Hoạt động logistics trong những năm gần đây gia tăng mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Ngành logistics tăng trưởng mạnh trong khi nhân lực cho ngành còn thiếu, đặc biệt là thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực này.
Nhu cầu về nhân lực logistics của doanh nghiệp
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp (DN) logistics đang rất lớn. Tuy nhiên, các DN lại gặp khó khi tuyển dụng nhân lực logistics. Có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc khó tuyển dụng nhân lực logistics được các DN chỉ ra là từ phía thị trường lao động, doanh nghiệp và người lao động, trong đó, nhóm nguyên nhân từ phía người lao động có tác động mạnh nhất do không đáp ứng được yêu cầu của DN về kiến thức và kỹ năng chuyên môn, thiếu đam mê công việc, khả năng ngoại ngữ và làm việc nhóm hạn chế, thiếu kinh nghiệm làm việc và thiếu chứng chỉ nghề nghiệp cần thiết.
PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, trình độ và chất lượng nhân lực logistics hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, hầu hết các DN phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Một số DN logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics để đảm bảo mục tiêu phát triển của DN như Tân Cảng Sài Gòn, ALS, U&I Logistics…
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của VLA là lựa chọn hàng đầu của các DN khi có nhu cầu đào tạo nhân lực logistics trong ngắn hạn. DN cũng thường gửi nhân viên đào tạo tại các công ty cung cấp dịch vụ đào tạo nhân lực logistics; đưa nhân viên tham gia các chương trình đào tạo lấy chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế của FIATA, IATA; cử nhân sự logistics đi đào tạo ngắn hạn hoặc tham quan, khảo sát tại nước ngoài hoặc mời chuyên gia về đào tạo ngay tại DN để đảm bảo chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế.
Điều đáng nói là, việc cử nhân lực logistics tham gia các chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng và đại học là lựa chọn cuối cùng của các DN bởi chương trình đào tạo tại các trường luôn là các khóa học dài, nội dung giảng dạy chưa theo kịp thực tiễn, chưa đào tạo được các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho người học.
Thực trạng đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics đang được các trường đại học và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. TS. Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng Ban Truyền thông VALOMA cho biết, tính đến tháng 10/2021, cả nước có 49 trường đại học đào tạo ngành/chuyên ngành logistics. Tại các trường đại học hiện nay, đào tạo ngành/chuyên ngành logistics đang được triển khai theo nhiều hình thức từ chương trình đào tạo đại trà, chương trình chất lượng cao hoặc chương trình tiên tiến, chương trình tài năng, chương trình tích hợp do trường đại học nước ngoài cấp bằng. 24,4% số trường đại học đang đào tạo ngành/chuyên ngành logistics đã đầu tư phòng mô phỏng hoặc phòng thực hành (máy tính) hoặc phần mềm quản lý kho, quản lý vận tải, phần mềm mô phỏng khác... để phục vụ công tác đào tạo và tăng cường tính thực tế cho sinh viên. Gần đây, nhiều trường đã chú trọng tăng cường hoạt động tham quan, khảo sát tại DN cho sinh viên trong quá trình đào tạo nhằm giúp sinh viên có thể tiếp cận ngay với thực tế hoạt động logistics tại DN sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường cũng thường xuyên tổ chức những khoá đào tạo ngắn hạn để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đa dạng các đối tượng. Các trường cũng chú trọng kết nối với những DN phủ hết các lĩnh vực của logistics: đường biển, đường sắt, đường hàng không, các DN cung ứng công nghệ trong lĩnh vực logistics, tổ chức các hoạt động sản xuất thực tiễn tại DN; mời các DN đến giảng dạy trực tiếp cho SV và trao đổi với giáo viên, mang lại cho thầy cô nhiều kiến thức thực tiễn.
TS. Nguyễn Văn Thiện, Hiệu Phó trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh: “Để nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, có đủ trình độ chuyên môn, thì việc tăng cường hợp tác, kết nối giữa các trường đại học và DN là yêu cầu cấp thiết. Hoạt động đào tạo trong lĩnh vực logistics cần phải tăng cường kỹ năng, kiến thức thực tiễn nhiều hơn để có khả năng thích ứng với những biến động trên thực tế”.
