Nhắc nhớ từ những âm thanh buồn
Tôi lại được nghe tiếng rao quen thuộc của người đẩy xe hủ tiếu, trứng nướng, bắp luộc mỗi buổi tối. Tiếng rao ấy mới hôm nào như bị lạc trôi giữa không gian tĩnh lặng đến nao lòng.
Bạn có hình dung khi nghe những âm thanh buồn tê tái. TP. Hồ Chí Minh - một đại đô thị ồn ào, sôi động cả ngày lẫn đêm, khi đại dịch tràn về đã phải ngủ “nướng” không hẹn giờ tỉnh giấc. Đi khắp các con phố, ngõ hẻm… đâu đâu cũng dây giăng, im lặng.
Giữa thành phố mà buổi trưa đứng trên cầu Thị Nghè (nối quận 1 với quận Bình Thạnh), nghe rõ tiếng gà gáy trưa. Buổi tối nghe rõ tiếng chó sủa xa xa đâu đó vọng về, gợi lại khung cảnh ở quê nghèo giữa đêm khuya thanh vắng thời chưa có điện. Sáng thức giấc, nghe tiếng rống bất lực của đàn voi từ Thảo Cầm Viên. Rồi cứ chiều chiều hoặc ban đêm, tiếng còi hú xe cứu thương gấp gáp, liên hồi, nối tiếp nhau thành một chuỗi âm thanh rờn rợn khắp tuyến phố không một bóng người.
Chiều muộn hôm Rằm tháng Bảy, chân trời bỗng một màu vàng ruộm. Rồi cơn mưa đá lần đầu tiên bất chợt đổ xuống. Tiếng đá rơi xuống mái tôn loong boong mỗi lúc một dày, khiến lòng người thêm se sắt…
Sau chuỗi âm thanh kéo dài nhiều ngày, bất chợt một buổi tối vang lên tiếng kèn Saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn da diết, bồi hồi với những bản nhạc không lời quen thuộc được anh biểu diễn giữa sân một bệnh viện dã chiến. Tiếng kèn làm dịu đi tâm trạng đang hoang mang, nghĩ tới một ngày dịch bệnh lùi xa.
Tối 19/11, vào đúng ngày rằm tháng 10, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động. Một lễ tưởng niệm đặc biệt về những tháng ngày đặc biệt chưa từng có ở Thành phố trên 300 năm tuổi. Tiếng chuông từ các nhà chùa, xóm đạo, tiếng còi tàu trên bến, dưới sông cùng lúc vang lên hòa vào không trung, lắng đọng...
“Phép thử” của hơn 150 ngày đêm căng thẳng chống chọi với dịch bệnh rồi cũng chầm chậm trôi đi. Giữa lúc căng thẳng, bức bách ấy, người ta chỉ mơ tới những ngày phố phường tấp nập người, xe; mong ước mỗi buổi sáng được nhâm nhi ly cà phê vỉa hè, mỗi buổi chiều được bù khú cùng chúng bạn bên ly bia sóng sánh, và mong cho lũ trẻ cùng chúng bạn nhanh được tới trường...
Có một Sài Gòn lan tỏa yêu thương!
Thôi, chẳng muốn nhắc lại số người “ra đi” lặng lẽ giữa đại dịch - đau lòng lắm! Chẳng muốn nhắc gì tới mất mát về kinh tế - xót xa lắm! Vậy nhưng phải nhớ. Nhớ để thấy sự tàn khốc của đại dịch, để thấy Thành phố “đầu tàu” này được và mất những gì.
Có một điều mà hàng triệu người nhớ nhất trong tận cùng của sự khốc liệt chưa từng có tiền lệ là tình người. Tình người ở Thành phố mười mấy triệu dân này tuyệt vời cũng “chưa tiền lệ” vừa có chất truyền thống, vừa có chất trí tuệ của thời 4.0, thời chuyển đổi số.
Tôi từng đến ATM gạo, chứng kiến từng người, từng người giữ khoảng cách an toàn để lấy gạo miễn phí; từng đến ATM ô xy (thứ quý giá hơn tất cả những gì quý giá lúc đỉnh dịch) để chứng kiến sự hối hả của những nhóm tình nguyện lấy ô xy ra bình nhỏ rồi đem đến người bệnh. Tôi cũng đến “siêu thị 0 đồng”, cũng lặng lẽ quan sát những người “đi mua” đồ thiết yếu. Còn anh bạn đồng nghiệp bảo, có nhà hảo tâm cứ đến con hẻm nhỏ nơi vợ chồng anh ở và chỉ hỏi, đây có bao nhiêu hộ, rồi nhanh chóng để lại bấy nhiêu túi quà. Xong lại vội vã đi ngay.
Chị bạn cùng cơ quan kể, có hai chị em ruột tranh chấp đất đai đã chục năm nay không đến nhà nhau, không nhìn mặt nhau. Vậy mà qua cơn đại dịch, thấu hiểu sự mong manh của mỗi phận người, họ đã làm hòa với nhau, xí xóa những cố chấp, giận hờn đè nặng lên “cái tôi” quá lớn của mỗi người. Nét mặt của hai chị em giờ đây không còn u tối, nặng nề như trước. Họ vui vẻ bảo nhau làm từ thiện, ủng hộ bà con lối xóm và những người nghèo…
Trong “nỗi đau chung” ấy, người dân Thành phố không đơn độc. Họ đã nhận được hàng triệu “phần quà đại đoàn kết”, “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế. Họ được ưu tiên tiêm vaccine miễn phí từ sự đóng góp sẻ chia của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Và đọng lại trong tâm trí người dân nơi đây là hình ảnh hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người tình nguyện đã bất chấp nguy hiểm, làm việc quên mình để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt.
Người dân Thành phố đã được rèn luyện tinh thần, không hoang mang mà cũng chẳng dám chủ quan, bởi trong mất mát, đau thương, càng nhìn thấu chính mình.
|
Thành phố đang “khỏe khoắn” trở lại
Thành phố nới lỏng giãn cách, rồi từng bước “sống chung an toàn với dịch”. Các tuyến phố dần nhộn nhịp trở lại. Các quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, công viên, điểm sinh hoạt công cộng cũng bắt đầu hoạt động.
Ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách, có bác nghỉ hưu sải bước ven con kênh quen thuộc với ánh mắt tươi vui và nụ cười mãn nguyện. Có gì cao xa đâu, chỉ là trở lại cuộc sống bình thường mà thôi.
Một số tuyến phố đã bắt đầu ùn ứ, kẹt xe và giờ cao điểm. Nhưng dạo này, mọi người nhẫn nại, vui vẻ hơn chứ không còn tỏ vẻ khó chịu như trước nữa. Chuyến du lịch đầu tiên tới Cần Giờ; Tour liên tỉnh đầu tiên giữa TP. Hồ Chí Minh đi Tây Ninh đưa lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 tham quan, trải nghiệm như một tín hiệu lạc quan “sống chung an toàn với dịch bệnh”.
Các cơ sở sản xuất bây giờ nếu có F0 sẽ không đóng cửa tất cả nhà máy. Từ giữa tháng 12, hơn 100 ngàn học sinh lớp 9 và lớp 12 tới trường sau bao ngày trực tuyến, nếu có F0 cũng không vội đóng cửa trường.
Buổi tối cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ bắt đầu có người viếng thăm. Nhiều quán cà phê, quán ăn đã sáng đèn. Đêm Noel, Thành phố rực sáng. Người xe qua lại đông vui như chưa hề vừa trải qua một đại dịch, mất mát.
Hàng hóa Tết đã đầy ắp các kệ trong siêu thị, cửa hàng tiện ích, bày bán khắp chợ dân sinh. Những làng hoa quanh vùng xơ xác, tiêu điều trong đại dịch vì vắng bóng người chăm bón hôm nào, nay đang khoe sắc. Những đoàn thuyền ăm ắp bông kiểng ngược xuôi các con sông, kênh, rạch từ các tỉnh miền Tây, miền Đông nườm nượp về Thành phố. Đường hoa Nguyễn Huệ vẫn chào người dân đón một cái Tết “bình thường mới”.
Đau thương, mất mát dần nguôi ngoai. Vẫn còn đó trên dưới cả ngàn F0 mỗi ngày. Delta chưa chấm dứt, Omicron rập rình… Nhưng người dân Thành phố đã được rèn luyện tinh thần, không hoang mang mà cũng chẳng dám chủ quan, bởi trong mất mát, đau thương, càng nhìn thấu chính mình.
Cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh đã kiên cường chống chọi với đại dịch, san sẻ yêu thương trong hoạn nạn. Trong “niềm đau chung” ấy đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về thái độ sống; về khát vọng vươn lên để giữ vững vị trí “đầu tàu”, xây dựng một “Thành phố nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước” đi lên./.
Tình người ở thành phố mười mấy triệu dân này tuyệt vời cũng “chưa tiền lệ”, vừa có chất truyền thống, vừa có chất trí tuệ của thời 4.0, thời chuyển đổi số.
|