Để cuộc sống trở lại bình thường, cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa

Việt Nam cần lộ trình rõ ràng đưa xã hội trở lại bình thường bằng việc biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường.

 

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập đỉnh, lên hàng chục nghìn ca mới mỗi ngày, anh Lê Anh Tuấn, tài xế hãng taxi 123 phải thường xuyên tự test nhanh, thực hành 5K và chủ yếu phục vụ khách quen. Khi được hỏi quan điểm về việc đã đến lúc coi COVID-19 như một bệnh thông thường, anh Tuấn vẫn tỏ ra dè dặt:

“Trước khi khách đi là mình có hỏi lịch trình rõ ràng, có tiếp xúc với F0 hay không, để đảm bảo an toàn cho mình, nhà em còn có người già, trẻ con nữa. Bị nếu tiêm đủ vắc xin rồi thì cũng nhẹ hơn, nhưng mức độ lây nhiễm lại rất cao. Nếu coi nó là bệnh thông thường quá thì cũng nguy hiểm”.

Ở một quan điểm khác, anh Đặng Văn Duyên, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, xung quanh anh, hầu hết mọi người đều đã dương tính với SarsCoV2. Việc tự thực hiện test nhanh liên tục khiến anh cảm thấy mệt mỏi, vừa gián đoạn công việc, vừa tốn kém chi phí. Bản thân anh từ vài tháng nay đã coi COVID-19 như một căn bệnh thông thường.

“Nếu cảm thấy khó chịu, ho, rát họng thì nói thật là bây giờ cũng chẳng biết đến chỗ nào. Mình ra hiệu thuốc mua thuốc uống thôi, mà chỉ 1-2 ngày là đỡ luôn, khỏi hẳn. Nên mình cảm thấy nó rất bình thường”.

Đồng tình với anh Duyên, anh Lương Đức Thành, sống tại quận Đống Đa cho biết, sau đợt bùng phát dịch từ Tết Nguyên đán đến nay, những người anh biết đều đã dương tính. Mặc dù vậy, anh Thành không quá e ngại về số ca mắc tăng cao:

“Tỉ lệ dương tính nhiều, nhưng phải khẳng định chưa chắc đã là Covid, là biến thể Delta hay loại khác. Nó có thể cũng là một dạng cúm mùa mà test vẫn lên thì sao. Cho nên tỉ lệ này nó cũng tương ứng với các bệnh thông thường ở mùa độ ẩm cao như Việt Nam mình. Đặc biệt ở phía Bắc thì là mùa bệnh phổi, đường hô hấp rồi. Nó cao thì không có gì là sai cả”.

Anh Lương Đức Thành viện dẫn tỉ lệ 95% người dương tính với SarsCoV2 ở Hà Nội là thể nhẹ, không triệu chứng. Do đó, không cần phải quá lo lắng hoặc tập trung nhiều vào Covid mà xao nhãng những việc khác.

“Việc này nên cho nó về bình thường. Mình quan tâm với những người phải vào viện, sao cho họ được chữa khỏi, đỡ tổn thương, tử vong. Có nhiều người bây giờ thực sự họ không để ý, thậm chí họ cho rằng, chuyện Covid giờ bình thường, đừng có suy nghĩ nhiều về nó”.

Trao đổi với VOV Giao thông, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích: Có một số liệu quan trọng thuyết phục được việc cần chuyển Covid-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

“Các biện pháp phòng dịch của thế giới và Việt Nam hiện nay đã làm khá đầy đủ. Chúng ta thực hành tốt 5K, hầu hết người dân đã được phủ vắc xin nhưng dịch vẫn diễn ra. Có một điều tương đối may mắn, tỉ lệ tử vong hiện chỉ 0,1%, tương đối thấp và nó giống như các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác”.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, nếu tiếp tục duy trì COVID-19 như bệnh truyền nhiễm nhóm A hiện nay, sẽ liên quan rất nhiều đến vấn đề khai báo, xét nghiệm, cách ly, hạn chế sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân và toàn xã hội. Do đó, cần một nhận thức và ứng xử mới với dịch bệnh này.

Việc tự thực hiện test nhanh liên tục khiến nhiều tài xế cảm thấy mệt mỏi, vừa gián đoạn công việc, vừa tốn kém chi phí.“Chúng ta vẫn không thể biết được bao giờ dịch có thể chấm dứt được. Còn hiệu quả của vắc xin cũng không thể ngăn chặn sự lây lan của dịch, còn tỉ lệ tử vong hiện cũng đã xuống thấp. Vì vậy, chúng ta cần xem xét để chung sống hòa bình với Covid-19”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, cũng có chung nhận định này. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn Delta nhưng tỉ lệ người mắc chuyển nặng lại thấp hơn nhiều.

Các quốc gia trên thế giới đang bị biến chủng này hoành hành đang hướng tới việc dỡ bỏ các biện pháp chống dịch hà khắc. Thậm chí, một số nước đã dự kiến đến 2/4/2022 sẽ công bố hết dịch COVID-19.

“Họ coi đấy là một bệnh lý do virus đường hô hấp gây ra. Và lúc đó Covid-19 được trả về thành các bệnh lý chuyên khoa. Người ta không còn cần bệnh viện dã chiến, tổ truy vết, hình thức cách ly tập trung, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.

Lúc này, các bệnh viện đa khoa sẽ phải có chuyên khoa lây riêng, hoặc đơn nguyên lây để tiếp nhận bệnh nhân Covid, chỉ bệnh nhân xứng đáng vào viện thôi.

Nhiệm vụ chẩn đoán đưa về bác sĩ điều trị lâm sàng, không cần xét nghiệm test nhanh, pcr, chỉ cần chẩn đoán bằng lâm sàng, không cần ra chỉ định, giảm thiểu rất nhiều về kinh phí cho người bệnh, hệ thống y tế”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, Việt Nam cũng nên xoay chuyển hướng phòng dịch như vậy, coi Covid-19 là một bệnh chuyên khoa, tương tự các bệnh viêm phổi hoặc bệnh hô hấp khác. Từ đó, xã hội sẽ giải phóng được nỗi ám ảnh mang tên Covid-19 và thực sự trở lại được trạng thái bình thường.

Tự cởi trói khỏi Covid

Sau hơn 2 năm chuyển từ thế đối đầu sang thích ứng với COVID-19, người dân và các cơ quan quản lý của Việt Nam đã học được nhiều bài học đắt giá. Điển hình là việc làm sao để thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, diễn biến dịch, đạt mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Đã có những bất cập, những đứt gãy trong quá trình hiện thực hóa từ chủ trương xuống từng đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Những chốt kiểm soát tập trung đông người, những tờ giấy thông hành xét nghiệm, giấy chứng nhận tiêm vắc xin, thẻ luồng xanh, danh sách trực cơ quan… từng gây phiền hà, ức chế cho người dân trong sinh hoạt, học tập và làm việc.

Rồi việc duy trì cứng nhắc, thiếu khoa học, thiếu tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, phòng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, những lô cốt, rào chắn chặn đường làng, ngõ hẻm gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội trong mùa giãn cách, phong tỏa.

Những thay đổi, dù muộn, để chung sống với dịch bệnh đã xảy ra như một quy luật tất yếu. Và nó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, đòi hỏi các nhà làm chính sách cần nhanh nhạy hơn nữa, đột phá tư duy hơn nữa và dám làm, dám chịu trách nhiệm hơn nữa.

Đến thời điểm hiện tại, không ai biết bao giờ sẽ hết dịch COVID-19, và Việt Nam còn đủ nguồn lực trong bao lâu để đuổi theo loài virus nhỏ bé SARS-CoV-2.

Chúng ta đã tiêm phủ vắc xin cho tối đa những người có thể, dịch vẫn tiếp tục bùng phát. Do đó, số ca nhiễm giờ không phải là tiêu chí cần chú trọng. Sự chủ động của ngành y tế, vắc xin và nhận thức người dân nâng cao về căn bệnh này đã giúp tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm xuống thấp ngang các bệnh truyền nhiễm theo mùa khác.

Giờ là lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn loại bỏ nỗi ám ảnh mang tên COVID-19. Người dân có cần tốn kém xét nghiệm đến thế? Cơ quan, công sở có nhất thiết phải chịu cảnh trống huơ trống hoác vì F1 bị cách ly tới cả tuần? Y tế phường, xã có thể tránh được cảnh nai lưng ra làm không hết việc, quá tải đến nỗi phải xin ra khỏi ngành?

Chính sách cách ly liệu có còn hiệu quả trong bối cảnh hộ chiếu vắc xin đã được thế giới áp dụng?

Chúng ta liệu có cần phải sợ hãi thái quá trước một căn bệnh đã được khoa học xác nhận là không còn đáng ngại, nguy hiểm như trước? Tất cả vấn đề hóc búa này, chúng gây bội chi cho ngân sách, gánh nặng cho túi tiền của người dân.

Việc rút COVID-19 khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, ứng xử với nó như các bệnh lý truyền nhiễm theo mùa sẽ không chỉ giúp cho mạch máu giao thông-kinh tế được khơi thông, mà còn giải tỏa tâm lý yếm thế, sự lo lắng không cần thiết cho cả xã hội.

Mòn mỏi chờ dịch bệnh buông tha hay tự cởi trói khỏi tư duy lệ thuộc vào dịch bệnh? Lời giải nằm trong tay chính các nhà quản lý vào lúc này.

Chu Đức - Sở Nguyên/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận