Đây là thực trạng đáng báo động trong công tác chăm sóc trẻ em và phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Khi kỳ nghỉ hè và mùa mưa, bão đang đến gần, việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ đang là điều được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước. Cuối tháng 3 đến nay, Đắk Lắk xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng... Gần đây nhất là vụ đuối nước tại Bình Phước khiến 6 học sinh lớp 11 tử vong khi tắm sông Đồng Nai.
Tại Đồng Tháp, một bé trai tử vong do đuối nước khi chơi cùng cha mẹ vào ngày 2/5... Đây là một số vụ trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra gần đây. Mặc dù số vụ trẻ em chết đuối có giảm qua từng năm nhưng mỗi năm vẫn có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đáng buồn hơn khi tỷ lệ nạn nhân là trẻ em và vị thành niên đang ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, có một nghịch lý là việc dạy bơi và kỹ năng sống sót trong môi trường nước chưa được nhà trường, gia đình và xã hội chú trọng đúng mực, đưa vào dạy học sinh như một môn học chính thức. Trẻ em bị đuối nước vẫn đang là nỗi ám ảnh, day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa Hè.
Chị Nguyễn Thu Hương, quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng: “Tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng, chính quyền cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng đuối nước trẻ em. Đương nhiên trách nhiệm của bố mẹ là trách nhiệm chính, cũng nên cho con đi học bơi. Nếu nhà trường không tổ chức thì bố mẹ cũng nên tìm các lớp học bơi để các con học, để các cháu kỹ năng cơ bản để nếu có lỡ sa chân xuống nước thì các cháu còn biết đường vẫy vùng, biết tự cứu mình trước khi người khác đến cứu”.
Trước tình trạng gia tăng các vụ đuối nước khi mới vào đầu mùa hè, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trường nào cũng có điều kiện để thực hiện được việc này, đặc biệt là với hệ thống trường công lập. Ngay ở Hà Nội, rất nhiều trường không có bể bơi và các tỉnh thành khác cũng tương tự. Thậm chí, nhiều nơi còn thiếu giáo viên chuyên trách, hoặc có người dạy bơi thì lại thiếu bể bơi. Nhiều nơi, các thầy cô còn phải dạy bơi… trên giấy, chỉ dạy lý thuyết vì không có chỗ để thực hành.
Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến cuối năm 2020, cả nước chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ngay cả ở bậc đại học, chỉ có khoảng 13% các trường có xây dựng bể bơi trong trường.
Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tại Việt Nam thời điểm xảy ra đuối nước nhiều là từ tháng 4 đến tháng 6, nhiều nhất là vào tháng 6, khi trẻ được nghỉ hè. Việc trẻ không biết bơi nhưng vẫn tìm đến những nơi có sông suối để chơi đùa do tò mò, thích khám phá, bố mẹ đi làm xa, môi trường sống thiếu an toàn, không có biển cảnh báo vùng nguy hiểm…
Bà Đoàn Thị Thu Huyền cho rằng, bộ môn bơi lội phải trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, trong đó, xây dựng lực lượng nòng cốt là giáo viên thể dục, đoàn viên thanh niên, tăng cường truyền thông trên mạng xã hội và các bài giảng qua kênh youtube các cách phòng tránh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp tư nhân xây bể bơi và kèm theo các bộ công cụ truyền thông phù hợp từng vùng miền: “Tôi muốn nhấn mạnh đến kỹ năng an toàn của trẻ liên quan đến học bơi an toàn và đặc biệt phải có kỹ năng sống sót trong môi trường nước. Đây là điểm hiện nay trẻ em Việt Nam rất thiếu. Chúng ta cần phải tác động mạnh hơn công tác về truyền thông, công tác về giáo dục cho trẻ ngay khi kết thúc năm học và phải kéo dài đến tận tháng 9, tháng 10, đó là thời điểm trẻ quay trở lại trường học”.
Đồng thời, cần có môi trường an toàn tránh xa nguồn nước đối với trẻ nhỏ và có các biển báo cắm tại nơi nguy hiểm. Bà Đoàn Thị Thu Huyền cho biết thêm: “Việc làm hàng rào, kiểm soát việc trẻ tiếp xúc với nguồn nước, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, đó là biện pháp hiệu quả được minh chứng ở nhiều nước trên thế giới. Đó là những can thiệp khẩn cấp, nó có thể thay đổi ngay được hành vi của một đứa trẻ, thay đổi kiến thức của một phụ huynh, từ đó tạo ra một môi trường an toàn hơn. Ví dụ, một biển báo cắm ở ao hồ, nơi đây là nơi thường xuyên có nguy cơ về đuối nước, nước sâu. Đối với một cộng đồng, một xã, phường, biển báo đấy không đáng bao nhiêu tiền nhưng để vận động được chính quyền địa phương, để lắp biển báo và có người canh giữ thì không phải địa phương nào cũng nhận thức được”.
Hiện Cục Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc, nhắc nhở địa phương thực hiện phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước kỳ nghỉ hè đang đến gần. Yêu cầu các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, lập bản đồ cảnh báo điểm nóng về tai nạn đuối nước và có giải pháp khắc phục kịp thời. Các tỉnh, thành cần có trách nhiệm chỉ đạo các cấp chú trọng bàn giao, phối hợp quản lý học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, và các thời điểm bão, lũ, thiên tai; vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trong dịp hè bản thân người lớn phải có hướng dẫn cho trẻ, các nguy cơ có thể dẫn đến đuối nước để trẻ có cách phòng tránh. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rà soát môi trường trong gia đình cũng như xung quanh mình, nhưng nguy cơ gì gây đuối nước cho trẻ em như các gia đình có chum, vại, bể nước thì phải làm nắp đậy, cống phải làm nắp đậy, có ao phải rào ao. Ở thành phố, khi sử dụng xong vật dụng chứa nước phải đổ đi. Các vị phụ huynh cũng phải tăng cường tìm hiểu, cập nhật các thông tin, kiến thức về phòng chống đuối nước trẻ em mà hiện nay Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành đã triển khai hướng dẫn rất nhiều”.
Việc dạy bơi cho học sinh đã được đưa vào luật và cũng đã chỉ ra giải pháp để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, các địa phương cần tận dụng công trình thể thao, bể bơi ở các trung tâm thể dục - thể thao các quận, huyện để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, nếu các địa phương thiếu những hành động thiết thực, sẽ khó làm thay đổi thực trạng trẻ tử vong do đuối nước./.
Kim Thanh/VOV1