Chuyển Covid-19 từ nhóm A sang B: Không nóng vội nhưng cũng đừng quá cầu toàn

Theo các chuyên gia, việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang B cần có quá trình đánh giá lại thực tế và có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A

Trước đó, ngày 17/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP quy định về chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Trong Nghị quyết có chỉ đạo, căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá khả năng kiểm soát của hệ thống y tế và tình huống xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, Bộ Y tế cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm càng tốt. Bởi theo ông, việc để Covid-19 ở nhóm A thời điểm này không còn phù hợp với hiện tại và rất phiền hà.

Theo ông Hùng, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được áp dụng như khai báo y tế, cách ly, khoanh vùng… đã được Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện trước đây không còn phù hợp trong giai đoạn thực tế. Thêm vào đó, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở mũi 2 mà đã được bổ sung tăng cường thêm mũi 3, 4 và vaccine đang phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua khi số ca chuyển nặng và tử vong thấp.

“Những biện pháp phòng chống dịch hiện nay không còn phù hợp với biến thể Omicron nữa. Thực tế cho thấy con số mắc Covid-19 của người dân vẫn đang rất cao nhưng hầu hết không có vấn đề gì. Điều này cho thấy không phải do công tác chống dịch của mình tốt hơn trước mà do bản chất của chủng Omicron nhẹ, không xâm nhập vào phổi nhiều và cũng không gây ra tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, các cơ sở y tế cũng không gặp tình trạng quá tải”, TS. Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng Nghị quyết đưa ra nghiên cứu là rất hợp lý, khách quan.

“Chúng ta cần phải nghiên cứu để đánh giá xem hiện nay dịch ở mức độ nào thì chúng ta đưa về mức độ đó. Nếu nghiên cứu các vấn đề liên quan như: số ca chuyển nặng và tử vong do mắc Covid-19 có còn cao không? Có quá tải hệ thống y tế không? Dịch bệnh Covid-19 còn bùng phát mạnh hay không, có xuất hiện biến chủng mới nữa không? Dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, an sinh của người dân hay không?... Nếu thấy rằng các yếu tố này đạt được các yêu cầu thì chúng ta chuyển sang nhóm B để không còn phải tốn kém khi phải đầu tư quá lớn trong phòng chống dịch”, PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết.

Kế hoạch ứng phó linh hoạt với Covid-19

Khi chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang B thì kế hoạch phòng, chống dịch sẽ phải điều chỉnh phù hợp. Đó là việc điều chỉnh việc giám sát, xét nghiệm diện rộng, cách ly tập trung cũng như quản lý ca bệnh. Lúc đó, các giải pháp đưa ra sẽ không còn nghiêm ngặt như ở nhóm A nữa, do đó các quy định như hạn chế tập trung đông người, cách ly, miễn phí điều trị F0… sẽ không còn được áp dụng.

Ngoài ra, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khi chuyển Covid-19 sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.

Bởi theo ông, theo quy định hiện nay, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh sẽ như với các bệnh lý khác, có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Trong khi đó theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang B, tức là chuyển từ phương thức quản lý hành chính áp đặt sang đề cao vai trò, ý thức của từng cá nhân, cá thể.

“Do đó bản thân người mắc Covid-19 phải có ý thức trong vấn đề phòng vệ cá nhân. Tức là phòng vệ cho người trong gia đình với nhau, giữa người với người ngoài cộng đồng. Khi một người bị nhiễm SARS-CoV-2, phải có ý thức mang khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế đến những nơi đông người”, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết.

Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Hùng cũng cho biết thêm cơ quan giám sát của Bộ Y tế phải tăng cường giám sát các chủng virus Covid-19 mới để có chức năng cảnh báo và có kế hoạch ứng phó phù hợp. Chú ý phát hiện các chủng virus nội sinh ở Việt Nam hoặc thâm nhập từ nước khác. Với những chủng đặc biệt nguy hiểm, gây tử vong nhiều cần có kế hoạch linh hoạt chuyển đổi các biện pháp phòng chống dịch từ A sang B và ngược lại phù hợp với tình hình mới.

Theo các chuyên gia, hiện nay cần phải có đánh giá cả về chuyên môn, đánh giá cả về sự ảnh hưởng của nó đến an sinh xã hội và kinh tế cho phù hợp. Không vì quá nóng vội mà chuyển từ A sang B, nhưng cũng không vì quá chặt chẽ mà không chuyển từ A sang B khi đã hội đủ các điều kiện./.

Nguyễn Hà/VOV.VN
 

Bình luận

    Chưa có bình luận