Hoạt động như taxi, khác điều kiện kinh doanh
Luật GTĐB năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Theo đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe.
Năm 2016, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe Uber, Grab, sau đó là Be, Go-Viet, FastGo đã tạo ra sự cạnh tranh sôi động chưa từng có trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe dưới 9 chỗ.
Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống.
Trong khi taxi phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này.
Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.
Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), việc cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.
Quy định này không chỉ “gộp” tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi, thậm chí có thể có 3 loại taxi. Loại thứ nhất là có mào và không ứng dụng công nghệ; loại thứ 2 là có mào và ứng dụng công nghệ; loại 3 là ứng dụng công nghệ và không cần mào. Miễn sao phải cùng dán nhận diện xe taxi để hòa đồng cùng một điều kiện. Khi muốn không cho đi vào phố cấm chỉ cần quy định taxi mà không cần thêm vào xe hợp đồng dưới 9 chỗ.
Việc này sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường và sẽ giải quyết dứt điểm bất cập của 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ hiện nay.
Cùng là taxi sẽ giải quyết được bất cập
Theo lãnh đạo Vụ Vận tải, chính vì có sự tương đồng trong cách thức hoạt động nên dự thảo Luật GTĐB sửa đổi ghép xe hợp đồng dưới 9 chỗ vào taxi để đưa về cùng một điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, doanh nghiệp taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống và xuất hiện nhiều phương thức trợ giúp người dùng đặt taxi, đặt xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ thông qua các thiết bị thông minh.
Trong khi đó, loại hình xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử và taxi đang có chiều hướng ngày một phát triển mạnh.
Vì vậy, cần phải sửa đổi quy định về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải thực hiện “cước tính theo đồng hồ tính tiền”. Đồng thời, phải có quy định để làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp, ứng dụng và sử dụng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải.
Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới.
Theo đó, loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi.
Việc này để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng./.
Phi Long/VOV.VN