Dữ liệu căn cước công dân chưa đồng bộ, vướng thủ tục trong nhiều giao dịch

Đã có hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp cho người dân từ 14 tuổi trở lên.

 

Tuy vậy, việc đồng bộ hóa dữ liệu từ thẻ căn cước công dân gắn chip vẫn khá chậm chạp, khiến người dân vẫn phải kê khai các thông tin cá nhân mỗi lần thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Cần làm gì để đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hóa, khai thác tối đa nguồn dữ liệu này?

Tại bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, chỉ việc xuất trình căn cước công dân gắn chip, anh Phan Đăng Kiên, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã hoàn thành việc đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế, bởi những thông tin cá nhân đã có sẵn, thay vì phải kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế mỗi lần đến các bộ phận khác nhau như trước đây:Rất thuận tiện trong khám chữa bệnh, giúp chúng tôi không phải mang theo và quản lý nhiều loại giấy tờ".

Để có sự thuận tiện này, trước đó Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dữ liệu quốc gia về dân cư, nhờ vậy, nhiều bệnh nhân đến khám, và chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba đã được rút ngắn thủ tục kê khai bằng việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip.

Bác sĩ Hoàng Đức Bách, trưởng khoa khám bênh, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba cho biết: “Bệnh nhân đến khám sẽ không phải phiền hà vì phải đem theo những giấy tờ tùy thân có ảnh cộng với thẻ bảo hiểm y tế".

Tuy vậy, khá nhiều lĩnh vực vẫn chưa thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu căn cước công dân gắn chip, khiến người dân mỗi lần thực hiện thủ tục hành chính phải khai thông tin cá nhân từ đầu.

Tại bộ phận 1 cửa Khu Liên cơ của TP.Hà Nội (258 Võ Chí Công), người dân đều phải kê khai thông tin cá nhân, photo chứng minh thư để làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính của các Sở, ngành. Vừa kê khai thủ tục đổi giấy phép lái xe, anh Bùi Văn Tính (ở Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Tích hợp được vào cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nó sẽ rất thuận lợi khi chỉ việc quét mã trên căn cước công dân thôi thì tất cả thông tin của người dân được hiển thị ra thì đỡ được nhiều thủ tục, ví dụ photo chứng minh thư hay các giấy tờ liên quan không phải rườm rà như vậy".

Khá nhiều lĩnh vực vẫn chưa thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu căn cước công dân gắn chip, khiến người dân mỗi lần thực hiện thủ tục hành chính phải khai thông tin cá nhân từ đầu.Tương tự, anh Nguyễn Thái Bảo, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm cũng phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ khi đến phường thực hiện thay đổi địa chỉ cư trú: “Em đến họ chỉ đưa cho một cái đơn, em viết vào đơn và đưa cho họ. Nếu như mình chỉ cần cầm cái này đến là xong việc thôi chứ không phải photo nhiều giấy tờ ra nữa".

Một lãnh đạo UBND phường Mỹ Đình 2 thừa nhận, đến thời điểm này đơn vị vẫn chưa thực hiện đồng bộ hóa để khai thác dữ liệu căn cước công dân gắn chip phục vụ giải quyết thủ tục hành chính: "Giải quyết thủ tục hành chính thì hiện tại cũng chưa có văn bản hướng dẫn. Khi áp dụng cái đấy sẽ rất thuận tiện cho người dân và trong quá trình kiểm soát hồ sơ, sẽ giảm tải những giấy tờ khác liên quan để kẹp vào".

Đại diện bộ phận 1 cửa, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, với khoảng 700 hồ sơ hành chính mỗi ngày, đến thời điểm này, người dân vẫn phải kê khai thông tin cá nhân bằng viết tay, đơn vị tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra, cập nhật dữ liệu từng hồ sơ, mất rất nhiều thời gian và khó tránh khỏi sai sót: “Phải kiểm tra lại số căn cước công dân, về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ… tức là cán bộ một cửa lại phải kiểm tra và có thể phải nhập lại. Nếu có dữ liệu điện tử thì cán bộ một cửa hoàn toàn không phải nhập lại việc đó nữa, như thế sẽ có độ chính xác cao hơn bởi vì người ta nhập hàng ngày hàng trăm bộ hồ sơ thì sai sót là khó tránh khỏi".

