Cảnh báo trào lưu nuôi thú cưng là động vật hoang dã

Hoạt động buôn bán thú cưng độc, lạ đang phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tại Việt Nam, đã bắt đầu xuất hiện trào lưu nuôi thú cưng (bao gồm động vật là vật cảnh và vật nuôi trong gia đình) là động vật hoang dã. Trào lưu này được cảnh báo gây khá nhiều rủi ro không chỉ cho động vật hoang dã mà còn cả cho sức khoẻ của người nuôi và đối với môi trường sinh thái.

Chị Nguyễn Thu Thuỷ, quản lý động vật Chương trình Bảo tồn rùa châu Á nhận định, việc nuôi thú cưng từ động vật hoang dã có tác động không nhỏ đến các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là nguyên nhân đe doạ đến sự tuyệt chủng của các loài rùa.

Tại Việt Nam, số lượng loài rùa cạn, rùa nước ngọt, và rùa biển chiếm 9% trong tổng số các loài rùa trên thế giới nên trở thành tâm điểm trong việc buôn bán động vật hoang dã trái phép.

'Nạn nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đối với các loài rùa hiện đang rất nhức nhối và diễn ra từ nhiều năm nay, chủ yếu buôn bán trên internet. Từ những chợ bán nhỏ lẻ như chợ thực phẩm, cửa hàng bán sinh vật cảnh cho đến địa điểm du lịch và đến cả những điểm tôn giáo, các loài rùa đã bị buôn bán từ vài cá thể đến hàng trăm cá thể, tại TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, khu du lịch Tam Đảo...

Cách buôn bán rùa hết sức đa dạng. Khác biệt giữa việc buôn bán rùa làm thực phẩm hay làm thuốc và làm thú cưng là ở kích cỡ của động vật, nuôi thú cưng thì quan tâm đến màu sắc, hình dáng của động vật. Họ sẽ không quan tâm đến cá thể non hay già, đặc biệt là con non càng được ưu tiên... nên nhắm đến các cá thể rùa nhỏ trong tự nhiên', chị Nguyễn Thu Thuỷ nói.

Hình ảnh các cá thể rái cá. (Nguồn: ENV)

Theo khảo sát thị trường nuôi thú cảnh ở Việt Nam, từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, đã có 1.912 cá thể được rao bán trên mạng internet, trong đó có 15 loài rùa phân bố chủ yếu ở miền Nam Việt Nam.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, internet trở thành phương tiện chính để quảng cáo công khai và thực hiện giao dịch các vụ buôn bán; còn xe khách là phương tiện chính vận chuyển lậu động vật.

Chị Thuỷ cho biết thêm, hoạt động mua bán ngày càng diễn ra tinh vi: 'Trong đợt COVID-19, hoạt động mua bán diễn ra ở các nhóm kín, để tránh cơ quan chức năng, ví dụ như thay bằng từ “mua bán” sẽ có các ký tự đồng âm khác nghĩa để đánh lừa cơ quan chức năng. Việc nhồi nhét động vật ở khoang hành khách sẽ gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và tiềm ẩn mối đe doạ, động vật có thể sẽ bị chết trước khi đến thị trường tiêu thụ'.

Ngoài động vật bản địa, có 27 loài rùa ngoại lai, nhiều nhất là rùa tai đỏ đang bị xâm nhập trái và nuôi trái phép ở Việt Nam. Đáng chú ý, hầu hết người nuôi rùa làm vật cảnh hay thú cưng đều không ý thức được mình đang nuôi loài rùa gì cũng như không nghĩ đến việc cung cấp môi trường sống an toàn cho rùa, ví dụ như khoan lỗ trên mai rùa, buộc dây để rùa không bò ra khỏi nhà, hay nuôi trong những lồng nhỏ....

Số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn rùa Cúc Phương từ năm 2014 đến năm 2020, hơn 1.600 cá thể đã được đã được cứu hộ với 20 loài rùa khác nhau, trong đó có 6-7% tiếp nhận được từ việc chuyển giao từ những gia đình nuôi rùa làm thú cưng.

Năm 2020, đã có hơn 1.100 cá thể rùa được giải cứu và đưa về trung tâm cứu hộ, trong đó rùa đứng thứ hai sau nhóm chim với số lượng chiếm gần 50%, sau đó là khỉ và các loài động vật khác./.

Hồng Lĩnh/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận