Hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà trọ - người lao động khó xin xác nhận của chủ nhà

Số tiền được hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng tuy không lớn nhưng giúp công nhân bù đắp phần nào cho việc trang trải cuộc sống trước mắt.

 

Ngày 28/3, Chính phủ đã ban hành Quyết định 08, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hơn 3 triệu người lao động sẽ được nhận được tiền hỗ trợ nhà trọ từ Chính phủ, với mức hỗ trợ từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng cho 2 đối tượng là người người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Thời gian hỗ trợ tiền nhà trọ là 3 tháng và tiến độ chi trả sẽ được đẩy nhanh, rút ngắn thủ tục hành chính và có tham gia giám sát của tổ chức công đoàn, công an, chính quyền địa phương... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều người lao động cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc xin xác nhận của chủ nhà trọ.

Người lao động phấn khởi khi biết Nhà nước sẽ hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng cho người lao động đang phải thuê trọ.

Khi biết tin nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, nhiều công nhân vui vẻ cho biết, số tiền được hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng tuy không lớn nhưng đây sẽ là khoản tiền quan trọng giúp cho họ bù đắp phần nào cho việc trang trải cuộc sống trước mắt, nhất là đối với những cặp vợ chồng công nhân trẻ, có con nhỏ.

Chị Trần Thị Lan, quê ở Quảng Bình, hiện là công nhân may tại Hà Nội cho biết, hơn 10 năm trước ra Hà Nội làm công nhân, đến nay đã lấy chồng và có 3 con, cuộc sống sinh hoạt của chị vẫn chỉ có thể tá túc trong căn phòng thuê trọ tại quận Long Biên. Chị Lan chia sẻ, do quê ở xa, chị không có người thân hỗ trợ, lại phải thuê nhà nên số tiền cần kiếm để lo đủ sinh hoạt cho gia đình ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Dù làm công nhân may đã nhiều năm tại Hà Nội nhưng lương của chị, cộng cả thu nhập của chồng chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Hiện nhiều mặt hàng tăng giá nên vợ chồng chị phải làm tăng ca mới có thể trang trải tiền thuê nhà trọ, tiền điện - nước, tiền ăn, tiền học cho các con và cả khám chữa bệnh mỗi khi có thành viên trong gia đình đau ốm.

"Hiện tại em đang thuê nhà trọ, một tháng cả tiền điện nước nữa cũng gần 2 triệu. Nhà nước có chính sách hỗ trợ em rất vui và có thêm động lực. Số tiền đối với người khác có thể không lớn lắm, nhưng đối với công nhân chúng em là một khoản rất lớn, thêm được vào để chi trả tiền nhà thi em đỡ lo lắng phần nào, có điều kiện để em chăm sóc con cái tốt hơn", chị Lan nói.

Vui mừng và mong ngóng sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà để giảm bớt phần nào khó khăn, nhiều công nhân, người lao động cho biết đã được công ty, chủ sử dụng lao động thông báo thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Về thủ tục, so với các chính sách hỗ trợ trước đây, thời gian thực hiện các thủ tục chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động được rút ngắn, tối đa là 11 ngày. Theo đó, người lao động sẽ phải tự làm đơn có xác nhận của chủ nhà trọ và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác về quan hệ lao động, đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của người lao động. Sau đó, doanh nghiệp tổng hợp và niêm yết danh sách công khai ít nhất 3 ngày. Tiếp đến là cơ quan BHXH xác nhận danh sách trong 2 ngày.

Thời gian từ lúc ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày. Doanh nghiệp chi trả cho người lao động trong 2 ngày kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ. Nguyên tắc hỗ trợ, thực hiện chi trả hàng tháng hoặc hỗ trợ gộp 2 đến 3 tháng.

