Siêu công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Dấu ấn của sự chủ động thích ứng

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã hoàn thành vượt tiến độ và được bàn giao đưa vào vận hành chính thức ngay trong mùa khô năm 2022.

 

Dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh ĐBSCL sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Được khởi công từ ngày 20/10/2019, bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khó khăn về thời tiết, “siêu” công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng tại huyện An Biên và huyện Châu Thành của tỉnh Kiên Giang với vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng giai đoạn 1 đã hoàn thành vượt tiến độ và được bàn giao đưa vào vận hành chính thức ngay trong mùa khô năm nay.

Đây được xem là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam, một công trình mang dấu ấn của ĐBSCL từ trước đến nay. Dự án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân ở 5 tỉnh ĐBSCL sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

ĐBSCL là phần cuối cùng của châu thổ sông Mekong với dân số hơn 18 triệu người. Sau hơn 35 năm đổi mới, ĐBSCL đã trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp 54% sản lượng lúa cả nước, 70% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 37% sản lượng trái cây, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu tôm, 1 tỷ USD trái cây… đảm bảo sinh kế cho hơn 18 triệu người dân trong vùng cũng như đóng góp đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu, đã xảy ra tình trạng ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân cũng như hệ sinh thái.

Nhiều nghiên cứu khoa học, quy hoạch thuỷ lợi đã được đưa ra để xem xét. Đặc biệt, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những cơ sở quan trọng để Công trình thuỷ lợi khổng lồ - hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé được hình thành.

Qua nhiều hội thảo khoa học, tham vấn nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé đã chính thức được khởi công vào cuối năm 2019.

Công trình thuỷ lợi khổng lồ tại vùng châu thổ Mekong

Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé nằm trọn trong bán đảo Cà Mau. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, vùng tác động rộng tới hơn 384.000 ha, trong đó có gần 350.000ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân ở 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.

Dự án gồm các công trình Cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô, 8 cống trên tuyến đê An Minh - An Biên, tuyến đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé nối với Quốc lộ 61 (dài khoảng 5,7km) và hợp phần các mô hình sinh kế và hoạt động phi công trình trên địa bàn Kiên Giang, Hậu Giang. Trong đó, Cống Cái Lớn có 11 cửa van và âu thuyền rộng 15m, mỗi cửa van rộng 40m và nặng 203 tấn; còn cống Cái Bé cũng có 2 cửa van rộng 35m và âu thuyền.

Cống Cái Lớn.

Trong giai đoạn 1, dự án tập trung đầu tư xây dựng các công trình để kiểm soát cơ bản nguồn nước, giảm thiểu tác hại của việc xâm nhập mặn vào vùng bán đảo Cà Mau; tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Giai đoạn 1 sau khi hoàn thành sẽ có 395 ngàn ha đất sản xuất sẽ được kiểm soát mặn, ngọt. Giai đoạn 2 của giải quyết vùng ảnh hưởng sẽ lên đến 1 triệu ha, kiểm soát gần 25% vùng đất sản xuất ở ĐBSCL”.

Cống Cái Bé.

Hiệu quả bước đầu

Trước đây, hằng năm Kiên Giang đều bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng do thiên tai, hạn mặn. Đặc biệt là mùa khô năm 2015 - 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khu vực bán đảo Cà Mau. Riêng tỉnh Kiên Giang, kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người dân trong vụ sản xuất này đã lên đến hơn 463 tỷ đồng. bên cạnh đó, mỗi năm, mỗi tỉnh trong vùng dự án cũng mất từ 15 - 20 tỷ đồng để đắp đập tạm.

Đầu tháng 2/2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn 1 mùa khô, Cống Cái Lớn hoàn thành vào tháng 7/2021 và cống Xẻo Rô hoàn thành tháng 10/2021. Nhờ đó đã kịp thời bảo vệ cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm…

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Ngày 20/1/2022, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) đã ký bàn giao toàn bộ công trình dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 cho Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đưa vào vận hành khai thác, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (ảnh trên) cho rằng, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của Kiên Giang; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Quyết, nông dân ở ấp Bến Nhứt xã Long Thạnh huyện Giồng Riềng.

Kiên Giang đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với nguồn nước được kiểm soát khi vận hành Công Cái Lớn - Cái Bé ở các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao. 26 mô hình sản xuất khác nhau, đáp ứng nhu cầu chuỗi liên kết với diện tích 950ha được triển khai như mô hình cánh đồng lớn, mô hình tôm – lúa quản lý cộng đồng, mô hình Khóm - Cau - Dừa...

Ông Phạm Quyết (ảnh trên), nông dân ở ấp Bến Nhứt xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho rằng: những năm trước, cứ đến mùa khô anh rất lo xâm nhập mặn, sợ vườn cây ăn trái bị chết. Nhưng từ năm ngoái đến nay, vườn cây ăn trái của anh phát triển tươi tốt.

Một hệ thống thủy lợi hiện đại là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người nông dân Kiên Giang nói riêng và các địa phương khác ở ĐBSCL nói chung đã được đưa vào vận hành chính thức. Người nông dân ở 5 tỉnh ĐBSCL sẽ không còn phải chịu cảnh mất mùa trắng tay vì những ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán kéo dài.

Ông Đồ Văn Thành (ảnh trên), 76 tuổi, ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có 6 ha trồng khóm xen lẫn với cau và dừa. Nhiều năm nay, cứ đến mùa khô, vùng đất này bị nhiễm mặn, mùa màng bị thất bát. Có năm hạn nặng, mặn xâm nhập sâu, người nông dân trong vùng bị trắng tay do mất mùa. Giờ có công trình này từ mùa khô năm ngoái đến nay, ông Thành không còn lo lắng về mặn nữa. “người dân ai cũng mừng khi tới đây khỏi lo bị mặn hay triều cường tấn công nữa rồi”, ông Thành chia sẻ.

Mặc dù vẫn còn ý kiến lo ngại về những tác động của công trình thuỷ lợi Cống Cái Lớn - Cái Bé đến môi trường, mặc dù siêu công trình này cũng mới được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ mùa khô năm ngoái và chính thức từ mùa khô năm nay nhưng hiệu quả của công trình mang lại bước đầu khiến người dân ở vùng dự án rất phấn khởi, lợi ích mà các công trình này mang lại vượt xa so với mục tiêu ban đầu.

Không chỉ tỉnh Kiên Giang, khi được đưa vào vận hành chính thức, cống Cái Bé cùng cống Cái Lớn sẽ giúp cho nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng hưởng lợi rất nhiều trong việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng vạn người dân ổn định sản xuất nông nghiệp.

Không những kiểm soát nguồn nước, hệ thống thủy lợi được xem là hiện đại bậc nhất ở Tây Nam Bộ này còn được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai cũng như tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn, giảm thiểu tác hại của việc xâm nhập mặn vào vùng bán đảo Cà Mau./.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được triển khai xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành, tỉnh Kiên Giang do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 3.309,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị, tư vấn… là 2.718,5 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 191,2 tỷ đồng, còn lại là nguồn dự phòng.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận