Người bệnh kêu thiếu thuốc, đại diện các bệnh viện nói gì?

Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở nhiều nơi, từ tuyến cơ sở tới trung ương, khiến bệnh nhân thiệt thòi, bác sĩ mệt mỏi.

 

Nhiều bệnh viện trên cả nước đang đối diện thực trạng thiếu trang thiết bị y tế, nhất là thuốc phục vụ người dân. Lãnh đạo các đơn vị đưa ra nhiều nguyên nhân và đang tìm giải pháp cho vấn đề này.

Nhiều bệnh viện thiếu thuốc do liên quan đấu thầu

Ông N.T.H. (52 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên theo diện bảo hiểm y tế (BHYT). Ông phải chi nhiều tiền để mua thuốc chữa bệnh vì trong bệnh viện không có. "Tuần nào tôi cũng phải đi mua, có toa thuốc 4-5 triệu đồng mà không được thanh toán BHYT”, ông H. nói.

Nhiều bệnh nhân ở Đắk Lắk cũng than gặp khó khi mua thuốc tại các nhà thuốc của bệnh viện. Thực trạng thiếu thuốc điều trị cũng được một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận. Vị này cho biết, nguyên nhân là chưa thể thực hiện các gói thầu mua sắm lớn thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Đắk Lắk.

“Những gói thầu thuộc diện mua sắm của bệnh viện, chúng tôi đã thực hiện xong. Tuy nhiên, các gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế thuộc thẩm quyền của Sở Y tế, đấu thầu tập trung của Bộ Y tế đến nay vẫn làm. Chúng tôi đang làm báo cáo về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc", lãnh đạo này cho biết thêm.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, tới đây, Sở chủ trì cuộc họp, báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.

Tình trạng thiếu thuốc cũng được ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Lãnh đạo trung tâm xác nhận thiếu thuốc và vật tư y tế xuất phát từ tình trạng trì trệ trong đấu thầu.

“Thiếu thuốc men, vật tư y tế tại thời điểm này ảnh hưởng lớn đến việc khám, chữa bệnh tại đơn vị và cũng chồng thêm khó khăn với những bệnh nhân nghèo. Để hỗ trợ bệnh nhân cũng như đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, đơn vị huy động nhiều nguồn lực, áp dụng nhiều biện pháp nhưng không đạt hiệu quả cao”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa nói.

Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) - tình trạng thiếu thuốc không phải mới, nhiều năm qua vẫn xảy ra nhưng nhỏ lẻ, lần này nghiêm trọng. Quá trình mua sắm cần đấu thầu mất 4 - 5 tháng. Các khoa, phòng khám thống kê, dự trù trang thiết bị, làm kế hoạch mua sắm (phải duyệt hồ sơ và lựa chọn đơn vị trúng thầu).

BS Hựu cho hay quy trình thầu chậm có nhiều lý do, ví dụ bệnh viện dự kiến mua 1.000 viên thuốc nhưng sang năm dùng lên 1.500 viên. Khi đó, bệnh viện phải bổ sung thầu. Trước đây, thiếu hụt thuốc có thể vay đơn vị cung cấp, mượn trước rồi làm hồ sơ trả sau, nhưng hiện tại không thể linh động như vậy.

Bệnh viện E đang làm thầu để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, cố gắng đẩy nhanh thủ tục hành chính nhưng vẫn có điều kiện khách quan từ nhà cung cấp không thể triển khai được. Thực tế, có sản phẩm chỉ một nhà cung cấp nên không kịp sản xuất, phân phối.

"Bác sĩ cũng mệt mỏi với thực trạng thiếu thuốc. Họ hàng ngày phải giải thích để người bệnh chia sẻ, nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà lại có hành động đôi co", BS Hựu nói.

Theo một đại diện của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), bệnh viện thiếu một số thuốc như kháng sinh hoạt chất Meropenem (nhóm 1), thuốc điều trị đái tháo đường Metformin và nhóm thuốc Chen β giao cảm. Lý do chủ yếu là gặp khó khăn trong đấu thầu. Trong đó, thuốc kháng sinh hoạt chất Meropenem nằm trong đấu thầu tập trung quốc gia, hiện chưa có kết quả trúng thầu.

Bệnh viện đã chủ động mua một số loại để điều trị cho bệnh nhân nặng, nhưng không thể đủ. Ví dụ, Metformin - thuốc điều trị đái tháo đường - thuộc nhóm đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu không có kết quả sớm, nguy cơ thiếu thuốc sẽ trầm trọng.

Lãnh đạo một bệnh viện khác ở Hà Nội cũng chia sẻ việc đang thiếu một số hóa chất cơ bản về miễn dịch, hoặc hóa chất xác định xem người bệnh có bị nhồi máu cơ tim hay không. Vì thế, nếu không phải trường hợp cấp cứu, trong thời gian chờ hóa chất, bệnh viện sẽ gửi mẫu xét nghiệm sang cơ sở y tế uy tín khác để đảm bảo thời gian trả kết quả cho người bệnh. Hiện, bệnh viện này không mua được nhiều mặt hàng thuốc cũng liên quan lý do đấu thầu.

Tại TP.HCM, Sở Y tế khẳng định, về cơ bản các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo cung ứng đủ thuốc. Hầu hết bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định. Tuy nhiên, giám đốc một số bệnh viện cho rằng có tình trạng thiếu thuốc nhưng là vấn đề tồn tại từ rất lâu. Việc này có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ngành Y tế TP.HCM công bố nguyên nhân gây ra việc thiếu một số loại thuốc như Dopamin, dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn. Các loại phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolamg khó tìm do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc công ty trên thế giới ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, bệnh viện còn bị động trong mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu chờ kết quả của Trung tâm Mua sắm Tập trung thuốc Quốc gia, thuốc có thể bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu, khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi kết quả đấu thầu của Trung tâm Mua sắm Tập trung thuốc Quốc gia thấp hơn giá mua của các bệnh viện...

Ông Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, nêu tâm lý e ngại đấu thầu. Sắp tới, khi các gói thầu của bệnh viện hết hiệu lực và Nghị định 98 được áp dụng trong đấu thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc men với những quy định cụ thể, sẽ có khó khăn. Theo đó, tất cả giá thuốc, hóa chất, vật tư thiết bị y tế, máy móc phải kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế nên các đơn vị tham gia cần thời gian thực hiện.

“Các đơn vị làm các thủ tục như giá kê khai, công khai tất cả giá đấu thầu trước đây, cũng như những gì liên quan mua bán đều phải công khai trên hệ thống. Tuy nhiên, một số đơn vị, công ty chưa kê khai kịp, một số kê khai rồi lại thay đổi giá, thêm vấn đề thẩm định giá, báo giá…, vì vậy nảy sinh nhiều vướng mắc", bác sĩ Nhân nói.

Một cán bộ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông xác nhận, hiện các doanh nghiệp kinh doanh thuốc chữa bệnh, vật tư y tế vẫn chưa xây dựng được bảng giá công khai (theo yêu Nghị định 98 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế) và họ cũng ngần ngại cung ứng thuốc.

"Có lẽ vì sợ hụt thu. Ngoài ra, sau dịch COVID-19, tình trạng BHYT đang nợ tiền quá nhiều, kèm tâm lý sợ thanh tra nên doanh nghiệp rất ngại bán thuốc và vật tư y tế cho các cơ sở y tế công lập”, vị này cho hay.

Bộ Y tế thừa nhận do tâm lý sợ sai

Theo thông tin ngày 17/6 từ Bộ Y tế, hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Một người nhà bệnh nhân không mua được thuốc trong Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và cả ở các quầy thuốc tư bên ngoài.Lý do tiếp theo dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là công tác mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh sáng 20/6, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở thời gian qua. Thứ trưởng cam kết, sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ./.

PGS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM - cho rằng, hiện nay, khối y tế công lập đang khủng hoảng về thuốc men và cả vật tư. Trước đây, giám đốc bệnh viện nào cũng muốn làm, nay thì không, bởi sợ trách nhiệm. Với cơ chế hiện nay, càng làm càng sai, đôi khi bản thân người lãnh đạo cũng là nạn nhân.

"Chúng ta đang ở cơ chế làm việc mới vì sáng đúng, chiều sai, sang mai lại đúng nên mới xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư. Không chỉ bệnh viện công, bệnh viện tư cũng gặp tình trạng khan hiếm thuốc. Bác sĩ hầu như không có gì chữa cho bệnh nhân", ông Nam nói./.

Nhóm PV/VTC News

 

Bình luận

    Chưa có bình luận