Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, chuyển đổi số quốc gia và công nghệ số giúp hình thành tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, biến nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngày 15/4, Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các Trường đại học, Viện nghiên cứu tổ chức Hội nghị toàn quốc khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường lần thứ IV - EME 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số và công nghệ số trong Khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường” (Digital Transformation and Technology in Earth Sciences, Mining and Environment, DIGITAL EME 2021).
Đây là Hội nghị được Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ tổ chức hằng năm nhằm công bố kết quả nghiên cứu, tập hợp trí tuệ, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp phù hợp giải quyết những vấn đề cấp bách trong một số lĩnh vực trọng yếu về nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và TP.HCM.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, hội nghị lần này lựa chọn chủ đề có tính thời sự cao, phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Việc quy tụ được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học Trái Đất, Mỏ, Môi trường cũng như liên kết các bộ môn khoa học cơ bản như địa chất, khí tượng, thuỷ văn, hải văn, môi trường sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nghiên cứu toàn diện các quy luật tự nhiên của Trái Đất.
Thông qua hội nghị này sẽ nhận được nhiều ý kiến tham luận, thảo luận khoa học có tầm trí tuệ và hiểu biết sâu sắc, cống hiến các giải pháp hữu hiệu để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tiến tới tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, biến nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ngành khoa học Trái đất, Mỏ và Môi trường ra đời và phát triển cùng với sự tiến hóa của xã hội, có ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ các hoạt động sinh sống và phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ các ngành này là tiền đề cho nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng khác, là công cụ để thúc đẩy các tiến bộ công nghệ trên thế giới. Tận dụng được các lợi thế của xu hướng toàn cầu hóa, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), Việt Nam đã đi tắt, đón đầu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa để đến năm 2030 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… Những thách thức này đòi hỏi nước ta cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, tạo ra một sức mạnh mới, một lực đẩy mới nhằm hạn chế tối đa những tác động không mong muốn từ tự nhiên.
Trong những giải pháp đó, vai trò của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực rất quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực từ liên ngành khoa học Trái đất, Mỏ và Môi trường nhằm tạo ra nền tảng tri thức, căn cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp cho việc sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và duy trì tính bền vững của trái đất.
Khoa học và công nghệ Trái đất - Mỏ - Môi trường (EME) là nền tảng, giải pháp để đạt hầu hết các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp, chống chịu cao, chủ động ứng phó với biến đổi toàn cầu.
Trao đổi về chủ đề khoa học trái đất - mỏ - môi trường đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, chuyển đổi số hướng tới một xã hội phát triển bền vững, an toàn và thịnh vượng, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra một môi trường số hoá trong tất cả các lĩnh vực của đời sống; xu hướng chuyển đổi số và công nghệ số đã thay đổi tư duy truyền thống sang tư duy số.
Môi trường số tạo nhiều cơ hội sáng tạo mới, làm thay đổi phương thức khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên theo phương thức truyền thống của xã hội loài người. Với xu hướng này, bên cạnh việc phát huy vai trò to lớn nguồn lực khoa học và công nghệ của lĩnh vực Trái đất - Mỏ - Môi trường cũng đặt ra những thách thức cơ bản đòi hỏi cần đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trái đất - Mỏ - Môi trường.
Đề cập đến mô hình số 3D khối đá phục vụ đánh giá ổn định bờ mỏ, áp dụng đánh giá ổn định bờ mỏ với mô hình than Khe Sim, Quảng Ninh, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, đất đá trên bờ trụ vỉa than Khe Sim rất phức tạp nhưng được mô tả đầy đủ thông qua mô hình số. Trên cơ sở đó, các giải pháp kỹ thuật, phương án đề xuất điều chỉnh thông số hình học bờ mỏ là vừa cắt trụ hoặc không cắt trụ vỉa than và để lại chiều cao tầng tối đa là 60m để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn khai thác mỏ lộ thiên.
Chia sẻ về vấn đề dự báo khai thác dầu khi sử dụng thuật giải di truyền (GA) dựa trên việc huấn luyện mạng nơ-ron hồi quy có bộ nhớ ngắn hạn định hướng dài hạn mô hình LSTM, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) thông tin, nghiên cứu này đã phát triển một mô hình dự báo tích hợp giữa thuật giải di truyền (GA) và mạng nơ - ron hồi quy LSTM. Trong các kế hoạch nghiên cứu trong tương lai, tiến hành nghiên cứu hiệu suất của mô hình DLSTM trong các vấn đề dự báo khác, đặc biệt là trong các trường hợp bao gồm dữ liệu chuỗi thời gian đa biến.
Tại hội nghị này, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cho 8 ứng viên của Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ năm 2021, đồng thời khánh thành Văn phòng Hội đồng Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - Mỏ - Môi trường và Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM về công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, xây dựng nguồn nhân lực./.
Hội nghị toàn quốc khoa học Trái đất, Mỏ, Môi trường lần thứ IV - EME 2021 đã thu hút được 50 báo cáo của các nhà khoa học, nhà quản lý trong toàn quốc, trong đó có 41 báo cáo đã được phản biện, biên tập và in trong kỷ yếu hội nghị. Đây là những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong thực tế của các ngành khoa học Trái đất - Mỏ - Môi trường. Trong đó, có một số nghiên cứu đã được thử nghiệm, đánh giá và đúc rút từ thực tiễn đời sống xã hội trong các lĩnh vực địa chất, khai thác khoáng sản, kinh tế và quản lý đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn, bản đồ và hệ thông tin địa lý.
|
Văn Ngân/VOV.VN