Đây là nội dung trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” sáng nay (13/2) với chủ đề “Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng”, do HĐND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Đài Truyền hình thành phố tổ chức.
Tại chương trình, nhiều cử tri bày tỏ sự tri ân trước những hy sinh, vất vả của đội ngũ y tế trong đại dịch, trong đó có vai trò của y tế tuyến cơ sở. Cử tri cũng nêu những khó khăn, thuận lợi của y tế cơ sở trong đợt dịch vừa qua và cả tình hình thực tế khi TP.HCM bình thường mới hiện nay.
Giải đáp những thắc mắc này, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đợt dịch Covid-19, như truy vết, xét nghiệm, cấp cứu F0 tại nhà và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên... Mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, về nhân sự nhưng nhân viên y tế đã nỗ lực hết sức mình, trực gác liên tục, làm việc hơn 100% để chăm sóc, cứu chữa cho người dân. Nhiệm vụ trên rất nặng nề, vượt quá khả năng chịu đựng của y tế cơ sở, sau đó được sự hỗ trợ của các lực lượng tình nguyện viên, quân đội...cùng chống dịch tại cơ sở. Hiện nay, y tế cơ sở đã trở lại với công việc thường ngày đang có khối lượng công việc rất khổng lồ, thực hiện đảm đương 19 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Dũng thừa nhận: “Y tế cơ sở đã phải cố gắng chia sẻ tăng ca trực gác chia nhau thậm chí một người đảm đương nhiều vị trí công tác. Đây là sự quá tải cũng như điểm yếu của y tế cơ sở mà phải quan tâm đầu tư, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù.
Chia sẻ tại chương trình, cử tri là nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại các trạm y tế cho biết, nhân sự của trạm quá mỏng, từ trước, trong và sau dịch cũng không đủ để đáp ứng công việc trong tình hình mới. Vì vậy, cử tri đề xuất cần có giải pháp để thu hút nhân lực về trạm y tế, có chế độ đãi ngộ phù hợp xứng đáng cho nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Về vấn đề này, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, với quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ từ 5 - 10 nhân viên y tế, không thể đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Số lượng nhân viên y tế nói trên chỉ phù hợp với địa bàn phường xã có 6.000-20.000 dân, còn tại TP.HCM dân số rất đông, hầu hết các phường đều có hơn 50.000 dân, thậm chí có phường xã lên đến hơn 100.000 dân. Do đó, TP.HCM đã nghiên cứu đề xuất Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm có ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân, và cứ thêm 2.000 - 3.000 dân thì tăng thêm 1 nhân viên y tế, để đảm bảo phù hợp với quy mô, mật độ và cơ cấu dân số của các địa bàn phường xã có đông dân cư.
Ông Lâm Hùng Tấn nói: “Thành phố cũng tiếp tục duy trì mô hình trung tâm y tế lưu động, đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực từ các tuyến trên về công tác tại tuyến y tế cơ sở, và thu hút nguồn lực từ cộng đồng tham gia vào công tác. Sở nội vụ sẽ cùng với sở Y tế tham mưu đề xuất thực hiện”.
Tại chương trình, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế cũng được lãnh đạo các sở ngành nhấn mạnh là cấp bách và cần thiết. Nhu cầu vốn từ 2021-2025 của ngành y tế TP.HCM là 10.700 tỷ đồng cho 79 dự án để xây mới, cải tạo đầu tư cơ sở vật chất. Riêng năm 2022, TP sẽ bố trí 60 dự án tổng số vốn 5.042 tỷ đồng. TP.HCM đã đầu tư, nâng cấp sửa chữa 68 trạm y tế. Hàng năm, mỗi trung tâm y tế được đầu tư phân bổ sửa chữa 1 trạm y tế. Trong năm 2022, kế hoạch đầu tư của TP.HCM dành cho sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế sẽ cao hơn nhiều so với những năm trước, trong đó có 6 trung tâm y tế được ngành y tế trình để được phân bổ kinh phí, thực hiện nâng cấp cải tạo sửa chữa./.
Theo VOV.VN