Gia Lai: Bệnh viện công 'đau đầu' vì bài toán tự chủ tài chính

  • 15/07/2022 09:28:59
  • Nguyễn Thảo
  • Xã hội
  • 0

Việc tự chủ tài chính kém hiệu quả, đang khiến nhiều cơ sở y tế công rơi vào tình thế càng khó khăn hơn.

 

Tự chủ tài chính là chính sách giúp "cởi trói" và tăng tính chủ động cho các cơ sở y tế công nhằm góp phần tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh Gia Lai, việc tự chủ tài chính kém hiệu quả đang khiến nhiều cơ sở y tế công rơi vào tình thế càng khó khăn hơn. Hệ lụy là nguy cơ gia tăng chảy máu nguồn nhân lực chất lượng và ảnh hưởng chất lượng khám, chữa bệnh trong dài hạn.

Bệnh viện Y dược Cổ truyền và Phục hồi Chức năng tỉnh Gia Lai thực hiện tự chủ tài chính từ 2018 tới nay. Nhưng cũng từ đó trở đi, tình trạng thu không đủ chi, năm sau hụt thu hơn năm trước thường xuyên tái diễn.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc bệnh viện cho biết lý do, đơn vị là cơ sở y tế chuyên khoa, không có cấp cứu và các bệnh cấp tính. Nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ khám chữa của gần 1000 người đăng ký qua thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù có quy mô 150 giường bệnh, nhưng chỉ nửa trong số này thường xuyên được sử dụng. Chính vì vậy, nhiều thời điểm, cán bộ y tế của bệnh viện bị nợ lương trong nhiều tháng liền. Cũng từ khi thực hiện tự chủ, việc cán bộ không có thưởng trong các dịp lễ, Tết trở thành tất yếu. 

Các bác sĩ CDC Gia Lai triển khai truy vết, kiểm soát dịch đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 tại Gia Lai bùng phát tại huyện Ia Pa và Thị xã Ayun Pa. (Ảnh: CDC Gia Lai cung cấp).“1 năm chi hết 12 tỷ đồng, hiện bệnh viện mới có 6 tỷ đồng. Một quý, bảo hiểm y tế mới chuyển tiền 1 lần, ứng 80%. Ví dụ 1 tỷ thì ứng 800 triệu đồng. Ứng thì làm sao có tiền trả cán bộ, công chức nên nhà nước phải “bơm" tiền. Tết không có đồng nào, có tiền đâu mà thưởng" - ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Ngay cả tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai - bệnh viện hạng 2, có quy mô lớn nhất tại địa phương, việc tự chủ tài chính cũng không mấy dễ dàng. Trong 2 năm có dịch COVID-19 (năm 2020 và 2021), nguồn thu từ khám, chữa bệnh của bệnh viện giảm 60%, khiến đơn vị phải đề nghị ngân sách cấp bù 44,7 tỷ đồng để chi trả chế độ cho cán bộ y tế.

Ông Phạm Bá Mỹ - Giám đốc bệnh viện cho biết, không đủ kinh phí, hoạt động đào tạo nhân lực và mua sắm trang thiết bị để chuẩn bị triển khai các dịch vụ mới theo kế hoạch của đơn vị cũng bị ảnh hưởng theo. Ông Mỹ nêu dẫn chứng, hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhu cầu cho cán bộ, bác sĩ đi học của bệnh viện là khoảng 30 người. Nhưng không có kinh phí, hiện chỉ có 11 bác sĩ đi học bằng tiền tự túc. Không có tiền thì đầu tư dài hạn bị hạn chế, dẫn đến khó triển khai dịch vụ mới, khó gia tăng nguồn thu; không nguồn thu thì lại không thể đầu tư. Đây là bài toán luẩn quẩn không riêng ở Bệnh viện Đa khoa Gia Lai hiện nay. 

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Gia Lai tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Thảo).Từ năm 2018 tới nay, 27 cơ sở y tế tại tỉnh Gia Lai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Trong đó, có 4 đơn vị cấp tỉnh thực hiện tự chủ toàn bộ chi phí chi thường xuyên, 21 đơn vị thực hiện tự chủ 1 phần. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế Gia Lai, hiện mới chỉ có 3 đơn vị đảm bảo tự chủ. Từ 2019 tới nay, tổng số tiền tỉnh Gia Lai chi để cấp bù lương, phụ cấp theo chế độ cho cán bộ y tế tại các đơn vị không đảm bảo tự chủ là trên 158 tỷ đồng.

Ông Lý Minh Thái - Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động tự chủ của các cơ sở y tế công lập chưa hiệu quả. Về chủ quan, quản trị của nhiều bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tế, tại Gia Lai hiện trên 90% nguồn thu của các đơn vị tự chủ đến từ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Về khách quan, hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bị khống chế theo khung giá theo quy định của Bộ Y tế. Trong khi, giá này vẫn chưa hoàn thiện, vì thiếu các chi phí về khấu hao tài sản cố định và chi phí đào tạo. Vì vậy, theo ông Lý Minh Thái, để hoạt động tự chủ tài chính bệnh viện công tại tỉnh hiệu quả hơn, cần có cả sự tự lực của các đơn vị và sự tháo gỡ từ cơ chế. 

Bác sĩ H'Ni (Khoa Ưng bướu và Y học hạt nhân - BV Đa khoa Gia Lai) thăm khám bệnh nhân trong khoa. (Ảnh: Nguyễn Thảo).“Hạn chế dịch vụ là cái gốc vấn đề của hạn chế nguồn thu, nhiều khi tác động mạnh hơn giá. Chủ quan là cách quản lý điều hành của thủ trưởng, bộ máy đó. Còn đầu tư về cơ sở vật chất, con người là phải có chiến lược lâu dài. Không thể một mình giải quyết được vấn đề. Muốn triển khai dịch vụ tốt thì phải cơ sở tốt, nhân lực tương đối tốt, trang thiết bị y tế tốt, điều này phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước” - ông Lý Minh Thái cho biết.

Tự chủ tài chính bệnh viện công là giải pháp chìa khóa cho nhiều vấn đề của ngành y tế hiện nay. Tuy nhiên, thực tế kém hiệu quả tại Gia Lai đang cho thấy những nguy cơ. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ khó ngăn được tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao rời bỏ, ảnh hưởng tới sự vững chắc của hệ thống y tế công trong chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Nguyễn Thảo/VOV- Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận