Chuyên gia: 'Cho phép F0, F1 đi làm trong điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp'

Tiến sĩ Bùi Lê Minh: Đây là điều bắt buộc các công ty, cơ sở sản xuất phải lên kế hoạch vì dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất trong một thời gian dài.

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM với các địa phương ngày 9/3, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đối với các trường hợp F0 có vấn đề về sức khỏe thì cần phải chăm sóc. Việc đảm bảo sức khỏe là mục tiêu trên hết và trước hết. Tuy nhiên, nếu F1 không có vấn đề về sức khỏe thì sẽ đi làm.

Cho phép F0, F1 đi làm trong điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp

Theo ông Mãi, với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì làm việc phù hợp. Nhiều cơ quan hiện có có 30 - 50 F0 mà cách ly 7 - 14 ngày thì rất bị động trong công việc. Vì thế cần tính toán để đảm bảo hoạt động các cơ quan, doanh nghiệp.

Còn trước đó, Bộ Y tế đề xuất xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến... 

Thiếu hụt lao động do F0 tăng đột biến trong nhà máy, xí nghiệp. (Ảnh: Sỹ Đức/VOV1)Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, cho phép các F0, F1 đi làm trong những điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp. Tôi biết những cơ sở sản xuất đã chủ động xây dựng các mô hình làm việc cho F0, F1 đi kèm với hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe kịp thời và chính sách hỗ trợ cho người lao động khoa học. Đây là điều bắt buộc các công ty, cơ sở sản xuất phải lên kế hoạch vì dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất trong một thời gian dài, việc duy trì hoạt động liên tục thế nào rất cần có kế hoạch.

Thứ hai là với việc hỗ trợ người bệnh thì các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã đến thời điểm nên được tham gia nhiều hơn để gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế Nhà nước và giúp người bệnh có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện gia đình hơn.

Cần hiểu tính chất của dịch bệnh hiện nay đã thay đổi

Trong thời gian gần đây, tại các cuộc họp và các chuyên gia cũng nêu vấn đề đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu hay chưa? Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, thuật ngữ “bệnh đặc hữu” không phản ánh chính xác thuộc tính của dịch bệnh ở giai đoạn này vì nó không có đặc trưng riêng, không có nguồn gốc từ Việt Nam hay giới hạn trong vùng lãnh thổ của Việt Nam.

“Vì thế nên tôi cũng đồng tình với một số chuyên gia dịch tễ, gọi là bệnh “lưu hành” thì chính xác hơn là “đặc hữu”. Có gọi như thế nào chăng nữa thì điều quan trọng là chúng ta cần hiểu tính chất của dịch bệnh hiện nay đã thay đổi. Một bệnh được coi là “lưu hành” ở một vùng lãnh thổ thì số ca bệnh luôn duy trì ở một giới hạn dưới ổn định theo thời gian, tức là tối thiểu một người nhiễm bệnh phải lây được sang cho một người khác, nên ngoài tốc độ lây nhiễm của virus phải đủ cao thì một yếu tố nữa là tỷ lệ tử vong phải đủ thấp để duy trì khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Với các đặc trưng của dịch bệnh ở giai đoạn này thì chúng ta đã có thể xem xét việc coi COVID-19 là bệnh lưu hành” - Tiến sĩ Bùi Lê Minh nói.

Theo Tiến sĩ Bùi Lê Minh, khái niệm này đã có từ lâu trong miễn dịch học, nhưng những kinh nghiệm của chúng ta với COVID-19 cho thấy dịch bệnh này có những đặc điểm riêng cần đi đôi với các phương án riêng để thích nghi. “Mặc dù không phải chuyên gia dịch tễ học nhưng tôi cũng muốn đưa ra một số nhận định cá nhân về cách chúng ta ứng xử với dịch bệnh ở giai đoạn này. Vấn đề chính của COVID-19 là ngay cả khi phần lớn bệnh nhân không triệu chứng hay biểu hiện nhẹ thì số ca mắc cùng lúc có thể rất cao, luôn có nguy cơ tái nhiễm và ngay cả triệu chứng gọi là nhẹ cũng có thể dẫn tới mất khả năng lao động tạm thời nên chắc chắn ảnh hưởng của nó sẽ vẫn lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối với các ngành sản xuất”.

Còn với nhóm tuổi chưa được tiêm vaccine, theo TS Bùi Lê Minh, mặc dù gần đây làn sóng bệnh mới đã dẫn tới việc tăng nhiều trường hợp bệnh nhi, nhưng theo tôi đây chỉ là xu hướng tạm thời và không quá nguy hiểm. Đây là nhóm vốn được bảo vệ tốt hơn trong giai đoạn trước và khi người lớn đã tiêm vaccine nhiều, cùng với sự xâm nhập của Omicron nên gần đây nhóm trẻ trở nên nhạy cảm hơn với virus, đây là hiện tượng có thể dự đoán được từ trước. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất có thể thấy hiện nay không phải là các bệnh viện nhi quá tải mà là việc đi học của trẻ bị gián đoạn liên tục và các gia đình nhiễm bệnh từ trẻ dẫn tới phải nghỉ việc. Phần lớn trẻ nhiễm bệnh không có chuyển biến nặng nên các gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc cho trẻ khi bị bệnh.

“Tôi dự đoán là xu hướng này sẽ giảm trong 1-2 tháng tới do phần lớn trẻ sẽ có miễn dịch tự nhiên với các biến thể mới như Delta và Omicron nên cũng là cơ sở để duy trì các hoạt động giảng dạy như bình thường. Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại trạng thái hoàn toàn bình thường như trước dịch mà bình thường mới sẽ luôn đi liền với trạng thái đề phòng, cùng việc trang bị cho mỗi người kiến thức để theo dõi sức khỏe, xử lý đúng cách khi nhiễm” - TS Minh nói./.

An An/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận