Bao năm qua, hình ảnh về người anh trai vẫn in sâu trong tâm trí nhà giáo Hà Lạc. Báo TNVN giới thiệu bài viết của ông về anh trai mình.
Ký ức trong tâm khảm theo suốt cuộc đời tôi là ngôi Chùa Ngang, được dân làng xem là mái chùa thiêng. Rằm tháng tư năm Ất Dậu - 1945 cúng lễ Phật Đản xong, lũ trẻ chúng tôi cũng được chia áo bụt. Trên bàn thờ gia tiên cũng bày lễ cúng Phật. Bàn thờ có chiếc tráp gỗ sơn đỏ thường để đựng đồ thờ. Mấy ngày sau tôi thường bắt gặp anh trai cả Hà Văn Phương vào ra tỉ mẩn mà chẳng hiểu việc gì. Do tính tò mò của trẻ, tôi nghĩ ngợi băn khoăn đành bắc chiếc đẩu bên bàn thờ để mở nắp tráp. Tôi bàng hoàng nhận ra hơn nửa tráp là cờ đỏ sao vàng xếp ngay ngắn về một phía. Phần còn lại là Điều lệ Việt Minh bìa vàng màu đất, cỡ 6x9cm, cùng nhiều bó truyền đơn sắp xếp gọn gàng.
11 tuổi đời trong đêm dài nô lệ tôi đọc được 2 tiếng “Việt Minh”. Xem ra cái tráp gỗ trên bàn thờ anh Phương đã qua mắt tất cả. Từ năm 1941 – 1944, anh học tại trường Việt Anh - Cố đô Huế. Tại mái trường này anh đã tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp. Về quê nhà anh hòa vào xu thế cách mạng của Việt Minh, địa bàn Vinh - Bến Thủy. Tối ngày lễ Phật Đản anh Phương hỏi tôi:
- Em có muốn đi Vinh không?
- Được thế thì khoái quá!
Tôi liền nhờ anh báo với mẹ cho đi theo.
Dưới ánh trăng vàng sáng quắc, gà gáy giục hai anh em lên đường. Cuốc bộ trên con đê làng, tới cầu Yên Xuân vầng trăng đã lặn. Bước vào lòng cầu trời vừa rạng sáng. Đến chùa Cần Linh phố xá đã thức giấc, hàng quán chào mời. Hành trình từ làng Hoành Sơn đến Cửa Hữu cận kề mộ Đội Cung là điểm dừng. Như đã định sẵn hành trình của riêng anh. Anh mua quà sáng cho tôi là bát phở của người Hoa. Anh chỉ chỗ ngồi cho tôi tại quầy hàng ấy. Chỉ tay về phía cổng Thành anh bảo: “Ăn xong em cứ việc ở đấy chờ anh”. Khoảng chừng nửa giờ sau, do vô tình xốc tay vào túi quần bên phải, anh lẫy cò chiếc súng lục phát nổ. Chiếc ống quần rách toác. Bọn lính Nhật xộc tới hỏi anh:
- Súng nổ ở đâu? Với cách ứng xử mau lẹ, anh áp ống quần rách về phía cổng Thành, rồi chỉ tay về phía xa và bảo: Nổ lốp xe đằng ấy! Anh trả lời bằng tiếng Nhật và Pháp với dáng vẻ tự nhiên, nên bọn chúng cả tin. Thế là thoát! Ngay sau đó anh vẫy tay ra hiệu bảo tôi tới chỗ anh để di chuyển nhanh về hướng khác. Tôi trở thành vật hóa trang che mắt bọn chúng. Mật báo khá nhanh. Người của tổ chức đã mang quần tới để anh thay. Công tác phản gián cẩn mật, tinh tế và lặng lẽ. Đầu buổi chiều tôi vẫn “dạo phố” cùng anh trên đường Phan Đình Phùng im mát bóng cây. Tôi nhớ Chùa Ngang, nhớ mái đình Hoành Sơn chiều nay về lại. Anh Phương bảo: Ta ngược lên ngã ba Thái Lão, rẽ vào chợ Vực dịu mát đường quê. Qua đò Sông Lam về nhà chẳng mấy chốc. Lời động viên như cởi tấm lòng. Đôi chân tự nhiên thấy khỏe.
Đò Ngang cập bến Đông, hai anh em tạt vào lối xóm. Anh bảo “em ở ngoài cổng, anh vào nhà bác Lưu Đào chốc lát”. Vừa lúc đó ông Nguyễn Trọng Trân người hàng xóm cạnh nhà bác Đào gặp tôi liền hỏi:
Ông nhại tiếng trẻ đùa tôi mà lòng tôi miên man suy nghĩ. Bác Lưu Đào là cán bộ nòng cốt buổi đầu. Các chính trị phạm trở về dịp Nhật hất cẳng Pháp ở quê có cụ Nguyễn Đức Thúy, cụ Nguyễn Thiện Hoàng, cụ Phạm Nghiêm, cụ Nguyễn Đức Yết,… đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Anh Phương thường tiếp cận mỗi bận về làng. Cụ Phạm Viết Tâm cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa bảo lớp thanh niên thức thời ở quê trầm trồ ca ngợi anh Phương. Tại trường Việt Anh - cố đô Huế, anh được giới học sinh, sinh viên xem là thủ lĩnh. Bởi lẽ trong nội bộ học sinh ba miền Trung Nam Bắc có sự chia rẽ sâu sắc gây mẫu thuẫn lẫn nhau, bản thân anh đã làm tốt vai trò hòa giải ổn định sinh hoạt học tập của trường. Anh Phương còn là hướng đạo sinh, hoạt động từ thiện. Thêm nữa học vấn toàn năng, đậu thủ khoa bằng thanh chung năm 1942 - 1943 nên uy tín được đề cao.
Trong số các vị lão thành ở quê có cụ Nguyễn Đức Thúy tuổi đã cao, ngày ngày từ lúc tinh mơ, sáng nào cụ cũng rúc còi thúc giục bọn trẻ chúng tôi tới sân đình tập thể dục. Ấy thế mà dần dần phát triển thành phong trào văn nghệ, thể thao. Một số có năng khiếu kẻ khẩu hiệu, băng rôn, áp phích tuyên truyền cho kháng chiến … Đêm biểu diễn văn nghệ theo kế hoạch của phòng văn hóa huyện tại Sa Nam đã gây được tiếng vang. Hoạt động của đoàn thanh niên cứu quốc sôi nổi hẳn lên. Mảnh đất Khánh Sơn quê nhà là hậu phương đáp ứng sục sôi cho tiền tuyến xứng danh xã anh hùng.
Đầu năm 1946, anh Phương là học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn - Sơn Tây. Kết thúc khóa I, anh trở thành cán bộ giảng dạy khóa II tới khóa IV (Lục quân Trần Quốc Tuấn). Anh được biệt phái về tập huấn luyện quân hỗ trợ Huyện đội Nam Đàn. Hoàn thành khóa huấn luyện anh tạt về nhà gặp gia đình để hành quân lên Việt Bắc. Mẹ cùng hai anh em gặp nhau trước ngõ, không đủ thời gian vào nhà để gửi lời từ biệt. Cả gia đình không ngỡ là sự thật khi nhận được giấy báo tử anh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu vào ngày 7/5/1948. Lễ tang do thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm trưởng ban. Nhà nước trao tặng bằng Tổ quốc ghi công số DZ.499b, Quyết định 287/T.Tg ngày 24/10/1962. Sau ngày thống nhất đất nước, thi hài anh được quy tập về nghĩa trang Tân Cương - Thái Nguyên. May mắn có cán bộ quản trang cho hay cụ Phạm Văn Học biết được hài cốt của anh Phương do người tham gia cải táng đã để nhầm lẫn với hài cốt người khác. Nhờ biết được sự thật đau lòng như thế nên gia đình đã làm tờ trình chuyển tới Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên xin xác định ADN. Chẳng ai ngờ trong sổ danh bạ của Sở, họ tên phần mộ số 31 lại là Nguyễn Văn Phương! Sự việc này cũng sớm được sáng tỏ: Các vị lão thành cách mạng đương thời, có cụ Phạm Viết Tâm nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tây Bắc cho hay, đó là bí danh hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh, sinh viên ở Huế tiếp nối đến sau này. Giấy ghi nhận đã được Đảng ủy phường Chiềng Lề thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La chứng thực. Thông tin và tư liệu này là cơ sở tin cậy để xác định ADN, vừa là bằng chứng về quá trình hoạt động của anh Phương đối với quê hương đất nước.
Việc khai mộ lần thứ nhất đã được Viện Pháp y Quân đội quyết định thực hiện vào ngày 19/5/2016. Không may vì mẫu sinh phẩm không đạt chất lượng nên không lấy được kết quả. Viện đã trực tiếp khai mộ lần thứ 2, để lấy mẫu phẩm nên đã xác định được ADN. Tiếc thay ADN đó không cùng huyết thống của liệt sĩ Hà Văn Phương! Từ đó đến nay, anh em, con cháu của 2 cụ thân sinh đều có chung tâm niệm: “Phải chăng anh Phương muốn yên nghỉ cùng đồng đội”. Nơi đây Ban Liên lạc Lục quân Trần Quốc Tuấn thường niên đều tổ chức thăm viếng. Có lần Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xã đã cùng bà con cô bác, các cháu tổ chức lễ cầu siêu, có 300 phật tử hành lễ tại nghĩa trang.
Nhớ lại buổi đầu khi quê nhà nhận được giấy báo tử liệt sĩ Hà Văn Phương Huyện ủy, HĐND, Ủy ban Kháng chiến huyện Nam Đàn đã tổ chức lễ truy điệu cấp huyện tại thị trấn Sa Nam. Đoàn đại biểu cơ quan huyện đã chuyển tới gia đình bức trướng vải phin trắng cỡ 1 x 1,5m, chữ đen, thắp hương viếng liệt sĩ và chia buồn cùng tang quyến. Huyện Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Đàn tổ chức “Hội trại Hà Văn Phương” ba ngày tại Sa Nam với khẩu hiệu: “Tiếp bước Hà Văn Phương lên đường đi kháng chiến”. Hàng ngàn thanh niên huyện nhà đã nô nức đăng ký trong không khí sôi sục của một thời để nhớ! Một sự kiện không thể nào quên./.