Hiện, Việt Nam có hơn 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Thấu hiểu được nỗi lòng của những cha mẹ có con tự kỷ, Trung tâm Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp nghề SEED với 15 thầy, cô giáo đã đồng hành cùng các gia đình trong quá trình lớn lên của những em nhỏ đặc biệt này, mở ra các lớp dạy nghề cho các bạn tự kỷ ở lứa tuổi thành niên để các em tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.
Là một học viên mắc chứng tự kỷ chức năng cao, Đặng Mai Lam, sinh năm 2001, ở Hà Nội, bị rối loạn hành vi khá nặng. Từ khi tới Trung tâm Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp nghề SEED, qua hơn 2 năm học tập, các triệu chứng của bệnh đã được cải thiện.
Hiện em làm trợ giảng cho các cô giáo tại Trung tâm, được nhận lương 3 triệu một tháng. Dù khó khăn khi thể hiện bằng lời nói nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của các em, luôn hiện hữu tình yêu thương gia đình, yêu thương thầy cô, mong muốn được làm việc để đền đáp công ơn cha mẹ, thầy cô.
“Em đã làm ra sản phẩm thật đẹp mắt như cúc họa mi, hơ cánh hoa hồng, làm ra sản phẩm hoa hồng thật đẹp. Cứ mỗi lần em nhận tiền lương ở đây, em sẽ mang về cho bố mẹ. Bố mẹ nhận và cảm thấy vui đến nỗi em muốn đi làm ở đây…”, học viên Đặng Mai Lan nói.
Còn với cha mẹ của các bạn mắc chứng tự kỷ, niềm vui vỡ òa khi thấy sự tiến bộ từng ngày của con, vơi bớt phần nào nỗi lo lắng cho đứa con khiếm khuyết khi cha mẹ tuổi về già.
Chị Nguyễn Thị Én, mẹ của em Nguyễn Đức Phú, đang học nghề dán nhãn tại Trung tâm chia sẻ: “Ba tháng nay, bạn ấy có lương hỗ trợ. Tháng đầu khi mà việc nhiều, bạn ấy kiếm được hơn 2 triệu, bạn ấy vui lắm, mình càng vui hơn”.
Để làm ra những bông hoa lụa xinh xắn giống như hoa thật hay những chiếc bánh, cái kẹo thật đẹp, thật ngon, những thầy, cô giáo ở Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp SEED phải mất rất nhiều công sức để dạy dỗ, hướng dẫn các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ. Cô Nguyễn Tuyết Lan, giáo viên nghề thủ công tại Trung tâm chia sẻ: Với người bình thường thì chỉ mất một ngày nhưng với các bạn mắc chứng tự kỷ, có thể mất cả tháng, thậm chí cả năm chỉ để làm một công đoạn cắt cánh hoa, lá hoa hay hoàn thiện một bông hoa.
“Thực ra bất cứ công việc nào cũng có khó khăn riêng và nhất là công việc này đòi hỏi mình phải kiên nhẫn. Mình phải kiên nhẫn rất nhiều, sau đó mình phải tìm hiểu các bạn, từ đó mới có cách làm việc hiệu quả với từng bạn. Bởi tất cả các bạn gần như mỗi bạn đều khác nhau, không bạn nào giống bạn nào. Trước tiên là mình phải có lòng kiên trì, đi liền với đó là phải có lòng yêu thương các bạn thì mới có những bước, cách để dạy các bạn”, cô Lan cho biết.
Tại Trung tâm Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp nghề SEED, ngoài làm hoa giấy, hoa lụa, còn có lớp dán nhãn dữ liệu, làm bánh, học vi tính. Điểm chung của những lớp học này là đều có các hoạt động mang tính lặp đi lặp lại, phù hợp với các em mang hội chứng tự kỷ.
Với hơn 60 học viên mắc chứng tự kỷ, học viên lớn nhất 38 tuổi, tới đây vừa có thêm trải nghiệm mới, vừa tự kiếm thêm thu nhập,quan trọng hơn cả là đời sống tinh thần của các bạn trở nên tích cực hơn rất nhiều.
Trải qua nhiều khó khăn, vất vả để tạo lập Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, chị Đào Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm không ít lần nản trí, nhưng mỗi lần như vậy là mỗi lần chị và các đồng nghiệp lại nhìn lên dòng chữ được chị khắc trên gỗ và gắn trên tường trong phòng làm việc “Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ tới lý do khiến bạn bắt đầu”.
Chị Thủy mong muốn, khi các bạn học nghề xong sẽ trở thành nhân viên ở đây, được hưởng các chế độ như một người lao động bình thường. Bởi trao cơ hội và niềm tin chính là cách giúp người tự kỷ thể hiện được khả năng bản thân, xóa bỏ định kiến người tự kỷ là gánh nặng của gia đình và xã hội. Chị Đào Thu Thủy kỳ vọng: Thời gian tới, Trung tâm sẽ kết nối các doanh nghiệp để tạo việc làm cho người tự kỷ.
"Tôi muốn nhân rộng tới các tỉnh, thành mà nơi đó phụ huynh có nhu cầu, các Trung tâm đang chăm sóc trẻ nhỏ có nhu cầu làm việc với trẻ lớn và xây dựng những mô hình đó ở địa phương của mình. Mô hình này cần có thêm sự chung tay của các doanh nghiệp của chính phủ để hoàn thiện hơn. Chúng tôi luôn đón nhận những tình yêu thương của các tổ chức để cùng chúng tôi gieo hạt mầm thực sự không được tốt lắm, nhưng bằng tình yêu thương, tôi tin rằng bằng những hành động đó những hạt mầm đó hoàn toàn có được cây tốt trong tương lai", cô Thủy cho hay.
Mỗi ước mơ được gieo mầm sẽ kết thành những trái ngọt. Mỗi yêu thương trao đi sẽ đổi lại những lời cảm ơn tưởng chừng như không thể. Đó là cách mà Trung tâm Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp nghề SEED và các thầy cô nơi đây đang làm trong thời gian qua và tiếp tục trong tương lai.
Nếu các mô hình này nhận được sự quan tâm của Nhà nước, của cộng đồng, của doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thì đó là nguồn cổ vũ giúp các bạn mắc chứng tự kỷ tự tin hòa nhập hơn với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội./.
Theo VOV.VN