Thảo luận về Dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng nay (13/6), đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai cho rằng, lúc này sự chia sẻ, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là rất cần thiết. Song giai đoạn này, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn.
“Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra nhiều nơi mà vì điều gì thì chúng ta đều rõ. Nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm và thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế.
Bên cạnh đó, chúng ta còn phải giải quyết những bất hợp lý mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam là mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công”, đại biểu chỉ rõ.
CEO Bệnh viện không nhất thiết phải là Giáo sư, Tiến sĩ y khoa giỏi
Đại biểu Nguyễn Công Long nhìn nhận, đến nay nước ta là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm Giám đốc bệnh viện công trước hết phải là những người giỏi chuyên môn y khoa; phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành quản trị hoạt động bệnh viện, dẫn đến những bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, làm cho chất lượng dịch vụ kém, hoạt động khám, chữa bệnh thiếu tính chuyên nghiệp.
Đại biểu cũng nói thêm rằng, các trường y hiện nay mới chỉ tập trung đào tạo vào các chuyên ngành y khoa, y đa khoa, răng hàm mặt, y học dự phòng, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật… mà không chú trọng chuyên ngành quản lý bệnh viện.
“Không phải cho đến bây giờ, khi hàng loạt lãnh đạo các bệnh viện sai phạm bị xử lý hình sự thì mới thấy, mà sự bất cập trong hệ thống mô hình quản lý bệnh viện hiện nay đã xuất hiện từ lâu. Suốt từ năm 1945 đến nay, trong ngành y luôn có một hiện tượng là người giỏi về chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo thì luôn phải có sự lựa chọn hoặc làm chuyên môn hay là làm quản lý. Chúng ta nói điều này thì đều nhớ đến câu chuyện của Giáo sư Tôn Thất Tùng, ông là người được giữ trách nhiệm cao lãnh đạo ngành y nhưng cuối cùng đã xin thôi chức vụ lãnh đạo để chuyên tâm cho hoạt động khoa học và nếu như ông làm quản lý thì chắc chắn thế kỷ 20 thế giới đã không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng Giáo sư Tôn Thất Tùng.
Câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn còn tiếp tục và mới đây chúng ta cũng còn nhớ câu chuyện một giáo sư, bác sĩ đã từ chối chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị để chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học”, đại biểu Nguyễn Công Long nói.
Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, đối với những người chấp nhận vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì áp lực nhiệm vụ rất lớn và khó có thể hoàn thành được cả 2 nhiệm vụ. Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi những gói thầu A, hợp đồng B nào đó và ai cũng hiểu trong gói thầu, trong những hợp đồng đó thì có vô số những lợi ích, những mối quan hệ chằng chịt.
“Nếu không thắng nổi những cám dỗ và không xử lý được hết cả các mối quan hệ đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”, đại biểu thẳng thắn nói rõ và cho rằng, lâu nay, ngành y tế đã thấy rõ những bất hợp lý trên. Nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và các giám đốc điều hành và dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà chuyên môn bằng các nhà quản lý kinh nghiệm.
CEO không cần phải là giáo sư, tiến sĩ y khoa mà cần giỏi về quản lý y tế và điều hành nhằm tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng bệnh viện, bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ, đó là chăm sóc và chữa bệnh. Song những nỗ lực trên chưa có hiệu quả, theo đánh giá chung của ngành y tế, quá trình thực hiện các mô hình nói trên vấp vào 2 rào cản chính, đó là nhận thức và thể chế.
Theo đại biểu Long, về nhận thức, trước thực trạng đã và đang diễn ra sự đổi mới về quản trị y tế công đang đặt ra cấp thiết, những ai còn vấn vương về quyền hạn, vì những lợi ích, về “chiếc ghế” giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh. Còn về thể chế, nếu không đưa ra những nội dung sửa đổi, bổ sung vào dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết được những bất cập lâu nay.
Từ những bất cập trên, đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công.
Hai là, cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh.
Thứ ba, cần xem xét quy định các tiêu chuẩn về nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề xuất thực hiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo kế hoạch đã nghiên cứu giai đoạn trước đây.
Mua sắm trong lĩnh vực y tế hiện nay đang đặt ở nút... tạm dừng
Theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn nhận thấy rằng việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.
Có thể lấy ví dụ điển hình như là vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ và đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do lĩnh vực này hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng. Điều này dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho nhà nước. Đồng thời các chuyên gia cũng chỉ rõ để khắc phục những bất cập, tồn tại này thì phải sửa đổi, bổ sung trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thời gian vừa qua những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế do quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, vốn đã kéo dài trong nhiều năm thì nay ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh xảy ra các vụ án trong lĩnh vực y tế và tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay gần như đang đặt ở nút tạm dừng. Các hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn ngành cũng gần như đóng băng, không dám triển khai, trong khi đó thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân càng nâng cao và các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật./.
Nguyễn Trang/VOV.VN