Từ 10 năm nay, gia đình chị Bùi Thị Huệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu luôn ao ước có một căn nhà vững trãi để ổn định cuộc sống. Chị và người thân trong gia đình đã “tất tả” tìm hiểu các thủ tục vay vốn tại một số ngân hàng, song lực bất tòng tâm vì lãi suất cao, cộng với không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn…
Khi biết đến gói vay vốn hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội chị đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin vay vốn. Chỉ sau 1 tuần nhận hồ sơ và phê duyệt, chị đã được giải ngân với số vốn vay là 320 triệu đồng, tương đương 70% giá trị căn nhà, với mức lãi suất ưu đãi.
Chị Bùi Thị Huệ vui mừng cho biết: "Mỗi tháng chỉ trả lãi là 1.280.000 đồng còn gốc là 1.780.000 đồng, trả gốc 6 tháng mới trả một lần, còn lãi chi trả hàng tháng. Gia đình tôi rất vui vì có nhà, tâm trạng thoải mái hơn, lãi suất thấp cộng với thời gian vay dài nữa, nên có đủ khả năng để tích lũy trả nợ.
Không chỉ gia đình chị Huệ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đến nay triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đã có nhiều học sinh, sinh viên được tiếp cận nguồn vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến…
Ông Quảng Văn Inh, Bản Phải, xã Phúng Bánh, Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết, được vay vốn ưu đãi để mua máy tính phục vụ học trực tuyến cho các con. Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện đã cho vay ưu đãi 10 triệu đồng với lãi suất 1,2%/năm, trong thời hạn 36 tháng. Như vậy, mỗi tháng gia đình chỉ cần trả lãi ngân hàng 10.000 đồng.
"Sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền gia đình tôi rất vui mừng, gia đình được ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân để mua máy tính cho con học trực tuyến, nâng cao kiến thức. Gia đình xin chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước", ông Quảng Văn Inh bày tỏ.
Theo bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã có 3.200 trường tiểu học và 12.300 cơ sở mầm non ngoài công lập được thụ hưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan liên quan, áp dụng cả số hóa trong quản lý để xác định đúng đối tượng, nhằm giải ngân kịp thời giúp các cơ sở này nhanh chóng có nguồn vốn phục hồi hoạt động. Cùng với đó, chương trình hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vay vốn để mua máy tính và trang thiết bị phục vụ cho học trực tuyến đã phát huy nhiều tác dụng.
"Vừa rồi trong Nghị quyết của Chính phủ đã quan tâm rất sâu sát, trong đó có 2 gói, 1 gói là 1.400 tỷ đồng để hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Gói thứ hai là hỗ trợ cho học sinh, sinh viên vay vốn để mua máy tính và trang thiết bị phục vụ cho học trực tuyến. Các chính sách cho vay này rất thiết thực. Đến nay việc triển khai cũng đang xúc tiến rất mạnh mẽ. Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm của mình rất tốt đối với ngành giáo dục. Cũng mong muốn việc triển khai vừa kịp thời, phải đúng đối tượng, phải đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.
Thực hiện triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt trên 2.300 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là trên 2.000 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động. Ngân hàng cho học sinh, sinh viên vay mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng, với 14.500 khách hàng để mua trên 15.500 máy tính và thiết bị học trực tuyến. Cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong năm nay sẽ phấn đấu hoàn thành giải ngân 19 nghìn tỷ đồng. Hiện chỉ còn một chương trình cho vay ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang chờ thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện. "Hiện tại chúng tôi đang chờ 2 đơn vị ban hành Thông tư hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và Bộ Y để trình Chính phủ ban hành về các chương trình tín dụng cho vay của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Khi thông qua chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Hiện tại các địa phương đã rà soát đối tượng và chúng tôi chỉ đạo cho các chi nhánh trực thuộc phối hợp cho chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, có nhu cầu và đủ điều kiện thì thực hiện làm hồ sơ sẽ giải ngân ngay".
Tại hội nghị về tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết 11 được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung phối hợp thực hiện kế hoạch đã đề ra, đảm bảo các chương trình được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các bộ ngành, địa phương phản ánh kịp thời để có biện pháp tháo gỡ để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống./.
Theo VOV.VN