Kỷ niệm ngày sở hữu trí tuệ (SHTT) Thế giới năm nay (26/4), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn chủ đề “SHTT và thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”, nhằm tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thanh niên dẫn dắt. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có trao đổi về chủ đề của ngày SHTT năm nay.
Thưa ông, chủ đề WIPO chọn cho ngày kỉ niệm SHTT năm 2022 có ý nghĩa như thế nào?
Theo WIPO, tuổi trẻ ngày nay là một nguồn sáng tạo và khéo léo đáng kinh ngạc và chưa được khai thác. Những quan điểm mới mẻ, giàu năng lượng, trí tò mò và ý thức “có thể làm được”, chưa kể đến sự khao khát về một tương lai tốt đẹp hơn đã và đang định hình lại các phương pháp tiếp cận và thúc đẩy hành động vì đổi mới sáng tạo và thay đổi.
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 được coi như cơ hội để những người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền SHTT có thể hỗ trợ các mục tiêu của họ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Với quyền SHTT, những người trẻ tuổi được tiếp cận một số công cụ chính mà họ cần để thúc đẩy tham vọng của mình.
Qua cuộc vận động hưởng ứng, những người trẻ tuổi sẽ có thể hiểu rõ hơn về cách các công cụ của hệ thống SHTT - nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các đối tượng khác - có thể hỗ trợ họ thực hiện tham vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Biến ý tưởng thành hiện thực, mục tiêu thành thu nhập, việc làm
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách mà quyền SHTT có thể hỗ trợ các mục tiêu của thế hệ trẻ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh, thưa ông?
SHTT được chia thành hai phạm trù gồm sở hữu công nghiệp, và quyền tác giả. Mỗi phạm trù gồm nhiều đối tượng quyền SHTT khác nhau và mỗi đối tượng quyền SHTT này đều đóng một vai trò nhất định từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến khi đưa thành phẩm ra thị trường.
Ví dụ, khi người trẻ có ý tưởng phát triển công nghệ nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể. Họ có thể khai thác kho thông tin sáng chế để tìm hiểu trình độ công nghệ của thế giới để tránh nghiên cứu trùng lặp, thậm chí có thể tìm thấy công nghệ được phép miễn phí khai thác.
Nếu công nghệ do một người tạo ra được bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, lúc này, bạn sẽ độc quyền sản xuất, kinh doanh công nghệ này trong nước hoặc cho phép người khác sử dụng và thu lợi từ phí li-xăng (phí chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp). Đến khi đưa công nghệ ra thị trường tiêu thụ, bạn cần tính đến bảo hộ nhãn hiệu gắn với công nghệ này. Hệ thống bảo hộ nhãn hiệu còn giúp ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT.
SHTT mang lại cơ chế bảo hộ về mặt pháp luật cho phép chủ sở hữu quyền hưởng lợi từ thành quả sáng tạo của mình và ngăn chặn hành vi sao chép của người khác. Vậy theo ông, liệu SHTT sẽ giữ vai trò là động lực để khuyến khích lớp thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo hay là “tấm rào” làm chậm lại tinh thần táo bạo và nhiệt thành đổi mới của những người trẻ?
Bảo hộ SHTT trao cho chủ sở hữu quyền SHTT được tự mình hoặc cho phép người khác sử dụng, từ đó hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của mình. Để có được độc quyền này, đổi lại, tài sản trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ chặt chẽ do pháp luật quy định và trong một vài trường hợp còn cần phải thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tôi không cho rằng điều này lại trở thành rào cản hoạt động đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Dù là với nhóm đối tượng nào – học sinh, sinh viên, doanh nghiệp trẻ, nhà nghiên cứu trẻ - thì SHTT vẫn là một công cụ khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo. Việc chúng ta cần làm là hướng dẫn, hỗ trợ các bạn tiếp cận sớm, hiệu quả với hệ thống SHTT. Tôi tin rằng với sự nhanh nhạy và năng động vốn có của “tuổi trẻ”, các bạn sẽ dễ dàng biến SHTT trở thành một công cụ hữu hiệu để sáng tạo đột phá hướng một tương lai tốt đẹp hơn.
Để tiếp tục khuyến khích các sáng chế, giải pháp hữu ích cũng như bảo hộ quyền SHTT phục vụ cho phát triển bền vững, theo ông cần phải đẩy mạnh những hoạt động gì?
Để tiếp tục khuyến khích các sáng chế, giải pháp hữu ích cũng như bảo hộ quyền SHTT phục vụ thiết thực cho phát triển bền vững, có 4 hoạt động cần đẩy mạnh phục vụ thiết thực cho phát triển bền vững, đó là:
Hoạt động nghiên cứu chính sách về SHTT để đưa ra những đề xuất nhằm cập nhật, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích; cải thiện chính sách về SHTT theo hướng khuyến khích tối đa sức sáng tạo của các cá nhân và tập thể, đồng thời giảm thiểu những thủ tục chưa phù hợp. Bên cạnh đó, cần có chính sách tốt để thu hút nguồn nhân lực làm công tác nghiên cứu về SHTT nói chung và công tác thẩm định đơn sáng chế, giải pháp hữu ích nói riêng.
Cải thiện hệ thống dịch vụ về SHTT, cụ thể là tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho hệ thống SHTT, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho việc thẩm định đơn, tiếp nhận đơn, góp phần rút ngắn thời gian thụ lý đơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ về đào tạo, hỗ trợ và tư vấn cho người nộp đơn sáng chế cần được phát triển bài bản và có hệ thống hơn.
Tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương, nhất là với các nước phát triển về SHTT để học hỏi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bắt kịp trình độ của thế giới.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tra cứu thông tin sáng chế mạnh và bền vững, góp phần khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể làm sáng chế có điều kiện tra cứu, tìm hiểu các giải pháp do mình nghiên cứu, chế tạo trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích.
Xin cảm ơn ông!
Theo VOV.VN