Tuy nhiên, nhiều người lao động cho biết việc xin xác nhận của chủ nhà trọ gặp khó khăn, do chủ nhà trọ không có mặt tại địa phương hoặc giao lại cho người khác quản lý. Có nơi, chỉ một công nhân đứng ra thuê trọ, sau đó họ rủ thêm 4 đến 5 lao động về ở chung. Chưa kể, nhiều chủ trọ xác nhận nhiều có tâm lý e ngại, nên gây khó khăn cho người lao động.

Việc này, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH điện tử Meko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội cho biết, về phía doanh nghiệp cam kết sẽ triển khai nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, việc người lao động chờ xác nhận từ phía chủ nhà trọ có thể sẽ mất thêm nhiều thời gian. Các chủ nhà trọ thường xây cả dãy nhà trọ, họ không sống cùng khu ở với người lao động nên rất khó gặp. Trong khi đó, người lao động thì làm việc theo ca, thường tối mới về nhà.

Ông Phan Thanh Hải cho rằng, chính sách hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và rất có ý nghĩa với người lao động, nhưng cũng cần có sự linh hoạt, thông thoáng: "Khi chúng tôi xác nhận tại cơ sở thì thấy người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, tại đơn vị chúng tôi đang thuê trọ thì có rất nhiều. Tuy nhiên, để đáp ứng đúng quy định, thủ tục đưa ra theo gói hỗ trợ thuê trọ thì hết sức khó khăn. Có rất nhiều người có tạm trú tạm vắng, nhưng cũng có rất nhiều người chưa có tạm trú tạm vắng. Không phải người lao động nào cũng sống cùng khu trọ với chủ nhà, nên việc xác nhận cho lao động để đảm bảo theo đúng quy định rất khó khăn. Phía đơn vị, người lao động cũng như công đoàn mong muốn có thủ tục đơn giản hơn, có thể từ phía công đoàn cơ sở hoặc kết hợp với doanh nghiệp để xác nhận cho người lao động".

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 08, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các sở Lao động Thương binh và Xã hội tại các địa bàn triển khai, nhằm đưa chính sách với thủ tục đơn giản, rút gọn nhất để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay người lao động đang thuê nhà trọ và góp phần tạo động lực để người lao động sớm gia nhập thị trường lao động. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này, với tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 6.600 tỉ đồng. Hiện một số địa phương đã có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp triển khai.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch công đoàn Công ty Hosiden, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hiện tại, ở tỉnh Bắc Giang theo sự chỉ đạo của chủ tịch tỉnh thì hồ sơ xét duyệt cho người lao động có nhiều điều kiện mở. Người lao động thường không có hợp đồng thuê nhà với chủ trọ và muốn có giấy xác nhận của chính quyền, nhưng hiện tại việc này giao trách nhiệm cho công ty phải chứng thực cho người lao động có đúng đang đi thuê trọ hay không".

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân không chỉ có lợi cho người lao động mà còn hỗ trợ cho cả doanh nghiệp. Để tránh trục lợi chính sách, nhưng vẫn đúng quy định, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn cập nhật kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về để xác thực thông tin người lao động. Hiện việc hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đang được triển khai.

Ông Lê Văn Thanh cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc chưa phù hợp với thực hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu và điều chỉnh để chính sách sớm đến với người lao động: "Trách nhiệm của chính quyền địa phương rất lớn, họ có thể xác minh được, ngay cả việc thuê trọ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động. Trong quá trình làm, thấy những gì phát sinh, vướng mắc chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp, vì triển khai trong thực tiễn rất phong phú nên chúng ta sẽ có cách điều chỉnh cho phù hợp nhất. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các ngành có liên quan sẽ làm nhanh nhất, tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động".

Theo Quyết định 08 của Chính phủ, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2/2022 đến ngày 30/6/2022 sẽ nhận mức 500.000 đồng/người/tháng. Với mức nhận hỗ trợ tiền thuê nhà 1.000.000 đồng/người/tháng, dành cho người lao động quay trở lại thị trường và đảm bảo điều kiện có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/6/2022./.

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận