Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ: Khó mấy cũng phải làm

Chiến tranh đã lùi xa, việc tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ đã ngã xuống ngày càng khó khăn, nhưng dù khó cũng phải làm.

 

Đi qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Hòa bình lập lại đã lâu, nhưng nỗi đau vẫn còn đó, nhất là với những gia đình có liệt sỹ chưa được quy tập về đất mẹ, chưa xác định được danh tính còn nằm lại nơi núi, rừng, lòng sông, khe suối... Chiến tranh đã lùi xa, việc tìm kiếm, xác định ngày càng khó khăn, nhưng với lòng biết ơn, tri ân những người không tiếc máu xương cho hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương dù khó cũng phải làm để trọn nghĩa vẹn tình với người đã ngã xuống và đáp ứng mong mỏi sum họp của các gia đình.

Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhạ về quê nhà - xã Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định.

Sau hơn 40 năm tiễn con trai vào Nam chiến đấu, người mẹ 94 tuổi đến nay mới được ôm di cốt con vào lòng trong lá cờ đỏ thắm sao vàng, trong tình yêu thương của gia đình, quê hương, đồng đội.

Mẹ liệt sĩ Phạm Văn Sự xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình xúc động: “Mừng, mừng lắm, phấn khởi, nhỏ nước mắt. Mong ước mấy năm nay cầu xin đưa được con về đến nơi đến chốn. Mẹ chết rồi thì thong thả cũng được, nhưng bây giờ còn mẹ, muốn đưa anh ấy về để mẹ con gặp nhau”.

Đã có hàng trăm nghìn gia đình thỏa nguyện, được thăm viếng chăm sóc, hương khói, được đón các anh, chị trở về sau hàng chục năm khắc khoải tìm kiếm. Từ sau chiến tranh chống Mỹ 1975, đến 1992, nước ta đã tìm kiếm, quy tập được 767.000 hài cốt liệt sĩ. Để đẩy mạnh công tác đền ơn, đáp nghĩa, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, góp phần bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhờ vậy, từ khi đề án được phê duyệt năm 2013 đến nay, các địa phương, đơn vị đã tìm kiếm, quy tập được khoảng 17.000 hài cốt liệt sĩ, tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp…

Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Phạm Văn Sự về quê nhà - xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Hiện cả nước còn khoảng 53 vạn liệt sỹ chưa xác định được thông tin, trong đó có 22 vạn liệt sĩ còn nằm lại ở các chiến trường xưa. Công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sỹ vẫn đang chạy đua với thời gian, bởi sự mong đợi, khắc khoải của thân nhân các liệt sĩ. Trong số đó, nhiều mẹ đã không cưỡng lại được tuổi tác để chờ con trở về. Phía sau các mẹ là những người vợ, người con, là anh em... vẫn đang mong ngóng một ngày tìm thấy, được sưởi ấm, chăm sóc phần mộ của con, của chồng, của bố, của anh, em, đồng đội. Nhiều mẹ đã ở tuổi trên dưới 100, lẫn giữa sáng với chiều, quên quên nhớ nhớ, nhưng những địa danh - nơi đang ấp ôm một phần "máu thịt" của các mẹ như: Bến Cát - Bình Dương; mặt trận phía Nam; Salavan (Lào) hay cao điểm mặt trận Vị Xuyên... thì các mẹ không thể quên.

Mẹ liệt sĩ Trần Công Lập xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội, mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc ở Vạn Phúc, Thanh Trì vẫn đau đáu một nỗi niềm được nhìn thấy hài cốt của con mới yên lòng, hay mong mỏi của anh trai liệt sĩ Trần Mạnh Hùng ở Bình Dương... cũng là nỗi khao khát của hàng trăm nghìn gia đình liệt sỹ khác.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao hài cốt liệt sĩ Tô Đình Chiến cho gia đình liệt sĩ.

“Bây giờ tôi chỉ mong lấy được anh ấy về thì tôi chết tôi cũng yên. Trước ngày người ta bảo anh ấy ở trong Bến Cát. Từ lúc anh ấy đi, lúc nào tôi cũng nhớ, không lúc nào quên", mẹ liệt sĩ Trần Công Lập chia sẻ.

Thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, nhiều đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của Bộ Quốc phòng được thành lập, liên tục tìm kiếm tại các chiến trường trọng điểm như chiến trường phía Nam, chiến trường Lào, Campuchia và chiến trường biên giới phía Bắc. Tuy nhiên việc tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin còn gặp nhiều khó khăn do chiến tranh đã lùi xa, thời gian quá dài nên hài cốt liệt sỹ không đủ điều kiện để xét nghiệm ADN; sự thay đổi lớn về địa hình gây khó khăn cho các đồng đội trong công tác tìm kiếm, quy tập; nhiều chiến trường còn ô nhiễm bom mìn chưa thể tiến hành tìm kiếm...

Thượng Tá Phùng Văn Đức, Đội trưởng đội tìm kiếm quy tập Hài cốt liệt sỹ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: “Quá trình đi tìm kiếm nhiều những thông tin chúng tôi không thể tìm thấy, vì điều kiện thời gian chiến tranh quá dài, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng nên xương máu của các anh đã hoai mục, cho nên đặt lên vai chúng tôi rất nặng nề, làm thế nào để tìm được. Trăn trở nhất hiện nay đó là địa hình quá nhiều vật cản, trở ngại cho quá trình tìm kiếm. Thứ 2 các anh hy sinh trên mặt trận, còn nổi ở mặt đất, hầu như không tìm thấy. Để tìm thấy các anh đã hy sinh trên chiến trường bây giờ còn nằm trong hang hốc thì trang bị, phương tiện chưa đáp ứng được”.

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ tại Lào (người ngồi, mặc áo trắng).

Từ thực tế nhiều năm tìm kiếm, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam kiến nghị: “Hài cốt liệt sĩ mà tồn tại được trong 40, 50 năm cũng rất là khó. Cho nên, nếu không khẩn trương, không tìm nhanh thì 53 vạn liệt sĩ này khó mà trả lại tên cho các anh. Tôi đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng là nên chăng Nhà nước ta nên thành Ngân hàng gen. Nếu thành lập được Ngân hàng gen này thì chúng ta làm khoảng 10 năm là được, chứ còn kéo lâu hơn nữa thì khó mà có thể trả lại tên cho các anh”.

Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ ngày càng khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước luôn xác định đây là việc làm thiêng liêng, ý nghĩa, là sự tri ân đối với những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước, nên khó mấy cũng phải làm. Hai phương pháp xác định danh tính cho các liệt sỹ được sử dụng chủ yếu là xét nghiệm ADN và phương pháp thực chứng. Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Quốc phòng đang đề nghị Chính phủ cho áp dụng thực hiện Quy trình “xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”, để xác minh, đính chính thông tin đối với 30 vạn mộ liệt sĩ thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Công tác quy tập và tìm kiếm sẽ tiếp tục được Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Địa bàn khó khăn rồi, và việc xác nhận danh tính cũng vô cùng khó khăn do những chứng cứ để là của các liệt sĩ thì cũng còn rất ít, những sinh phẩm khi khai quật lại chất lượng cũng đã kém, nên phương pháp xác thực bằng ADN bây giờ rất là tích cực, chủ động từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng rồi Bộ Công an. Tuy nhiên, do sinh phẩm quá cũ, thời gian đã lâu nên việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ cũng vô cùng khó khăn. Việc này, Bộ cũng sẽ tích cực, chủ động cùng các cơ quan làm tốt trong thời gian tới, làm sao tìm và trả lại danh tính cho các anh hùng liệt sĩ càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng tốt vì chiến tranh đã lùi xa, thời gian thì đã lâu".

Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Với mục tiêu đến năm 2030 tìm kiếm, quy tập khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp ADN với khoảng 20.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Cơ bản kết thúc nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở ngoài nước; Phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng. Từ năm 2031 trở đi: Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ; Tiếp tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Với tất cả trách nhiệm và tình cảm, công tác tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đang được tiếp tục đẩy mạnh, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, đảm bảo trọn nghĩa vẹn tình với những người đã hy sinh vì Tổ quốc./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận