Doanh nghiệp rơi vào thế khó khi lượng lớn lao động là F0

Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh và gỡ khó khi hàng loạt lao động là F0.

 

Bà Nguyễn Thu Hương, chuyên viên tuyển dụng Công ty Cổ phần Cơ khí Đông Anh (LiGoGi) cho biết, hiện công ty có hơn 6.000 lao động, để mở rộng sản xuất trong thời gian tới, công ty tiếp tục có nhu cầu tuyển thêm khoảng 1.000 lao động mới. Trong đó có các vị trí như kế toán, công nhân xưởng. Mức lương cho công nhân từ 10 triệu đồng/tháng, kế toán từ 12-14 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, doanh nghiệp có thêm tháng lương thứ 13 và quà cho người lao động. Mức lương tương đối hấp dẫn song việc tuyển dụng của doanh nghiệp này vẫn gặp không ít khó khăn.

Thêm vào đó, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, toàn công ty đã có khoảng 252 lao động là F0 và hàng trăm lao động khác là F1, số lượng F0, F1 tăng “chóng mặt” từng ngày khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực, phải chật vật tìm thêm lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Nhiều lao động trở thành F0, F1, không ít doanh nghiệp đang loay hoay tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu sản xuất. (Ảnh minh họa)“Tạm thời chúng tôi đang phải chia nhân lực theo phân xưởng, huy động người từ xưởng này sang xưởng khác. Số lượng công nhân là F0 tăng liên tục, số lượng đơn hàng cũng tăng mạnh, do đó công ty phải tìm mọi cách để duy trì, cố gắng tuyển thêm lao động đáp ứng tiến độ đơn hàng theo yêu cầu của đối tác. Hiện nay, doanh nghiệp đều đang rất khó khăn trong tuyển dụng, thị trường lao động đang mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng, ứng viên thì không có, không hiểu nhân lực đi đâu hết”, bà Hương chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tám, Phòng Tuyển dụng Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc cũng cho rằng, chưa khi nào việc tuyển dụng lại khó khăn đến vậy. Theo ông Tám, từ trước Tết, công ty đã có khá nhiều lao động xin nghỉ việc, đến sau Tết, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, có đến 50% người lao động phải nghỉ làm do là F0, F1. Doanh nghiệp phải tìm mọi cách xoay sở để bổ sung buồn nhân lực còn thiếu, đáp ứng tiến độ các đơn hàng song vẫn rất khó khăn. Số lượng lao động có hạn, không thể tăng số giờ làm thêm cho công nhân, doanh nghiệp này đã buộc phải đi gia công sản phẩm ở các phân xưởng khác đồng thời giảm sản lượng để không tạo thêm áp lực cho người lao động. Bên cạnh đó, để giữ chân công nhân, công ty còn hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày cho mỗi người là F0, F1.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 cũng cho biết, hiện nay tại mỗi nhà máy thuộc tổng công ty số lượng lao động là F0 chiếm từ 10-40% tổng số lao động. Kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy phải điều chuyển lao động, đồng thời thông báo với khách hàng về những khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các công ty cũng đặc biệt chú trọng động viên tinh thần hỗ trợ người lao động đang sản xuất để cố gắng làm bù phần việc của những người đang nghỉ.

“Chúng tôi đang phải tính đến việc tăng giờ làm thêm cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất ở những nơi có nhiều F0 sang những nơi có ít F0, đồng thời làm việc với đối tác để điều chỉnh thời gian giao hàng”, ông Long cho biết.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, từ sau Tết đến nay, số lao động quay trở lại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố tương đối cao. Cùng với đó là thị trường lao động phục hồi tương đối nhanh so với yêu cầu. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lại khó khăn khi số lao động bị F0 tăng nhanh, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất. Ngoài ra, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội thời gian vừa qua, nên đặc trưng của năm nay rất khác so với mọi năm, đó là tình trạng lao động nhảy việc. Đa số doanh nghiệp giữ mức lương cơ bản và giữ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Các doanh nghiệp đều đưa ra các lời mời, các tiêu chí, lợi ích rất lớn để giành giật lao động. Do đó tình trạng nhảy việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác diễn ra rất mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, tạm thời tại nhiều doanh nghiệp./.

N.T/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận