Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến ngày 3/3, Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có hơn 3,7 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 37.552 ca nhiễm).
Ở đợt dịch này, những người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ, chủ yếu là sốt, ho, rát cổ họng. Để giảm tải cho tuyến cơ sở trước áp lực bệnh nhân F0 tăng cao, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho phép những bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ được pháp điều trị tại nhà. Mới đây, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai giải pháp vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19, theo đó yêu cầu quản lý chặt chất thải từ F0 điều trị tại nhà.
Rác thải từ F0 và người chăm sóc đều có nguy cơ lây nhiễm
Tuy nhiên, trong việc xử ly chất thải do F0 điều trị tại nhà hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý như thế nào để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Thực tế hiện nay ở nhiều gia đình, các F0 ăn ở cùng gia đình, rác thải sinh hoạt được thu gom chung. Rác thải y tế, bông băng, những giấy lau dịch mũi, hoặc khạc đờm của bệnh nhân F0 được thu chung vào một túi nilong, sau đó chờ đến lúc có công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom thì sẽ mang cùng rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể việc thu gom, phân loại, bảo quản rác thải của F0 tại nhà như thế nào, nên mỗi người thực hiện một cách.
Tại buổi tọa đàm “Xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống vừa tổ chức, bác sĩ Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, việc thu gom và xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi Cầu Giấy là một trong những quận có số lượng người thuê trọ nhiều, khó khăn trong quản lý F0 và xử lý rác.
Bà Phạm Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, hiện có nhiều trường hợp F0 không khai báo, chính quyền địa phương không biết trong gia đình có F0. Rác thải sinh hoạt trong gia đình F0 không khai báo, người F1 cùng nhà đưa chung rác thải từ F0 cùng rác thải sinh hoạt ra khu tập kết, đây là nguy hại lớn ra cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến người thu gom rác.
Theo TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, số ca mắc tăng nhanh, số ca nhập viện, tái nhiễm không nhiều. Tuy nhiên với 87% số ca cách ly, điều trị tại nhà giúp giảm tải điều trị cho các cơ sở, việc điều trị thuận tiện và tâm lý người bệnh thoải mái, hiệu quả phòng chống dịch tốt hơn.
Điều này cũng phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt do bệnh nhân mắc Covid-19 và người chăm sóc tăng cao. Đồng thời, một số nơi xa, xe rác không thể vào thu gom, lượng rác này tồn đọng, không được thu gom, xử lý đúng quy định.
“Rác thải từ người mắc Covid-19, của người chăm sóc đều được coi là rác thải có nguy cơ lây nhiễm. Từ đó, Bộ Y tế cũng thống nhất tất cả rác thải của các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phải buộc vào các túi nilon riêng, túi màu vàng. Sau đó phải được phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để người thu gom, làm vệ sinh môi trường biết đó là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh, để những người thu gom tiếp nhận chất thải vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải có giải pháp xử lý an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng”- TS Nguyễn Thanh Hà nói.
Cần tuyên truyền về nguy hại rác thải của F0
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy, do số lượng F0 tại địa bàn tăng lên dẫn đến quá tải. Ca bệnh nghi ngờ tự test nhanh dương tính sẽ chủ động cách ly, không tiếp xúc, tạm thời phân loại rác thải như F0, lúc nào được công nhận ca bệnh F0 thì đã được xử lý ngay từ đầu. Nếu ca bệnh nghi ngờ âm tính thì rác thải chuyển vào rác thải chung. “Về những trường hợp cố ý không báo phường, hoặc không có ý thức phân loại rác thải, Quận đã có những trường hợp xử phạt người dân vi phạm, các trường hợp này được đưa lên loa truyền thanh, dán ở tổ dân phố, cụm dân cư hoặc nhắc nhở trong nhóm để răn đe, cảnh cáo”.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng xây dựng phương án theo từng cấp độ F0, lưu ý nhóm đối tượng thuê trọ, tuyên truyền hướng dẫn từng khu dân cư, phân loại rác thải để người dân nhận thức, hướng dẫn phân loại rác ra túi vàng, xịt khử khuẩn. Bên cạnh đó tuyên truyền giảm thiểu tối đa phát sinh rác thải, giảm tải cho công tác thu gom, bằng nhiều hình thức qua di động, tờ rơi, nhóm zalo.
“Đối với những trường hợp không khai báo thì phải phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các hệ thống chính trị, Uỷ ban Mặt trận, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, tổ hỗ trợ quản lý F0 phát hiện sớm, hướng dẫn kịp thời đến người dân, để phân loại đúng rác thải. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiếp tục có những truyền thông mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của người dân”- bác sĩ Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy cho biết.
Bà Phạm Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, nên làm tốt công tác tuyên truyền về nguy hại rác thải của F0, kết hợp tổ Covid-19 cộng đồng, tổ chức chức chính trị xã hội, đoàn thành niên, Ban công tác Mặt trận, tổ quản lý điều trị F0 tại nhà vào cuộc, nâng cao nhận thức của F0 trong việc xử lý rác thải tại nhà tập huấn, quản lý chặt chẽ F0, để tổ thu gom rác làm tốt công tác thu gom rác, khử khuẩn rác trước khi vứt rác.
Theo TS Nguyễn Thanh Hà, hiện nay, Nghị định số 55 sửa đổi một số quy định trong Nghị định 155, văn bản quy định hành lang pháp lý đã có, tuy nhiên vấn đề mang tính đột xuất, dịch khẩn cấp số ca cách ly, điều trị tại nhà nhiều, mọi người cần chung tay thực hiện.
“Tăng cường truyền thông nhận thức cho người dân trong việc khai báo y tế, nhắc nhở, giám sát việc cách ly hỗ trơ người dân trong việc thu gom rác tại nhà. Việc truyền thông không phải làm ngày một ngày hai, tuy nhiên trước thực trạng cấp thiết đòi hỏi chúng ta phải làm ngay” - TS Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh./.
Theo P.Hà/VOV.VN