Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
Sau 10 năm làm công nhân cho một Công ty may ở Hà Nội, chị Trần Thị Dương quyết định nghỉ việc, nhận BHXH một lần với số tiền gần 60 triệu đồng để lo trang trải khó khăn trước mắt của gia đình: “Ở Công ty này không đến nỗi quá vất vả nhưng công ty gặp khó khăn, lương chậm lắm, có những khi 2-3 tháng mới trả lương một tháng. Nhà có mấy cháu đang tuổi ăn học. Bây giờ cũng không biết mình sống được bao lâu, công việc thì bấp bênh. Nhiều lúc nghĩ sau này già, không đóng BHXH thì trông mong vào đâu, cũng chẳng vui vẻ gì”.
Trường hợp của Trần Thị Dương là một trong hàng trăm nghìn trường hợp người lao động xin rút BHXH một lần thời gian gần đây. Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2016 đến 2020 có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần, mỗi năm trung bình có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Cứ hai người mới tham gia vào hệ thống BHXH thì một người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 đến 29 tuổi.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn thực hiện trong tháng 3 năm 2022 với hơn 1.500 người lao động cho thấy, hơn 56% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống. Nhiều người lao động phải vay tiền chi tiêu và rất nhiều người lao động không đủ sống phải rút BHXH một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội, không có nguồn thu nhập hàng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp.
Ông Lê Đình Quảng cho biết: “Chúng ta cũng cần phải tăng cường tuyên truyền cho người lao động, những người tham gia BHXH hiểu rõ, tránh có tình trạng, tránh có những phản ứng không tốt, ảnh hưởng đến quan hệ lao động cũng như an ninh trật tự. Chúng ta phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là quan tâm đến nâng cao thu nhập, đời sống, tiền lương, tiền công cho người lao động. Khi họ có quan hệ lao động thì tiền lương của họ vừa đảm bảo cuộc sống, có phần tích lũy để khi có những rủi ro, không có việc làm thì họ còn có điều kiện để duy trì cuộc sống, để tiếp tục tham gia BHXH, hưởng chế độ BHXH hưu trí lâu dài”.
Trước thực trạng người lao động rút BHXH một lần gia tăng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, việc tuyên truyền về chính sách chưa đầy đủ khiến người lao động chưa hiểu hết chính sách nhân văn của việc tham gia BHXH. Bên cạnh đó, có những đối tượng lợi dụng cơ hội để mua bán, trao đổi sổ BHXH của người lao động.
“Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào thực tế là một bộ phận người dân có cuộc sống còn rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Riêng việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thôi, trong các cuộc họp, tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi đều cảnh báo và đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp, không trả lương được tất cả thì phải giữ được BHXH cho người lao động, giữ được mức lương cơ bản”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nói.
Để tạo điều kiện cho người lao động sớm được hưởng lương hưu, theo Nghị quyết 28 của Trung ương năm 2018 về cải cách chính sách BHXH, thời gian đóng BHXH ít nhất để được hưởng lương hưu có thể giảm từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Sắp tới, Chính phủ sẽ sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Luật việc làm để sửa đổi các quy định theo Nghị quyết của Trung ương. Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH (trong đó có BHXH tự nguyện) người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nêu rõ, khi tham gia BHXH, người lao động không những được hưởng chế độ lương hưu khi về già mà còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác: “Ngành BHXH đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ với phương châm đưa chính sách đến doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất với hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, BHXH VN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan thông tấn, báo chí tập trung đẩy mạnh truyền thông đa dạng, linh hoạt để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, các gói hỗ trợ của Chính phủ, lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội”.
BHXH Việt Nam cũng khuyến nghị, người lao động không chọn hưởng BHXH một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ BHYT (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già./.
Kim Thanh/VOV1