Tuy nhiên, các trường đang gặp những khó khăn trong quá trình đào tạo sinh viên ngành logistics. TS. Lê Thị Mỹ Ngọc, Quyền Trưởng Khoa Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, ĐH Đại Nam cho hay: Các cơ sở đào tạo định hướng đào tạo theo hướng trải nghiệm thực tiễn. Thế nhưng khi đưa sinh viên vào DN thực tập để các em được trải nghiệm thực tiễn thì không phải DN nào cũng sẵn sàng tiếp đón SV bởi chưa có quy trình tiếp đón, chỉ dẫn, hướng dẫn SV tham gia lao động. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp hỗ trợ để các cơ sở đào tạo có thể thực hiện được chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng một cách tốt nhất. Ngoài ra, các trường cũng thiếu kinh phí, nguồn nhân lực, thiếu tài liệu tham khảo để thực hiện chương trình đào tạo. TS. Lê Thị Mỹ Ngọc nhấn mạnh: “Các DN có thể đưa ra các yêu cầu tuyển dụng nhân lực đối với cơ sở đào tạo để chúng tôi căn cứ vào đó đào tạo sản phẩm đạt chuẩn đầu ra”.
Doanh nghiệp lên tiếng
Mặc dù các trường đã rất nỗ lực trong việc gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn, giúp sinh viên ra trường mất ít thời gian hơn nếu phải đào tạo lại, nhưng nhiều đại diện DN vẫn băn khoăn trước chương trình đào tạo hiện nay có thực sự đáp ứng yêu cầu của công việc.
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược của Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel Post cho rằng, các trường không nên dạy các em giới hạn ở một phần mềm nào đó bởi các DN có thể sử dụng, thay đổi nhiều phần mềm khác nhau và như thế, khi sinh viên ra trường sẽ không tìm được việc làm ở những DN lớn. Hơn nữa, việc các trường xây dựng những mô hình mô phỏng thiết bị, container, xe đầu kéo, tàu biển… thì đó không phải là điều DN cần. Chúng tôi chỉ cần dẫn các em sinh viên đi xuống cảng trong vòng nửa tiếng là các em sẽ biết. Nếu mô hình mô phỏng của các trường chỉ mang tính chất giới thiệu thì có thể giới thiệu bằng video clip 360 độ cho các em nhìn thấy sẽ hợp lý hơn. Điều cần là các trường xây dựng chương trình, bài giảng, khóa học phù hợp với nhóm DN mà trường hướng tới khi đào tạo sinh viên để đào tạo cho trúng đích.
Cùng chung quan điểm, bà Phan Thanh Bình, Phó TGĐ Công ty Kargo365 nêu: Các cơ sở đào tạo nên xây dựng giáo trình theo định hướng nghề nghiệp và tư duy hệ thống để ra trường SV sẽ làm được việc ngay; đồng thời cần đánh giá đúng tác động của các xu hướng xã hội, kinh doanh và công nghệ đến nhu cầu nhân lực logistics để xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu trong tương lai. Tăng cường tư vấn nghề nghiệp để hướng sinh viên thêm yêu nghề logistics, thực hiện đam mê của mình đối với ngành logistics theo lĩnh vực phù hợp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ, giáo dục hướng nghiệp, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập... để thu hút người học có chất lượng vào ngành logistics. “Đối với sinh viên, cần phải xác định định hướng nghề nghiệp dài hạn, đam mê với công việc và có sự chuẩn bị từ trước. DN cần cả những nhân lực có kỹ năng nghiên cứu và nhân lực có kỹ năng thực hành và SV phải đưa được mình vào một mắt xích nào đó của DN”, bà Phan Thanh Bình nói./.
Các cơ sở đào tạo ngành logistics kiến nghị VALOMA tạo ra hệ sinh thái kết nối DN - nhà trường - người học nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn lực và chi phí trong đào tạo. Bên cạnh đó, gắn kết các trường có đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng để hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng trong lĩnh vực Logistics. Công nhận tín chỉ giữa các cơ sở đào tạo để giúp người học có được nhiều trải nghiệm ở các môi trường học tập khác nhau.
|