức khỏe, nhất là người già, người mắc bệnh nền”- ông Phu cho biết./.
Theo VOV.VN