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của nhiều bộ, ngành như Y tế, thuế, bảo hiểm xã hội, điện lực, phần mềm PC Covid…

Việc kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu giúp các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ không phải in ấn lưu trữ giấy tờ một cách hiệu quả, Nói về tiến độ mở rộng áp dụng dữ liệu căn cước công dân điện tử, thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho biết: "Trong tháng 3 này chúng tôi sẽ dự kiến thí điểm về cấp định danh điện tử, tới đầu tháng 4 sẽ triển khai mở rộng trên toàn quốc về cấp định danh điện tử và trong hệ thống định danh điện tử và xác thực điện tử, thực hiện qua nhiều hình thức gắn với dữ liệu căn cước công dân, thứ 2 thực hiện theo hình thức trực tuyến để đảm bảo việc đăng ký định danh điện tử của người dân, giúp người dân sớm có định danh điện tử để thực hiện các giao dịch hành chính".

Theo đại diện Bộ Công an, thời gian tới, các lĩnh vực khác như bảo hiểm an sinh xã hội, tài chính, ngân hàng cũng sẽ được tích hợp dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip để thực hiện các giao dịch hành chính.

Dữ liệu căn cước công dân điện tử được coi là kho dữ liệu khổng lồ, chính xác của công dân từ 14 tuổi trở lên. Tuy vậy, việc chậm đồng bộ hóa đến các Bộ, ngành khiến kho dữ liệu này chưa thực sự đóng góp nhiều vào việc giảm tải trong công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, cả cho người dân và cơ quan quản lý.../.

Đừng để phí tài nguyên đã số hóa

Đến cuối tháng 10/2021, hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip đã được cấp đến tay người dân. Đây là kho dữ liệu khổng lồ về nhân thân của người được cấp, từ những thông tin cơ bản của cá nhân như: họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú… đến một số thông tin về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức…

Mặc dù Nghị quyết 06 của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dư liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra yêu cầu trong năm 2022 phải hoàn thành lộ trình thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tuy vậy, đến thời điểm này, ngoại trừ thủ tục khám, chữa bênh bằng bảo hiểm y tế đang được áp dụng thử nghiệm, dữ liệu số lượng mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên phần mềm PC-Covid và VNEID của Bộ Công an.

Trong khi đó, phần lớn thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến người dân vẫn chưa được thực hiện. Tình trạng người dân ngồi kê khai giấy tờ tại bộ phận 1 cửa của UBND các quận, huyện, phường xã và của các Sở ngành đã cho thấy điều đó.

Mặc dù Bộ Công an đã có lộ trình từng bước mở rộng việc tích hợp dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip cho các Bộ, ngành, song để đẩy nhanh tiến trình đồng bộ hóa, cần sớm thực hiện trên cơ sở dữ liệu có đến đâu thì đồng bộ đến đó; khoanh vùng các dữ liệu dùng chung và cấp quyền cho các lĩnh vực khai thác.

Mặt khác, cần có có lộ trình cụ thể với quyết tâm cao để từng bước đồng bộ dữ liệu, tránh sự trễ hẹn và không có mốc thời gian như việc trả căn cước công dân gắn chip, gây rất nhiều phiền toái, khó khăn cho người dân và các hoạt động kinh tế- xã hội, vừa lãng phí lớn về dữ liệu, vừa làm chậm quá trình số hóa các lĩnh vực khác.

Trong quá trình chờ đồng bộ hóa, cần có các hướng dẫn, hỗ trợ người dân do vướng mắc về thủ tục giấy tờ trong quá trình chuyển đổi sang dữ liệu số, tránh để người dân và doanh nghiệp tự xoay sở.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng mức phí khai thác dữ liệu, phân định rõ hạng mục nào, đơn vị nào được sử dụng miễn phí, cái nào phải trả phí, từ đó tạo nguồn thu để xây dựng, duy trì, quản trị dữ liệu một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 06/2021, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thời gian hoàn thành danh mục sản phẩm được khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; và Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí từ khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là trong tháng 1 và tháng 3/2022.

Đặc biệt, ngoài trách nhiệm của Bộ Công an – đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, các Bộ, ngành cần có sự chủ động, chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực cho việc kết nối dữ liệu phục vụ quản lý của ngành mình, góp phần từng bước đẩy nhanh tiến trình số hóa công tác quản lý và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Quách Đồng/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận