Vì sao Lào Cai không có hiện tượng cán bộ y tế ồ ạt xin thôi việc?

Hệ thống y tế công cộng góp phần quan trọng giúp Lào Cai tránh khỏi làn sóng cán bộ trong ngành ồ ạt xin thôi việc giai đoạn cao điểm Covid-19 bùng phát.

 

Trao đổi với phóng viên VOV, bác sĩ Đỗ Ngọc Păng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở Y tế tỉnh Lào Cai cho biết, hệ thống y tế công cộng góp phần quan trọng giúp Lào Cai tránh khỏi “giọt nước tràn ly” là làn sóng cán bộ trong ngành ồ ạt xin thôi việc giai đoạn cao điểm Covid-19 bùng phát.

Người gác cổng ở cơ sở

Bình quân mỗi Trạm Y tế ở Lào Cai hiện có 5, 6 cán bộ, quản lý sức khỏe khoảng gần 5.000 dân. Theo bác sĩ Păng, hệ thống này đặt tại 152 xã, phường, thị trấn là cánh tay đắc lực cho ngành y tế địa phương thời gian qua.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Păng - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế tỉnh Lào Cai.

Ở địa bàn vùng cao, giao thông khó khăn như Lào Cai, vai trò “người gác cổng” của Trạm Y tế vô cùng quan trọng. Mỗi trường hợp được khám, tư vấn, sàng lọc, điều trị bệnh thông thường tại Trạm giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian đi lại cho bệnh nhân và gia đình, nhất là người nghèo; từ đó giảm tải gánh nặng cho tuyến trên.

Xác định rõ vai trò của y tế cơ sở, từ năm 2018, Lào Cai đã tập trung kiện toàn hệ thống này bằng việc phối hợp với các trường đại học đào tạo cử nhân y tế công cộng, lấy nền tảng chính từ đội ngũ y sĩ đang làm việc tại các Trạm Y tế. Mục tiêu mỗi Trạm phải có ít nhất 1 cán bộ vừa có khả năng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; vừa có trình độ đại học, quản lý được các chương trình y tế tại cơ sở.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù chưa hoàn tất chương trình đào tạo 4 năm, nhưng đội ngũ này đã có cơ hội thực hành, phát huy vai trò là “nhạc trưởng” trong dự phòng, chống dịch tại cộng đồng.

“Họ là người điều phối, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng khác bao gồm cả dân quân, công an viên, giáo viên, y tế thôn bản… trong truy vết, cách ly, hướng dẫn người dân biện pháp giãn cách, phòng dịch; đồng thời, thực hiện công tác tiêm vaccine. Nhờ đó Lào Cai tránh được các đợt khủng hoảng do Covid-19 vì áp lực được dàn đều cho toàn ngành”, bác sĩ Păng cho biết.

Các tổ tiêm chủng Covid-19 lưu động có mặt ở những vùng xa xôi, khó khăn nhất.

Thực tế cũng cho thấy, trong vài năm gần đây, cán bộ y tế tại cơ sở dưới sự hỗ trợ từ xa bằng hình thức telehealth của các bác sĩ ở tuyến tỉnh tại Lào Cai đã kịp thời xử trí, cấp cứu thành công một số ca sốc phản vệ sau uống kháng sinh, tiêm vaccine.

Gian nan thu hút bác sĩ về cơ sở

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Păng, song song với thành công bước đầu của việc kiện toàn đội ngũ cử nhân y tế công cộng tại cơ sở thì việc thu hút bác sĩ về Trạm Y tế ở Lào Cai thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Sau hơn 30 năm tái lập, trong tổng số hơn 900 bác sĩ hiện có của Lào Cai thì có chưa đầy 30 bác sĩ đang công tác tại các Trạm Y tế, và cũng chủ yếu tập trung ở các vùng trung tâm.

Không phải Lào Cai không quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực; thậm chí, địa phương đã có rất nhiều chính sách tốt trong thu hút, đãi ngộ, nhưng với một ngành luôn đòi hỏi học tập, thực hành suốt đời như ngành y thì ở tuyến xã rất khó bố trí bác sĩ về công tác, nhất là ở địa bàn vùng cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 ở tỉnh vùng cao Lào Cai xếp khoảng thứ 15 toàn quốc.

“Thu nhập chỉ là một phần, ngoài ra còn môi trường sống, môi trường công tác. Ở một nơi mà bác sĩ rất ít có cơ hội trau dồi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, hay cạnh tranh, ganh đua trong công tác, không có máy móc, công cụ tân tiến để thực hành thì thực lòng không ai muốn”, bác sĩ Păng cho hay.

Theo bác sĩ Păng, đó là “quy luật tất yếu” trong nhân lực của ngành y. Bao giờ các bác sĩ giỏi cũng có xu hướng chuyển dịch về vùng trung tâm, nơi có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển.

Xác định rõ điều đó, Lào Cai đã tập trung nâng cao số lượng bác sĩ. Bên cạnh chính sách thu hút chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh vùng cao Lào Cai còn có chế độ đãi ngộ nhân tài y tế. Theo đó, mỗi bác sĩ đa khoa về đầu quân làm việc cho địa phương sẽ được hưởng mức hỗ trợ từ 60 – 160 triệu đồng. Ngoài ra, Lào Cai còn đưa ra chính sách “nuôi bác sĩ” để kéo sinh viên chính quy và người đào tạo sau đại học cam kết sau này về làm việc ngay từ khi còn trong môi trường học đường.

Hiện, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân của Lào Cai là 12,6 (cao hơn mức bình quân chung của cả nước). Trong nhiệm kỳ này, Lào Cai đặt mục tiêu thu hút 305 bác sĩ về làm việc, hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025. Hết năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 122 trường hợp. Có khoảng 20 sinh viên y đa khoa chính quy đang theo học tại các trường được nuôi ăn học, cam kết tương lai về cống hiến cho địa phương.

Có chảy máu nhân sự, nhưng không ồ ạt

Bác sĩ Đỗ Ngọc Păng chia sẻ, theo quy luật đã nói ở trên, khi đạt đến một số lượng nhất định, quá trình chọn lọc, cạnh tranh tự nhiên sẽ diễn ra. Tuyến tỉnh đủ bác sĩ rồi mới đến tuyến huyện, tuyến xã; các bác sĩ chất lượng cao sẽ ở lại tuyến tỉnh, trường hợp năng lực hạn chế sẽ tự phải dịch chuyển xuống tuyến thấp hơn và ngược lại.

Ở Lào Cai trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 cũng có 24 trường hợp cán bộ y tế xin thôi việc, trong đó có 8 bác sĩ, chiếm tỷ lệ chưa tới 1% trong tổng số cán bộ.

“Qua tìm hiểu nguyện vọng, lý do cán bộ y tế xin nghỉ chủ yếu vì hoàn cảnh cá nhân, gia đình ở địa phương khác, thu nhập không thỏa mãn; nhưng họ có xu hướng chuyển tới vị trí mới phù hợp hơn, chứ rất ít trường hợp bỏ nghề, nhất là cán bộ thâm niên và bác sĩ”, bác sĩ Păng thông tin.

Dù công tác ở đâu, miễn là còn trong ngành thì vẫn là cống hiến cho ngành y tế, cho xã hội. Nhưng với địa phương vùng cao, “khát” bác sĩ như Lào Cai, một trường hợp ra đi cũng là điều vô cùng tiếc nuối.

Để giữ chân cán bộ, ngành Y tế địa phương trong nhiệm kỳ này đã mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý cho các đơn vị trực thuộc để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo cơ chế

Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, tại các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc ngoài Lào Cai, hiện tượng cán bộ y tế ồ ạt xin thôi việc đều không xảy ra. Ví dụ như tại Điện Biên trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 10 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc; tại Hòa Bình có gần 20 trường hợp. Còn tại Sơn La, Yên Bái, trong nửa đầu năm 2022, số nhân viên y tế xin thôi việc cũng chỉ ghi nhận lần lượt là 13 và 10 người./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận