Vì sao nhiều nạn nhân bị QRTD không dám lên tiếng trong thời gian dài?
Gần đây, liên tục xảy ra một số vụ lên mạng tố cáo bị cưỡng dâm, xâm hại tình dục. Có thể kể đến vụ việc nữ sinh viên tố cáo Trưởng khoa Đại học Luật cưỡng bức tình dục và bạo lực tinh thần trong thời gian dài. Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì mới đây dư luận lại “dậy sóng” bởi đơn tố cáo nữa của một nữ nhà báo, nhà thơ bị đồng nghiệp của mình quấy rối, xâm hại cách đây 23 năm….
Những vụ việc quấy rối tình dục (QRTD) và tố cáo bị cưỡng bức tình dục gần đây cho thấy, hành vi này có thể diễn ra trong bất kỳ môi trường nào và với bất cứ ai. Nhiều người bị QRTD, XHTD đã không dám nói ra bởi ngại đụng chạm, ngại nói những vấn đề tế nhị, nhạy cảm và cho rằng, nói ra thì xấu hổ hoặc có thể ảnh hưởng đến uy tín, tương lai…
Chính vì vậy, nhiều đối tượng QRTD đã có cơ hội thực hiện hành vi QRTD trong một thời gian dài. Nếu không có ai lên tiếng, không tuyên truyền, phổ biến pháp luật, không phát hiện và xử lý kịp thời thì tình trạng này còn tiếp tục diễn ra.
Nhiều nạn nhân bị QRTD rơi vào tâm lý: không dám tố cáo kẻ quấy rối, xâm hại mình, giữ kín câu chuyện không kể ra với ai trong thời gian dài, thậm chí hàng chục năm; Cảm giác mình là người có lỗi, sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, dẫn đến các hành vi tự hại bản thân. Một số ít người lên tiếng nhưng bị vùi dập, đổ lỗi, bị quy kết về nhân phẩm, tính cách, bị nghi ngờ các động cơ vụ lợi… Câu hỏi được đặt ra, “tại sao nạn nhân không lên tiếng ngay sau vụ việc? Điều gì khiến họ đã bị tổn thương lại càng thêm tổn thương? Điều gì khiến họ trì hoãn hành trình đi tìm công lý?”
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, có rất nhiều lý do khiến nạn nhân phải im lặng và im lặng. Hầu hết nạn nhân ngại ngùng. không tin tưởng vào cách xử lý. Cứ như vậy, nhiều người tiếp tục chịu đựng sự dày vò và vẫn loay hoay tìm kiếm cách để nói ra sự thật.
Bà Hồng đưa ra dẫn chứng, năm 2015, cháu gái 15 tuổi ở Đồng Nai đã phải uống thuốc sâu tự tử vì bạn trai tung clip nhạy cảm của cháu lên mạng và cả cộng đồng xông vào bêu riếu cháu. Năm 2017, cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau tố cáo gã hàng xóm xâm hại cháu nhưng điều tra lại kết luận hắn vô tội, cháu bị mang tiếng với xóm làng nên uất ức uống thuốc sâu tự vẫn. Cháu bé không chết vì bị tên hàng xóm hãm hại nhưng lại bị “giết” bởi dư luận xã hội.
“Trong cuộc nghiên cứu về quấy rối tình dục (QRTD) mà tôi thực hiện năm 1999 cho thấy, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có thể là nạn nhân của QRTD, bất kể hình thức của họ ra sao. Nữ sinh có thể bị quấy rối bởi bạn bè, thầy giáo hoặc những kẻ xa lạ. Phản ứng của cha mẹ khi nghe con gái kể lại thường là mắng mỏ, chất vấn hoặc cấm đoán”, TS.Khuất Thu Hồng cho hay.
Phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết, ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng… Họ có thể bị trêu ghẹo, tán tỉnh, sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí bị tấn công tình dục. Hầu như nạn nhân không được thông cảm, giúp đỡ bởi bất kỳ ai. Nhiều người đã tự nhủ “sống để bụng, chết mang theo”.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng: Đổ lỗi cho nạn nhân là ngăn chặn nỗ lực đi tìm công lý và đẩy nạn nhân đến chỗ tuyệt vọng. Đừng đẩy nạn nhân đến đường cùng bằng những lời đổ lỗi dù vô tâm hay cố ý. Nếu không thể giúp, nếu không muốn đồng hành với họ thì cũng đừng làm họ khổ đau hơn.
Cũng theo bà Hồng, trải nghiệm bị quấy rối, bị xâm hại cực kỳ tồi tệ. Nhưng có lẽ không đáng sợ bằng sự đổ lỗi của dư luận. Đó là những nhận xét kiểu như “muốn nổi tiếng hay sao mà sau bao nhiêu năm mới mở miệng?”, “không có lửa làm sao có khói? hay “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”… Nhiều người phụ nữ bị giày vò bởi cảm giác sợ hãi, tủi hổ, tức giận trong nhiều năm song không dám chia sẻ với ai việc mình bị quấy rối hay xâm hại tình dục vì lẽ đó.
“Hãy để những người phụ nữ lên tiếng và cơ quan chức năng đưa ra kết luận. Cách tiếp cận đổ lỗi cho nạn nhân vô hình trung bịt miệng và làm nản lòng những người muốn đấu tranh vì một xã hội an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người, thậm chí, có thể cản trở luật pháp và những người thực thi pháp luật”, TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Cần có biện pháp xử lý nghiêm với các tội phạm QRTD
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Pháp Chính, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới, đối với các đối tượng xâm hại tình dục được chia làm hai nhóm: Một nhóm là do bệnh lý, nhóm thứ hai là do nhân cách thấp kém, giới hạn đạo đức bị xuống cấp. Với nhóm do bệnh lý thì sẽ can thiệp bằng y học, trong đó có biện pháp thiến hóa học, tiêm hóa chất để làm ổn định khả năng và nhu cầu tình dục, kiểm soát hoạt động tình dục bằng cách chữa bệnh để trở lại trạng thái bình thường.
Còn đối với những người không bị bệnh lý dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm hại tình dục thì nguyên nhân là bởi đạo đức nhân cách thấp kém, ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm, sức khỏe của người khác. Với những đối tượng này thì sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, thường sẽ là chế tài phạt tù.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt thiến hóa học đối với tội phạm xâm hại trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học.
Ở Việt Nam thì hành vi xâm hại tình dục đến mức xử lý hình sự thì chỉ áp dụng chế tài hình sự chứ không có những can thiệp bằng biện pháp y tế. Trước đây khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, nhiều ý kiến đưa ra là cần phải phân loại, với những đối tượng phạm tội do yếu tố bệnh lý tình dục thì cần phải áp dụng biện pháp hành chính là bắt buộc chữa bệnh, cần có can thiệp bằng y tế để giảm nhu cầu tình dục của đối tượng có bệnh lý. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa được thống nhất nên chưa đưa vào luật.
Thực tiễn cho thấy, những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục thường có xu hướng tái phạm do yếu tố bệnh lý hoặc và đạo đức nhân cách thấp kém. Bởi vậy, nếu là do bệnh lý thì dù có giam cầm bao lâu, khi trở về với đời sống xã hội thì người đó vẫn có nguy cơ xâm hại tình dục rất cao so với những người khác. Khi ham muốn bản năng quá lớn và lấn áp lý trí, đạo đức đến mức độ bị bệnh thì rất khó kiểm soát hành vi và rất dễ tái phạm. Bởi vậy, về lâu dài thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu để áp dụng biện pháp hành chính là thiến hoá học để kiểm soát nguyên nhân điều kiện phạm tội giảm nguy cơ xâm hại tình dục ở những người có bệnh lý về tình dục mới đảm bảo an toàn cho xã hội.
"Suy cho cùng mục đích của hình phạt là để cải tạo, giáo dục. Chính sách hình sự của Việt Nam là nhân đạo, hướng thiện và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Nếu phòng ngừa tội phạm tốt thì việc đấu tranh với tội phạm sẽ bớt đi phần vất vả, nếu thực hiện tốt giải pháp phòng ngừa thì sẽ giảm tội phạm và kiểm soát được tình hình tội phạm. Hoạt động giáo dục và hoạt động chữa bệnh là hai hoạt động khác nhau phụ thuộc vào từng nguyên nhân, điều kiện của chủ thể khác nhau. Bởi vậy, hoạt động cải tạo giáo dục không thể thay thế được hoạt động chữa bệnh đối với những người có bệnh lý về tình dục, cần phân biệt rõ hai đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục để có những giải pháp tích cực hơn", Luật sư Đặng Văn Cường cho hay”.
Khi nạn nhân bị QRTD lên tiếng, họ rất cần sự ủng hộ của những người thân, sự đồng cảm, chia sẻ của dư luận xã hội và sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Nhiều người do ảnh hưởng của yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm lý xã hội nên có cái nhìn lệch lạc về việc QRTD, XHTD cũng như có định kiến đối với nạn nhân. Để thay đổi được điều đó, chúng ta phải thực hiện rất nhiều giải pháp, từ giải pháp về chính sách pháp luật, tức là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ danh dự nhân phẩm công dân, phải có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi XHTD./.
Chung Thủy/VOV.VN