Hàng loạt tàu cá công suất lớn nằm bờ la liệt vì sợ lỗ do giá dầu cao kỷ lục

Giá dầu tăng chóng mặt, khiến chi phí mỗi chuyến vươn khơi tăng cao, vì thế, ngư dân đành để những con tàu công suất lớn nằm bờ vì sợ đi là lỗ.

 

Trong thời gian qua, dọc theo các huyện ven biển của Nghệ An như Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Hoàng Mai nơi có số lượng lớn tàu cá công suất lớn, mặc dù đang trong mùa đánh bắt nhưng hiện tại các cảng, lạch hình ảnh thường thấy chính là hàng trăm tàu thuyền nằm bờ “nghỉ ngơi”. Nguyên nhân chính là bởi giá xăng dầu tăng đến chóng mặt, liên tục lập đỉnh trong thời gian qua, khiến chi phí mỗi chuyến vươn khơi tăng cao, sợ đi là lỗ nên họ đành để tàu nằm nhà.

Tại khu vực Lạch Thơi xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, dù trời yên biển lặng nhưng hàng trăm chiếc thuyền xếp hàng ngay ngắn nằm bờ khiến ai cũng xót xa. Những chủ tàu lo đến cháy ruột vì nếu không vươn khơi, nghỉ dài ngày thì các bạn thuyền (người lao động) sẽ bỏ, đến khi giá dầu hạ muốn vươn khơi cũng không có đủ thuyền viên. Bỏ 5 - 7 tỷ để đóng tàu, mua sắm ngư cụ, giờ tiền vốn vay ngân hàng còn chưa trả hết, tàu nằm tại bến không có thu nhập còn phải gánh khoản lãi ngân hàng khiến họ rất lo lắng.

Sắm còn tàu công suất hơn 900CV cách đây 5 năm, lần đầu tiên con tàu công suất lớn của anh Trương Văn Phúc (trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) phải “nghỉ ngơi” một cách bất đắc dĩ trong suốt hơn 2 tháng qua. Anh cùng các thuyền viên tranh thủ thời gian rảnh rỗi tu sửa con tàu, cũng như các ngư cụ.

Những con tàu công suất lớn đã “nghỉ ngơi” tại cảng suốt 2 tháng qua ở khu vực cảng cá xã Tiến Thủy.

Trước đây mỗi chuyến ra khơi 17 - 20 ngày thì cũng chỉ cần bơm khoảng 50 - 55 triệu tiền dầu, giờ giá dầu cao quá, muốn đi cũng phải gần mất 65 - 80 triệu đồng. Ngoài ra các mặt hàng khác cũng tăng, vì thế chi phí rất lớn. Anh em cũng tính toán với nhau rồi, nếu vẫn thu nhập như các ban (mỗi chuyến ra khơi) thì lỗ là cái chắc. Vì thế anh em đều đồng ý tạm nghỉ một thời gian, nếu giá hải sản tăng hoặc giá dầu giảm bớt đi mà có lãi thì mới ra khơi.

Cũng như anh Phúc nhiều chủ tàu khác cũng trong cảnh ngán ngẩm, lo đến cháy ruột gan khi buộc phải để tàu nằm bờ. Họ là chỗ dựa của nhiều thuyền viên khác, giờ không ra khơi thì tất cả cũng không có công ăn việc làm, những ngư dân quen với cuộc sống trên biển với những mẻ lưới đầy ắp cá cũng đã nghĩ đến việc chuyển nghề.

Việc tàu thuyền nằm bờ, đã kéo theo lượng thủy sản cập cảng giảm nghiêm trọng. Những cảng cá vốn tấp nập với cảnh trên bến dưới thuyền đầy những khay cá tươi rói, giờ đìu hiu vắng lặng đến lạ. Vì thế tàu nằm bờ không chỉ khiến các thuyền viên mất việc mà những ngành nghề “ăn theo” cũng bị “đóng băng”.

Chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi, trong đó giá dầu “ăn” rất lớn khiến ngư dân không dám vươn khơi vì sợ lỗ.

Tại khu vực cầu Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu hàng dài những con tàu “khủng” nhiều tháng qua vẫn nằm sát vào nhau nghỉ ngơi. Khu vực cảng cá ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu nơi nhộn nhịp nhất ở Nghệ An giờ đìu hiu, không còn cảnh tấp nập buôn bán. Không còn những chiếc xe đông lạnh cỡ lớn đỗ hàng dài chờ “ăn hàng” từ các con tàu lớn trở về sau mỗi chuyến vươn khơi dài ngày.

Phía dưới cảng những con tàu lớn với những dàn bóng câu, ngư cụ hiện đại đang neo đậu cố định. Thậm chí có những chủ tàu đã nghĩ đến việc chấp nhận lỗ để thanh lý tàu cùng các ngư cụ.

Bà Hồ Thị Tình (42 tuổi, trú tại xã Tiến Thủy) chia sẻ, gia đình bà cùng với nhiều anh em bạn thuyền chung vốn đóng con tàu mua sắm ngư cụ với tổng giá trị hơn 7 tỷ đồng, sau 2 tháng nằm bờ tất cả đều đồng ý bán tàu với giá hơn 1 tỷ đồng, dù chấp nhận lỗ.

“Chiếc tàu này là 11 người góp vốn với nhau, mỗi chuyến biển tổng thu 160 triệu, trong đó chi phí xăng dầu đã 100 triệu, các chi phí khác tầm 30 triệu, nếu tính cả hao mòn máy móc sẽ hòa vốn, nếu còn dư thì cũng may mắn lắm là khoảng 2 triệu/1 người. Còn nếu không may thì về anh em lại cùng nhau chia lỗ”.

Nhiều ngư dân đã nghĩ đến việc chuyển đổi nghề, hay xin đi xuất khẩu lao động. Lãnh đạo UBND xã Sơn Hải cho biết: Vì giá xăng, dầu tăng cao khiến các hoạt động đánh bắt hải sản, nghề cá của địa phương giảm sút. Nhiều tháng nay, tàu thuyền của ngư dân trong xã phải nằm bờ, chi phí xăng dầu đã vượt khả năng của mỗi chuyến đi. Chúng tôi cũng không biết làm gì ngoài đề xuất cấp trên có chính sách phù hợp cho ngư dân có cơ hội bám biển.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có hơn 3.400 tàu thuyền. Trong đó có hơn 1.000 chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên trong hai năm qua, ngư dân cũng như hoạt động nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác trong tháng 1/2022 đạt 12.159 tấn (giá trị ước đạt 237,32 tỷ đồng). Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 11.638 tấn. Trong năm 2022 Nghệ An đặt kế hoạch khai thác 175.000 tấn hải sản.

Giá xăng dầu vẫn đang ở “đỉnh”, những con tàu vẫn nằm bờ, bà con ngư dân cũng mong muốn sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp với ngư dân để họ yên tâm bám biển, hoạt động sản xuất./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận