“Các bộ, ngành địa phương cần rà soát lại các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm để triển khai thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện”.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với một số bộ, ngành và lãnh đạo UBND Hà Nội, TP.HCM về giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 26/4, tại Trụ sở Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có 38 tỉnh, thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Tuy nhiên, lượng chất thải phát sinh rất ít tại trạm y tế xã, cơ sở y tế quy mô nhỏ, phân tán nên khó khăn, chi phí cao trong việc thu gom, vận chuyển. Đáng chú ý, vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa bố trí kinh phí thu gom vận chuyển, xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm, gây khó khăn, lúng túng cho các cơ ở y tế trong việc tìm đơn vị để chuyển chất thải đưa đi xử lý.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Vấn đề lớn nhất của Thành phố trong các đợt dịch vừa qua là xử lý rác thải tại gia đình có người mắc Covid-19.
"Y tế cơ sở đã hướng dẫn kỹ cho người dân khi tiếp nhận ca F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên các đơn vị thu gom dân lập lại trộn chung với rác sinh hoạt thông thường…"- ông Nam nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc cách ly, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, cần bổ sung phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm tại nhà, có kiểm tra, giám sát không để phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. "Những điểm cơ sở tập trung F1, F0 có khi ùn ứ rác khủng khiếp, lúc đầu y tế phải làm luôn nhiệm vụ thu gom rác thải tại các khu tập trung. Đến bây giờ chúng ta cần có những kiểm tra, đánh giá lại để có hướng dẫn mới cho phù hợp" - Thứ trưởng Sơn nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá lại các văn bản, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực xử lý chất thải y tế, chất thải lây nhiễm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác thải y tế trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà. Phải sẵn sàng tình huống có dịch bệnh mới trong tương lai hoặc khả năng xuất hiện các đợt dịch mới, các biện pháp y tế, trong đó có xử lý rác thải phải làm tốt hơn trước./.
Theo VOV.VN