Tập trung nguồn lực để hiện thực hóa tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo về việc quyết tâm hoàn thành tuyến Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trước năm 2025.

 

Đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Cao Bằng, mà còn tạo ra tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Thành phố Hải Phòng) qua cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc) đi Trùng Khánh - Trung Quốc sang các nước châu Âu.

Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng về những giải pháp của địa phương nhằm hiện thực hóa giấc mơ xây dựng tuyến giao thông mang tính chiến lược này.

Ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

Thưa ông, tỉnh Cao Bằng đã và đang có biện pháp nào để cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh? Đặc biệt, với nguồn vốn từ ngân sách địa phương sẽ được tỉnh bố trí ra sao trong bối cảnh Cao Bằng vẫn còn là tỉnh khá khó khăn?

Ngày 15/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, trong đó tập trung vào triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), nhằm tập trung mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành dự án trước năm 2025 nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc, tập trung vào một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thiện thủ tục hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định. Hiện nay hồ sơ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện xin ý kiến các thành viên Hội đồng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn trong quá trình hoàn thiện thủ tục và tổ chức khởi công Dự án, theo tinh thần sẽ vào khoảng cuối quý II, đầu quý III năm 2022.

Thứ hai, với quyết tâm cao nhất, tỉnh Cao Bằng đã rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó tỉnh đã cắt, giãn giảm 22 Dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh để tập trung bố trí vốn cho dự án cao tốc. Tại kỳ họp lần thứ 6 (tháng 12/2021), Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 17 đã họp và ra nghị quyết về việc bố trí vốn tham gia dự án, theo đó, tỉnh đã bố trí đủ nguồn lực và cân đối đủ 4.080 tỷ đồng ngân sách địa phương cho dự án này.

Thứ ba, Cao Bằng đã huy động sự vào cuộc, sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Hiện nay, Cao Bằng đã có chuẩn bị ra sao cho việc giải phóng mặt bằng và đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối cho tuyến đường này?

Về công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng, nhận thức được tầm quan trọng của công tác giải phòng mặt bằng trong thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, do 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (giai đoạn 1).

Theo đó, nội dung Kế hoạch đã xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, phạm vi, quy mô thực hiện, thời gian thực hiện, nội dung kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố liên quan nhằm tổ chức triển khai công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời với đó, với khoảng hơn 50km nối từ Lạng Sơn đến Thị trấn Đông Khê của huyện Thạch An, tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn thống nhất Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định. Ngoài ra, tỉnh cũng đã bố trí đủ kinh phí để sẵn sàng triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.

Về công tác chuẩn bị đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối cho tuyến đường, Cao Bằng xác định để thực hiện đầu tư đồng bộ, khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường bộ cao tốc, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối cho tuyến cao tốc có ý nghĩa rất cấp thiết. Đồng thời, đây được xem là một trong các thành phần hồ sơ khi trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng  ngày 15/11/2021, về việc nghiên cứu tuyến kết nối cao tốc với thành phố Cao Bằng, Thường trực Tỉnh uỷ đã giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu các phương án đầu tư (với quy mô dự kiến đường cấp III miền núi, chiều dài khoảng 25km, tổng mức đầu tư khoảng gần 1.400 tỷ đồng) nhằm lựa chọn phương án hiệu quả, tối ưu nhất, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, tỉnh đã sử dụng nguồn ngân sách địa phương để triển khai các dự án mang tính chất phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc, đồng thời là tuyến đường để phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương gồm 2 dự án: Dự án Đường giao thông Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và Dự án Cải tạo, nâng cấp đường giao thông Thụy Hùng - Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, 2 dự án này cơ bản đã hoàn thành, dự kiến bàn giao đi vào khai thác sử dụng trong Quý 1 năm 2022.

Để có thể khai thác tối đa giá trị tuyến đường mang lại, Cao Bằng đã và sẽ có những sự đầu tư mang tính chiến lược ra sao, nhất là tại các khu vực cửa khẩu?

Nhằm khai thác tối đa các giá trị mà tuyến đường mang lại, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành các chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó là triển khai các nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ và triển kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là các nội dung có tác động trực tiếp nhất khi tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành.

Trong nhiệm kỳ này, tỉnh Cao Bằng tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số để sẵn sàng kết nối và khai thác tối đa lợi thế mà tuyến cao tốc mang lại; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thật tốt để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh Cao Bằng khi nút thắt, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là hạ tầng giao thông, vị trí địa lý xa xôi đã có lời giải chính xác.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng là trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ, thương mại cửa khẩu, giao lưu quốc tế, là một khu vực phát triển bền vững, điểm đột phá về kinh tế và có sức lan tỏa phát triển. Đồ án quy hoạch có các không gian để phát triển hệ thống cửa khẩu, lối mở, các khu trung tâm cửa khẩu; các khu chế xuất, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho bãi và dịch vụ logistic…

Đồng thời, tỉnh Cao Bằng đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thành phố Cao Bằng, xây dựng phương án đầu tư đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị theo quy hoạch để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Cao Bằng, làm cơ sở thu hút đầu tư.

Bênh cạnh đó, tỉnh cũng đã lập danh mục các dự án trọng điểm để thu hút, kêu gọi nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách với 8 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh Cao Bằng đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án logistic, khu trung tâm trung chuyển hàng hóa, bất động sản nhà ở, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và khu kinh tế tại tỉnh Cao Bằng, dự kiến sẽ có những hợp tác tích cực để có các dự án lớn tại tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Công Luận thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận